Chiều 23/8, ông Phạm Văn Lập, Chánh văn phòng UBND H.Đăk Hà (Kon Tum) cho biết, UBND huyện đã nhận được thông tin về việc người dân đi lùng bắt loài bọ lạ để bán cho thương lái xuất sang Trung Quốc thu mua với giá khá cao từ 500 ngàn đồng đến hơn 1 triệu đồng 1 kg.
Được biết, các thương lái đều đến từ ngoại tỉnh các huyện Đăk Glei, Ngọc Hồi, Đăk Hà, Đăk Tô để thu mua. Người dân ở các địa phương hầu như không hề biết tên loài bọ này là gì, nhưng khi nghe thương lái mua giá cao họ liền lên rẫy tìm bắt về bán.
Một chủ cửa hàng tạp hoá ở xã Kroong, huyện Đắk Glei, tỉnh Kon Tum nói, cách đây khoảng 1 tuần, có người đến đặt mua của bà loài bọ 3 sọc này, với giá 1,5 triệu đồng/kg. Sau đó bà đã hỏi mua của người dân địa phương và họ đi tìm bắt cho bà. Có ngày nhiều bà mua được từ 4-5kg.
“Họ chỉ đặt hàng thì tôi mua bán lại kiếm ít đồng lời thôi, chứ họ mua làm gì thì không biết”, bà này tiết lộ và nói ban ngày bà mua của người dân rồi tối đến có người đặt đi xe máy tới gom hàng, trả tiền.
Anh A Thân, người dân ở Đăk Sút, xã Đăk Kroong, huyện Đắk Glei, tỉnh Kon Tum, cũng cho biết trước đây thấy loài bọ 3 sọc này đầy rẫy tại các vườn nhà, nương rẫy nhưng không ai mua.
Vừa qua có thương lái hỏi mua nên người trong làng mới rủ nhau đi bắt. Bản thân anh cũng làm vợt, lấy túi ni-lông mấy ngày nay đi lùng bắt. “Mới hôm đầu bắt còn được nhiều, nhưng bữa nay người ta bắt hết nên mãi mới chỉ được vài chục con”, anh A Thân kể và cho biết.
Cẩn thận với loài bọ 3 sọc
Được biết loài bọ lạ này có tên là bọ 3 sọc (hay còn gọi là bọ ban miêu khoang vàng, hoặc sâu đậu) mỗi con có độ dài hơn 1 cm, thân màu đen với các điểm hay dải ngang màu vàng. Chúng thường xuất hiện vào tháng 5 đến tháng 11 trong năm, phân bố rộng khắp các tỉnh ở Việt Nam.
Loài bọ ban miêu này cũng được khuyến cáo là rất độc, vì có tính ăn mòn mạnh, nếu để gần da thịt người nhẹ thì phồng đỏ lên, nặng thì lở loét. Chúng thường phải được qua sơ chế, dùng làm vị thuốc ngoài da đối với da hoại tử khó tiêu hóa được và mụn nhọt hắc lào dai dẳng, sẽ dùng nó cho ăn mòn để lên da non. Tuy nhiên loài bọ 3 sọc này cũng thường gây hại cho mùa màng bà con như trên lúa, bầu bí, đậu đen…
Bà Hoàng Thị Thủy, Chủ tịch UBND xã Đăk Kroong cho biết:“Chúng tôi cũng đã khuyến cáo người dân không nên bắt vì loại bọ này có độc, gây bỏng”, bà Thủy nói.
Tuy nhiên, nhiều người dân thấy lợi nên vẫn lao vào bắt, đặc biệt một số trẻ em cũng đi bắt loài bọ này sau đó phải nhập viện trong tình trạng bị bỏng ở vùng cổ và miệng.
Điển hình vào ngày 20/8, em A Ngãi (10 tuổi, trú làng Đắk Môn, xã Kroong, huyện Đắk Glei) cùng 2 em khác đi vào rẫy lúa trong làng tìm bắt bọ 3 sọc và bán được 10.000 đồng để chia nhau. Đến tối về A Ngãi kêu nóng, rát ở quanh cổ và miệng nên gia đình đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa Khoa khu vực Ngọc Hồi trong tình trạng quanh cổ, miệng bị phỏng nước.
Thanh Thiên (t/h)