Việc thay đổi và mạnh tay cắt giảm sẽ khiến hàng chục ngàn quân nhân phải giải ngũ và có thể gây ra làn sóng phản đối mạnh mẽ.
Học hỏi mô hình của quân đội Mỹ, Trung Quốc sẽ tái cấu trúc 18 quân đoàn thành 25-30 sư đoàn để tăng sức mạnh và khả năng chiến đấu linh hoạt. Điều đó đồng nghĩa việc Trung Quốc sẽ tái tổ chức hơn một nửa trong tổng số 1,55 triệu lính lục quân. Hiện tại, mỗi quân đoàn có từ 30.000-100.000 binh sĩ.
Mạnh tay cắt giảm
Những thông tin trên do các nguồn tin thân cận với quân đội Trung Quốc (PLA) tiết lộ với báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP – Hồng Kông).
Một đại tá nghỉ hưu ở Bắc Kinh cho rằng, lục quân ở Trung Quốc hoạt động theo mô hình Liên Xô cũ. Tuy nhiên, mô hình này quá cồng kềnh, không còn phù hợp với chiến tranh hiện đại. “Với khả năng triển khai nhanh cũng như cung ứng thiết bị và hậu cần, mô hình của Sư đoàn Không quân 101 (Mỹ) là ví dụ điển hình mà lục quân Trung Quốc nên học hỏi”.
Cụ thể, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình – đồng thời là Chủ tịch Quân ủy Trung ương – cho giải thể 4 bộ tư lệnh, sau đó thành lập 15 cơ quan mới nằm dưới sự kiểm soát của Quân ủy Trung ương. Ngoài ra, 7 quân khu được tái tổ chức thành 5 chiến lược khu (bao gồm trung tâm, Bắc, Nam, Đông và Tây). Thậm chí, trong năm 2017, Trung Quốc sẽ cắt giảm khoảng 300.000 binh lính.
Việc thay đổi và cắt giảm mạnh tay như thế sẽ khiến hàng chục ngàn quân nhân phải giải ngũ và có thể gây ra làn sóng phản đối mạnh mẽ, đặc biệt là từ lực lượng lục quân hùng hậu. Theo một số trang mạng Trung Quốc, quá trình cải tổ sẽ gặp nhiều trở ngại. Thứ nhất, nội bộ PLA sẽ cạnh tranh để giành miếng bánh to hơn trong ngân sách, từ đó hạn chế khả năng hợp tác. Thứ hai, dù có cải cách, PLA vẫn là lực lượng quân đội đông đảo nhất thế giới, dẫn đến việc phối hợp hoạt động không dễ dàng. Cuối cùng, việc không tham chiến trong hơn 35 năm qua khiến các tổ chức, hệ thống và học thuyết của PLA đều chưa được “thử lửa”.
Tự tử, bắt bớ
Theo SCMP, dường như ông Tập Cận Bình đang củng cố sự lãnh đạo đối với PLA bằng cách bổ nhiệm các tướng lĩnh tin cậy vào vị trí cao. Song hành với cải tổ, quân đội Trung Quốc còn là mục tiêu của chiến dịch chống tham nhũng. Giới quan sát cho biết hàng loạt vụ tự tử xuất hiện kể từ khi chiến dịch chống tham nhũng trong quân đội của Chủ tịch Tập Cận Bình bước vào giai đoạn thứ hai. “Tự tử là cách tốt nhất để những người bị cáo buộc tham nhũng hay thậm chí mới bị nghi ngờ bảo vệ gia đình, bạn bè và các đồng sự” – một quan chức giấu tên nói.
Tháng 8/2016 có 3 vụ tự tử trong PLA. Người đầu tiên – một lãnh đạo văn phòng chính trị thuộc Bộ Chỉ huy chiến trường miền Nam Trung Quốc – nhảy cầu trên sông Dương Tử. Quan chức thứ hai – người đứng đầu Trung tâm Quản lý các doanh nghiệp hậu cần của hải quân – nhảy lầu từ một khu phức hợp của hải quân. Nhân vật thứ ba là thiếu tướng Trần Kiệt, chính ủy một đơn vị lớn thuộc Bộ Chỉ huy chiến trường miền Nam của PLA. Ông này uống thuốc ngủ tự tử ở ký túc xá Trung đoàn Thâm Quyến hôm 5/8/2016. Tuy nhiên, nhiều nguồn tin không tin ông Trần dính đến tham nhũng bởi theo kế hoạch, ông được thăng chức vào ngày 06/8/2016.
Số tướng lĩnh ngã ngựa vì tham nhũng gần đây cũng nhiều không kém. Sau khi những tên tuổi hàng đầu như 2 cựu Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Từ Tài Hậu và Quách Bá Hùng bị bắt vì tham nhũng, dường như không còn ai giật mình trước tin tướng Vương Kiến Bình, Phó Tham mưu trưởng Bộ Tham mưu Liên hợp thuộc Quân ủy Trung ương, bị bắt mà SCMP đăng tải hôm 26/8/2016.
Ông Vương – người có quan hệ thân thiết với ông Từ Tài Hậu và cựu Bộ trưởng Công an Chu Vĩnh Khang – sẽ là vị tướng đương chức đầu tiên sa lưới pháp luật kể từ khi chiến dịch chống tham nhũng được phát động năm 2013. Tháng 7/2016, tướng Điền Tu Tứ, cựu Chính ủy Không quân Trung Quốc và cũng là Ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, bị bắt giữ vì cáo buộc tham nhũng. Cựu Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Lý Kế Nại và cựu Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần Liêu Tích Long bị bắt tại một cuộc họp các cán bộ cao cấp đã nghỉ hưu trong tháng 7/2016.
Cấm cả tiệc sinh nhật
Trong nỗ lực kiềm chế nạn lạm dụng công quỹ và tặng quà để đổi sự ưu ái, một số địa phương ở Trung Quốc đã cấm quan chức lẫn người dân tổ chức tiệc sinh nhật, gây ra những phản ứng trái chiều. Tờ China Daily ngày 26/82016 đưa tin một người dân ở tỉnh Tứ Xuyên bị phạt 650 nhân dân tệ (gần 2,2 triệu đồng) vì tổ chức tiệc mừng thọ cho người mẹ 87 tuổi.Tháng 1/2016, một cựu quan chức Tứ Xuyên bị phạt do tổ chức tiệc sinh nhật lần thứ 60 chỉ vài ngày sau khi ông nghỉ hưu. Bữa tiệc có 121 khách mời và tốn khoảng 900 USD.
Tại Tứ Xuyên, chính quyền một thành phố ban hành quy định công chức và dân thường chỉ được tổ chức tiệc nếu rơi vào 3 trường hợp: đám cưới, đám tang và tiệc sinh nhật cho người trên 70 tuổi. Điều đáng nói là tiệc sinh nhật chỉ được phép tổ chức 10 năm/lần. China Daily cho rằng, “lệnh cấm tổ chức tiệc sinh nhật của một số chính quyền địa phương là đi quá xa và không có cơ sở pháp lý. Nếu không ảnh hưởng đến lợi ích công cộng và quyền lợi của người khác thì mọi người đều có thể chi tiêu tùy thích cho tiệc sinh nhật và đám tang”
Theo Tân Hoa Xã, ít nhất 740.000 quan chức đã bị kỷ luật hoặc trừng phạt kể từ khi Chủ tịch Tập Cận Bình phát động chiến dịch bài trừ tham nhũng. Dù vậy, con số này vẫn chiếm chưa tới 1% đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Theo NLd