Công ty Trung Quốc Geely đã gây chấn động ngành công nghiệp ôtô thế giới khi trở thành cổ động lớn nhất của Daimler, tập đoàn sở hữu thương hiệu Mercedes-Benz, khiến giới chức Đức cảnh giác.
Theo thông cáo công bố cuối tuần qua, Geely chiếm gần 10% cổ phần của Daimler, qua đó thực hiện chiến lược thâm nhập thị trường ôtô cao cấp ở châu Âu.
Chủ tịch Geely, ông Li Shufu, dự kiến gặp gỡ giới lãnh đạo của Daimler vào đầu tuần này và sau đó là tiếp xúc các quan chức chính phủ Đức. Tuy nhiên, Bộ trưởng Kinh tế Đức Brigitte Zypries nói rằng, Berlin sẽ “đặc biệt cảnh giác” phi vụ đầu tư này của công ty Trung Quốc.
“Đức là một nền kinh tế mở và luôn chào đón các vụ đầu tư, miễn là chúng phù hợp với thị trường”, ông Zypries nói.
Chính phủ Đức đã thống nhất từ cuối năm 2017 về việc mở rộng quyền hạn của nhà nước để giám sát những phi vụ thâu tóm từ các công ty nước ngoài, đặc biệt trong những ngành then chốt và hạ tầng.
Trong diễn biến khác, vào tuần trước, tờ báo Đức Handelsblatt cho biết Berlin muốn ngăn chặn vụ Công ty mạng lưới điện Trung Quốc (SGCC) muốn đầu tư vào công ty 50Hertz, đơn vị vận hành lưới điện ở Đông Bắc nước này.
“Tôi không phản đối rằng Trung Quốc muốn giao thương và đầu tư. Chúng tôi cam kết với thương mại tự do, nhưng nó phải có tính đối ứng, sự cởi mở không chỉ đến từ một phía”, Thủ tướng Đức Angela Merkel phát biểu tại một hội nghị cuối tuần qua khi bình luận về ảnh hưởng của Bắc Kinh với khu vực Tây Balkan.
Không chỉ Đức mà nhiều nước trên thế giới cũng đang ngày càng cảnh giác trước các cơn sốt thâu tóm của Trung Quốc.
Cũng trong tuần trước, Ủy ban Đầu tư nước ngoài Mỹ (CFIUS) đã chặn một thương vụ thâu tóm công ty bán dẫn Xcerra trị giá 580 triệu USD bởi một quỹ đầu tư do chính phủ Trung Quốc chống lưng. Cơ quan này đã chặn nhiều kế hoạch thâu tóm tương tự của Trung Quốc trên cơ sở công nghệ vi xử lý có thể ứng dụng trong quân sự.
Ngoài lợi ích quốc gia theo nghĩa hẹp, có ít nhất 3 lý do khác khiến giới làm ăn và các chính phủ nên thận trọng trước những lời đề nghị từ Trung Quốc: nguyên tắc có qua có lại, sự minh bạch và an ninh dữ liệu.
Khi Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) năm 2001, các đối tác quốc tế cứ nghĩ quốc gia này đang đi trên con đường hội nhập và mở cửa nền kinh tế. Chính Bắc Kinh cũng cam kết như vậy. Nhưng thực tế ngày nay cho thấy đó chỉ là lời hứa hão, Trung Quốc không có dấu hiệu nào cho thấy sẽ trở thành một nền kinh tế mang tính thị trường.
Các thương vụ của Trung Quốc thường thiếu minh bạch. Khu vực doanh nghiệp của Trung Quốc ôm núi nợ lớn nhất thế giới. Với bên trong “mục rữa” như vậy, các đề nghị sáp nhập của các tập đoàn Trung Quốc khổng lồ như Anbang, Fosun, Dalian Wanda, HNA… thường cung cấp rất ít thông tin về “sức khỏe tài chính” của bên mua. Điều đó tạo ra rủi ro dòng tiền sẽ bị hút ra khỏi mục tiêu bị sáp nhập một khi thương vụ mua bán đã hoàn tất, để lại một cái xác ốm yếu.
Trung Quốc là một chính thể chuyên chế, trong đó quan hệ giữa doanh nghiệp và nhà nước rất gần gũi. Nếu một công ty bị doanh nghiệp Trung Quốc mua sở hữu dữ liệu quan trọng hoặc nhạy cảm thì gần như chắc chắn dữ liệu đó sẽ rơi vào tay chính quyền Bắc Kinh.
Tú Văn (t/h)