Luật sư và giới pháp lý đại lục vừa qua đã bày tỏ mối lo ngại về bản dự thảo sửa đổi luật nhằm giới hạn thông tin liên quan đến vụ án mà luật sư có thể tiết lộ, trong khi các nhà lập pháp cấp cao tiếp tục cuộc họp kéo dài một tuần tại Bắc Kinh hôm Thứ Ba (28/10).
Cuộc họp định kì hai tháng một lần của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, bắt đầu vào Thứ Hai (27/10), đang xem xét bản dự thảo sửa đổi và các mục điều chỉnh áp dụng cho cả luật ban hành mới và hiện hành, trong đó có luật quy định về án tử hình, phản gián và chống khủng bố.
Các nhà lập pháp cho biết, những điều bổ sung cho Bộ luật Hình sự sẽ “đảm bảo tòa án nhân dân thực hiện quyền tư pháp một cách độc lập và công minh”. Nhưng các luật sư lại nhìn nhận, việc sửa đổi chỉ cản trở thực thi công lý.
Các lệnh hạn chế nhằm vào 3 loại đối tượng, trẻ vị thành niên, việc riêng tư cá nhân và các vụ án liên quan đến bí mật quốc gia, đây là kiểu “xử án riêng tư” và bí mật.
Các luật sư cho rằng, họ sẽ bị cấm công bố thông tin về những vụ án liên quan, dẫn đến thêm nhiều bất công trong xét xử.
Theo bản dự thảo sửa đổi về “cản trở hành chính tư pháp”, tội danh được cấu thành nếu luật sư biện hộ, người liên quan hoặc tham gia phiên tòa rò rỉ thông tin cho công chúng, khiến tin tức lan truyền trên truyền thông hoặc gây “hậu quả nghiêm trọng khác” dính líu đến vụ án đang được xử.
Truyền thông nhà nước đăng một phần bản dự thảo hôm Thứ Hai (27/10) nhưng không đề cập đến các luận điểm trên. Thay vào đó, các điều khoản được luật sư đăng tải trực tuyến, tạo tranh luận rộng rãi trong giới luật gia.
Vụ án “bí mật quốc gia” cấm tiết lộ thông tin thường được dùng để chỉ các phiên tòa chính trị hoặc tranh chấp thương mại – từ lâu luôn được xét xử kín.
Tuy nhiên, vì mức độ thường xuyên của những vụ án oan sai, các luật sư đại lục hay chọn cách đăng thông tin trên truyền thông xã hội hoặc phát biểu với báo giới nhằm tìm kiếm sự ủng hộ từ công chúng hoặc tạo áp lực lên chính quyền để kêu gọi thực thi công lý.
“Rõ ràng là sai phạm khi luật sư tiết lộ thông tin về các phiên tòa ‘riêng tư’, nhưng thực tế đã có luật quản thúc chuyện này. Tuy nhiên, vấn đề chính hiện nay là xử lý oan sai trong các bản án hình sự, chứ không phải hạn chế quyền của luật sư”, theo ông Vương Tài Lượng, luật sư và phó chủ tịch Ủy ban Luật pháp Hành chính thuộc Hiệp hội Luật sư Toàn quốc.
Vài luật sư tranh luận, việc sửa đổi nhằm bảo vệ sự riêng tư cho khách hàng, nhưng ông Vương phản bác: “Chúng ta đã có chế tài đối với tiết lộ thông tin cá nhân, nhưng dự thảo sửa đổi hiện nay đẩy việc tiết lộ thông tin lên thành tội danh hình sự. Điều này càng thêm hạn chế hoạt động của luật sư khi tác nghiệp”.
Có suy đoán rằng, nhiều vụ việc được đăng tin rộng rãi như trường hợp của Lý Thiên Nhất, con trai ca sĩ quân đội Lý Song Giang và những người phạm tội hiếp dâm khi còn ở độ tuổi vị thành niên, là nguyên nhân thúc đẩy ban hành luật tăng cường hạn chế và cấm đoán bình luận từ công chúng về các vụ án chính trị có tính nhạy cảm.
Thiên Hà, Hàn Mai – Theo South China Morning Post