Tinh Hoa

Trung Quốc: Sau chuyến đi Hồng Kông, một phụ nữ bị tra tấn dã man

Sau chuyến trở về từ Hồng Kông, cô Trần Tĩnh, một phụ nữ sống ở Giai Mộc Tư thuộc đông bắc Trung Quốc đã bị chính quyền bắt giữ và tra tấn dã man.

Cô Trần Tĩnh bị cảnh sát tra tấn ở quê nhà Giai Mộc Tư, thuộc đông bắc Trung Quốc (Minh Huệ)

Ngày 21/1 vừa qua, khi cô Trần Tĩnh rời khỏi căn hộ của mình để đi trả tiền điện, cô đã bị Đội an ninh nội địa tại địa phương bắt giữ và tra tấn. Tổ chức này là lực lượng công an bí mật có nhiệm vụ thanh trừng những cá nhân mà Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) cho là có mối đe dọa về chính trị.

Khi bị bắt giữ, cảnh sát đã lục soát người cô Trần, tịch thu chìa khóa căn hộ của cô và 350 nhân dân tệ (khoảng 50 USD) trước khi đưa cô tới đồn cảnh sát Youyilu. Trong khi đó, hơn 10 cảnh sát đã đến hiện trường để lục soát căn hộ của cô.

Cô Trần, một học viên của môn tu luyện tinh thần – Pháp luân Công hiện đang bị đàn áp ở Trung Quốc, vừa mới trở về sau chuyến đi Hồng Kông. Tháng 10 năm ngoái, cô cũng tham gia vào một sự kiện tranh chấp pháp lý và nhân quyền kéo dài, đó là vụ án trại giam Kiến Tam Giang khét tiếng.

Kiến Tam Giang là một thành phố nhỏ ở vùng đông bắc Trung Quốc, là nơi trú ngụ của một cơ sở tẩy não khét tiếng. Việc chính quyền địa phương thành lập trung tâm này đã dẫn đến kiện tụng và biểu tình trong nhiều năm qua, vì nơi đây chuyên giam giữ và lạm dụng quyền lực đối với các học viên Pháp Luân Công. Các luật sư đã nỗ lực bảo vệ những người bị giam nhưng sau đó chính bản thân họ cũng bị cảnh sát bỏ tù và tra tấn.

Một nhóm các luật sư Trung Quốc đã tuyệt thực trước Trung tâm giam giữ Kiến Tam Giang vào tháng 3/2014, thúc giục các cơ quan chính quyền thả 4 luật sư nhân quyền đang bị giam giữ trái phép vì bảo vệ các học viên Pháp Luân Công. (Ảnh chụp màn hình / Weibo.com)

Thông tin chi tiết về việc lạm dụng cô Trần được đăng trên trang Minh Huệ, một trang web chuyên thu thập và công bố các thông tin về cuộcđàn áp Pháp Luân Công ở Trung Quốc đại lục.

Giam giữ, thẩm vấn, và tra tấn

Bị còng tay vào một cái ghế sắt, cô Trần Tĩnh bị vài viên cảnh sát tra hỏi về chuyến đi đến Hồng Kông của cô, trong đó có ba “chuyên gia” đến từ sở cảnh sát tỉnh Hắc Long Giang.

Vào ngày hôm sau (22/1), cô bị chuyển đến trại giam Giai Mộc Tư.

Trong khi đó, cảnh sát đến lục soát nhà cô Trần, tịch thu nhiều đồ đạc của cô bao gồm nhiều máy tính, hai máy in, máy ảnh, và các tài liệu liên quan đến vụ kiện Kiến Tam Giang.

Họ cũng thu giữ tiền mặt của cô, một thẻ ngân hàng có số dư vào khoảng 15.000 nhân dân tệ (2.300 USD), và nhiều giấy tờ tùy thân gồm cả bằng lái xe, hộ chiếu, và hợp đồng nhà ở của cô.

Buổi thẩm vấn cô Trần có sự xuất hiện của trưởng phòng Đội an ninh nội địa và các nhân viên đến từ nhiều bộ phận cảnh sát ở Giai Mộc Tư, một khu đô thị gần biên giới với Nga.

Vào ngày 27 hoặc 28/1, cô Trần bị tra tấn bằng cách treo lên trần nhà bằng sợi dây thừng buộc chặt quanh thân thể cô theo hình chữ U. Sau khi lặp đi lặp lại đau đớn này trong khoảng nửa giờ đồng hồ, cảnh sát tiếp tục đập mạnh cô vào tường. Một trong những kẻ tra tấn đã đập nát tất cả các ngón tay của cô, Minh Huệ cho biết.

Bức họa mô tả một hình phạt treo người được sử dụng đối với các học viên Pháp Luân Công. (Minh Huệ)

Cánh tay và bàn tay phải của cô Trần đã bị phình to lên vài lần so với kích cỡ thông thường sau vụ tra tấn này. Trong vài ngày sau đó, cô bị chuyển đến một số đồn cảnh sát và trại giam, trước khi bị trả lại cho trại giam Giai Mộc Tư để thẩm vấn thêm vào ngày 8/2.

Một viên cảnh sát họ Lý đã hỏi cô về chuyến đi đến Hồng Kông của cô và đe dọa cô nếu từ chối trả lời.

Trong khi Hồng Kông là một phần của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, thì Pháp Luân Công lại có thể được tự do và công khai tập luyện ở đó. Việc đi lại giữa Trung Quốc và Hồng Kông cho phép các học viên Pháp Luân Công có thể giao tiếp với những người khác ở Hồng Kông và phần còn lại của thế giới.

Vụ kiện Kiến Tam Giang

Vào ngày 5 và 6/3, cảnh sát đã tìm cách gây sức ép buộc cô Trần hợp tác bằng cách đưa các thành viên trong gia đình cô đến trại giam. Ngoài yêu cầu cung cấp thông tin chi tiết về chuyến đi Hồng Kông của cô, họ cũng tìm cách lấy thông tin về các hoạt động của tòa án và các kế hoạch hoạt động của các học viên Pháp Luân Công cũng như các luật sư nhân quyền đang quan tâm đến trung tâm tẩy não ở nông trường Thanh Long Sơn, thuộc Kiến Tam Giang.

Sau đó, cảnh sát buộc cô Trần phải ký tên vào biên bản thẩm vấn mà không được phép đọc nó. Kể từ đó cô bị giam giữ như một tội phạm, điều đó có nghĩa rằng cô sẽ phải hầu tòa.

Một bản đồ chỉ vị trí cực biên phía đông của tỉnh Hắc Long Giang và vị trí các trại giam giữ của công an tại đông-bắc Trung Quốc (Ảnh: Minh Huệ).

Sau khi các học viên Pháp Luân Công ở Đông Bắc Trung Quốc đâm đơn kiện Sui Tingfu, một quan chức cảnh sát đóng vai trò chủ chốt trong cuộc đàn áp Pháp Luân Công tại địa phương vào tháng 10 năm ngoái, cảnh sát đã bắt đầu triển khai một chiến dịch nhỏ nhằm bắt giữ các học viên tham gia vào các hoạt động này. Chiến dịch này cũng nhắm đến các luật sư nhân quyền đang giúp đỡ các học viên.

Theo Daikynguyenvn