Tại Trung Quốc có những sản phẩm tưởng chừng không thể tồn tại vì quá vô đạo đức, nhưng vẫn được sản xuất hàng loạt và bán cho người tiêu dùng, ví dụ như quần áo hàng thùng lấy từ nhà xác, vắc xin quá hạn hoặc nhiễm bẩn, sữa công thức trẻ em chứa hóa chất, và mới đây là răng giả làm bằng sắt vụn.
Răng giả làm bằng sắt vụn thực chất không hiếm ở các phòng khám nha khoa, vấn đề nằm ở chỗ khách hàng có nhận ra hay không. “Chúng tôi dùng sắt vụn để làm răng giả”, một công nhân tại công ty cung cấp y cụ Trung Thành Từ Độ ở Bắc Kinh tiết lộ với phóng viên đài truyền hình trung ương CCTV của Trung Quốc. Tiết lộ này đã được công bố trong một bộ phim tài liệu nói về phóng sự điều tra, chiếu ngày 15/3 vừa qua.
Một công nhân khác tại đúng nhà máy này sau đó cũng xác nhận rằng sắt vụn sẽ được tái chế để làm răng giả nhằm giảm chi phí sản xuất.
Răng giả nhẽ ra cần phải được làm bằng loại hợp kim đặc biệt phù hợp với tiêu chuẩn y khoa nhất định. Sắt và thép vụ không đảm bảo an toàn và thậm chí còn gây hại sức khỏe cho người dùng vì chúng thường chứa kim loại nặng độc hại.
Theo CCTV, sắt thép vụ do xưởng chế tạo răng giả Trung Thành Từ Độ được đóng gói dưới nhãn hiệu “Vera PDS” và không hề có ghi chú nào bằng tiếng Trung. “Vera PDS” là thương hiệu của sản phẩm răng giả làm bằng hợp kim tiêu chuẩn do hãng nha cụ Aala Dent trụ sở tại California chế tạo. Hãng chuyên sản xuất hợp kim nickel chrome tiêu chuẩn cho mọi loại sản phẩm nha khoa. CCTV không giải thích vì sao sắt thép vụn qua hãng sản xuất Trung Quốc lại được dán nhãn của “Vera PDS”.
Công ty Trung Thành Từ Độ đã thu nhập sắt thép vụn từ một người trung gian là ông Hậu tại thành phố Phật Sơn tỉnh Quảng Đông. Khi trả lời phỏng vấn của CCTV, ông Hậu cho biết 90% sắt thép vụn của ông đến từ Thiên Tân,và nói thêm ông chưa từng gặp mặt chủ công ty mà mình đã hợp tác suốt 7 đến 8 năm qua.
Ngoài việc sử dụng nguyên vật liệu không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn, công ty này còn không hề tiệt trùng sản phẩm theo quy định của ngành chế tạo y cụ.
“Tôi mang bàn chải đánh răng của mình từ nhà tới đây, lâu rồi tôi không dùng nó”, một nữ công nhân trả lời khi được nhìn thấy đang vệ sinh răng giả với chiếc bàn chải lâu không dùng của mình.
Phóng sự cũng xác nhận một vấn đề tương tự tại xưởng nha cụ Bắc Khẩu ở Bắc Kinh, một xưởng sản xuất nha cụ khác ở thủ đô. Giới chức Trung Quốc đã bắt đầu điều tra những công ty này.
Trên trang Sina Weibo của Trung Quốc, các cư dân mạng đã bày tỏ sự bất bình đối với những sản phẩm kém chất lượng và giả mạo được vạch trần trong chương trình gọi là “3.15” này. Một cư dân mạng ở Sơn Đông nói: “Cơ quan quản lý cũng có thể trở thành phế thải vì họ chẳng làm được gì, cứ như thể không tồn tại vậy. Hãy ngừng tiêu tốn tiền thuế của dân đi. Tôi không muốn trả tiền thuế cho đám người vô trách nhiệm và ngu ngốc này”.
“Sau khi xem chương trình của CCTV, tôi thấy lo cho bà tôi quá. Rất nhiều người già dùng răng giả, lương tâm các người để đâu rồi!!! Trời đất ơi!!”, một cư dân mạng tại Giang Tây than phiền.
“Lại một chương trình 3.15. Ở Trung Quốc nếu người ta không chết hàng loạt, chính quyền sẽ chẳng màng công để điều tra. Trung Quốc dân đông, và nếu có vài người chẳng may chết người ta cũng chẳng quan tâm”, một cư dân ở Giang Tô biệt danh “Miao Lifeng” ca thán.
Vào năm 2008, sữa công thức cho trẻ nhỏ tại Trung Quốc bị phát hiện nhiễm hóa chất melamine, một loại hóa chất công nghiệp. Khi một số phóng viên đầu tiên phát hiện và đưa tin về tình trạng này, vụ việc ngay sau đó đã bị che đậy, và chỉ bị lật tẩy vào cuối thế vận hội Olympic mùa hè ở Bắc Kinh. Sữa nhiễm bẩn đã đầu độc hàng ngàn trẻ sơ sinh và khiến ít nhất 6 bé tử vong.
Theo minhbao.net