Tòa án Trung Quốc ở khu tự trị Tân Cương đã kết án tử hình 12 phạm nhân và phán án nặng hàng chục trường hợp khác vào Thứ Hai (13/10), với tội danh khủng bố hồi tháng 7 khiến gần 100 người thiệt mạng.
Chính quyền Tân Cương cho biết, 59 ‘kẻ khủng bố’ đã bị lực lượng an ninh bắn hạ tại Yarkant, Tân Cương. 37 thường dân đã thiệt mạng trong cuộc tấn công ngày 28/7.
Theo các nhà chức trách, người dân bị sát hại bởi lực lượng trang bị dao xuất hiện tại hai thị trấn. Hàng trăm mạng bị giết chết tại khu vực này trong suốt hai năm qua, phần lớn đều trong các vụ xung đột bạo lực giữa người Tân Cương bản địa với Hán tộc.
Chính quyền cũng quy kết nhóm Hồi giáo Tân Cương đã tiến hành nhiều vụ tấn công khác ở Trung Quốc, trong đó có cả Bắc Kinh.
Trong phiên xét xử tại tòa án thành phố Con đường Tơ lụa là Kashgar, bồi thẩm đoàn đã cáo buộc các phạm nhân vô số tội ác, trong đó có khủng bố, giết người, bắt cóc, đánh bom, trang web chính quyền Tân Cương đưa tin.
Bên cạnh 12 phạm nhân nhận bản án nặng nhất, còn có 15 người khác chịu án tử hình treo, 9 trường hợp chung thân và 20 người khác với án tù từ 4 đến 20 năm. Tất cả phạm nhân đều là người Duy Ngô Nhĩ.
Hồ sơ chính thức công bố tại tòa mô tả cách thức các phạm nhân chặn đường, kéo lê nạn nhân trước khi hành hung họ đến chết.
Quy chế cấm đoán nghiêm ngặt hoạt động báo chí tại Tân Cương khiến việc xác nhận thông tin gặp khó khăn. Chính quyền Trung Quốc đã quy trách nhiệm những vụ bạo động ở khu tự trị miền tây này cho nhóm ly khai Hồi giáo, những người thể hiện mong muốn thành lập một nhà nước độc lập lấy tên là Đông Turkestan.
Cùng hôm xét xử, truyền hình nhà nước cho biết hai “côn đồ” đã đâm chết một nữ cảnh sát tại Tân Cương. Nhóm tấn công đi xe gắn máy dùng vũ khí sắc nhọn “tấn công và giết hại tàn nhẫn” nữ cảnh sát này, Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) đưa tin trên trang microblog của mình.
Các hãng thông tấn không công bố thân phận nữ cảnh sát, nhưng qua tên gọi có thể biết cô là người Duy Ngô Nhĩ. CCTV dẫn lời đồng nghiệp nạn nhân cho biết nữ cảnh sát đã có thai 2 tháng.
Vụ tấn công diễn ra hôm Thứ Sáu (10/10) gần một ngôi chợ huyện Pishan, quận Hotan. Ngay trước đó là vụ sát hại một lãnh tụ Hồi giáo được nhà nước chống lưng vào tháng 7, cho thấy sự chống đối ngày càng tăng với những người Duy Ngô Nhĩ thân chính quyền Trung Quốc.
Nhóm người Duy Ngô Nhĩ lưu vong và các nhà hoạt động nhân quyền cho biết, chính sách hà khắc của chính quyền tại khu vực giáp biên giới Trung Á, Afghanistan, Pakistan và Ấn Độ mới là nguyên nhân chính gây ra tình trạng bạo lực hiện nay. Bắc Kinh phủ nhận cáo buộc này.
Vào tháng 9, truyền thông nhà nước cho biết, cảnh sát đã bắn chết 40 người biểu tình, trong đó có một số người tìm cách đánh bom tự sát sau vụ nổ ở huyện Luntai.
Thiên Hà, Hàn Mai – Theo Reuters