Là một người phụ nữ xinh đẹp, tài giỏi, yêu nước, nhưng cuộc đời bà lại rơi vào bi kịch tù đày và mất mát người thân. Thân phận của bà là một hình ảnh điển hình cho giới trí thức cũng như người dân trong những năm tháng Cách mạng văn hóa đầy máu và nước mắt.
Năm 1915, Trịnh Niệm được sinh ra trong một gia đình danh giá ở Bắc Kinh. Tên thật của bà là Du Niệm Viên. Ông của bà là một học giả Khổng giáo vào cuối triều nhà Thanh, đầu thời kỳ Trung Hoa dân Quốc. Cha bà là một vị tướng.
Thời đó, bà Trịnh Niệm là một cô gái vừa xinh đẹp vừa thanh lịch. Trong thời gian theo học tại trường Trung học Nam Khai, thành phố Thiên Tân, bà đã bốn lần xuất hiện trên trang bìa của Tạp chí Bắc Dương họa báo, một tờ báo lớn thời bấy giờ.Đầu tiên bà vào học ở Đại học Bắc Bình Yến Kinh, rồi sau đó sang Anh du học và lấy bằng thạc sĩ của học viện Kinh tế và Khoa học Chính trị London. Trong thời gian ở London, bà gặp và kết hôn với Tiến sĩ Trịnh Khang Kỳ cũng là bạn học của mình. Hai người sớm sinh được một cô con gái.
Năm 1949, Trịnh Niệm cùng chồng quyết định trở lại Thượng Hải. Nhưng họ không biết rằng lòng yêu nước của họ sẽ chỉ được đổi bằng sự đau khổ.
Năm 1957, chồng bà qua đời vì bệnh ung thư, khi đó bà 42 tuổi. Cái chết của chồng đã không làm bà suy sụp, bà vẫn sống một cuộc đời bình thản. Bà thường đọc báo trong lĩnh vực nghiên cứu của mình vào những buổi tối mùa hè và nghĩ rằng mình sẽ dành phần đời còn lại ở mảnh đất Thượng Hải. Tuy nhiên, vào mùa hè năm 1966, hai vị khách không mời của chính phủ đã đến nhà bà. Ngay lập tức, nhà bà bị lục soát và bà bị dán nhãn thuộc phe cánh hữu vì sống một cuộc sống tư sản, bà còn bị cáo buộc là gián điệp của Anh do có nhiều năm sống ở nước ngoài.
Cơn ác mộng 6 năm rưỡi của bà bắt đầu tại “nhà tù số 1” khét tiếng. Vào thời điểm đó, Trịnh Niệm đã hơn 50 tuổi. Bà cảm thấy may mắn cho chồng mình vì ông đã mất sớm: “Từ sau cái chết của ông ấy, đây là lần đầu tiên tôi hạnh phúc vì ông đã từ dã thế giới này từ sớm, vì thế ông đã không bị bạo hành và ngược đãi. Cảm ơn Chúa, ông ấy đã ra đi”.
Trong tù, Trịnh Niệm phải chịu đựng đủ loại gian khổ, từ bị bỏ đói, tra khảo, đánh đập cho đến bạo hành tâm lý. Những cơn tuyệt vọng do bị cách ly, sự bất lực khi bị tra tấn tâm lý và thể chất sẽ dễ dàng tước đoạt khao khát muốn sống của người ta, nhưng Trịnh Niệm không bao giờ từ bỏ cuộc sống. Bà mượn chổi để quét dọn phòng giam và bọc chiếc bồn rửa lại để khỏi bụi bẩn. Thậm chí bà còn tập một bài thể dục để giữ cho mình tỉnh táo.
Bà là người mặc dù sống ở nơi tăm tối, nhưng vẫn nhìn lên bầu trời đầy sao. Ở trong góc của nhà tù, bà được mạng nhện óng ánh truyền cảm hứng; khi được ra ngoài nghỉ ngơi, bà vui mừng như một bông hoa dại. Mặc dù sống trong nhà tù tồi tàn, nhưng bà đã làm cho những tù nhân khác phải ghen tị với mình – một nhà thơ mơ mộng.
Bà không bao giờ cầu xin lòng thương xót khi bị tra tấn. Bà nói: “Đó là một hành động quá ngây thơ và không văn minh cho lắm”.
Dù có phải chịu bao khổ sở, bao nỗi hành hạ cả về thể xác lẫn tinh thần, thậm chí từng vài lần thổ huyết và phải nhập viện, nhưng bà vẫn kiên quyết không chịu thừa nhận những tội danh vô cớ mà người ta đổ lên đầu mình. Bà đã không ngừng phản biện, đấu tranh vì sự thật, đến mức mà những người quản ngục còn phải thừa nhận rằng chưa từng gặp phạm nhân nào cứng đầu và kiên trung như Trịnh Niệm.
Mặc dù Đảng Cộng sản Trung Quốc muốn kết án bà, nhưng bà vẫn tin chắc rằng số phận của bà có thể được viết lại.
>>> 12 người đẹp chết thảm trong thời Cách mạng Văn hóa
>>> 5 nhà lãnh đạo châu Á tàn bạo nhất trong lịch sử
Năm 1973, Trịnh Niệm cuối cùng đã được trả tự do. Vào thời điểm đó, bà đã gần 60 tuổi, mang theo nhiều vết sẹo trên thân thể và tinh thần. Tuy nhiên, bà lại phải nhận một đòn đau đớn hơn khi hay tin: Con gái duy nhất của mình đã tự sát.
Trịnh Niệm, một người phụ nữ kiên trung không bao giờ rơi nước mắt trong nhà tù dù cho hoàn cảnh có khắc nghiệt đến mức nào, cuối cùng đã khóc sau khi biết cái chết của con gái mình: “Tôi đã cố hết sức để sống và chịu đựng tất cả những nỗi đau. Nhưng tại thời điểm biết con mình mất, mọi thứ đã mất đi ý nghĩa; xung quanh tôi hoàn toàn trống trải, một cảm giác trống rỗng vây lấy tôi”.
Bà không tin rằng con gái mình tự sát. Cơ thể nhanh chóng hồi phục, bà tu sửa lại nhà cửa, và sử dụng tất cả các mối quan hệ mình có để điều tra sự thật về cái chết của con gái. Bà phát hiện ra rằng con gái mình đã bị đánh đến chết sau đó bị ném ra khỏi ban công.
Năm 1980, Trịnh Niệm lúc đó 65 tuổi, bà chọn rời khỏi Trung Quốc, miền đất đầy đau thương. Khi bà đặt chân lên tàu rời Thượng Hải đi Hoa Kỳ, trái tim của bà mang theo rất nhiều cảm xúc đau đớn và đan xen. “Tôi sẽ rời quê hương của mình mãi mãi, và trái tim tôi đã tan vỡ, hoàn toàn tan vỡ. Chỉ có ông Trời mới biết tôi đã trải qua gian khổ thế nào vì lòng trung nghĩa với quê hương. Cuối cùng, tôi đã thất bại hoàn toàn, nhưng tôi là người vô tội”.
Ở tuổi 65, Trịnh Niệm nhanh chóng thích nghi với lối sống và môi trường mới – lái xe trên đường cao tốc, đi siêu thị mua sắm, và gửi tiền ngân hàng tự động.
Năm 1987, cuốn tiểu thuyết tự truyện của bà “Sống và Chết ở Thượng Hải” (Life and Death in Shanghai) được xuất bản bằng tiếng Anh. Từ máu và nước mắt của mình, bà đã viết về những năm tháng kinh hoàng ở Thượng Hải. Tác phẩm như một bức tranh toàn cảnh về Trung Quốc thời kỳ Cách mạng Văn hoá đầy bi kịch. Thông qua lối kể chuyện dung dị bằng những chi tiết chân thực, những hình ảnh vô cùng sống động về cuộc đàn áp khổng lồ trên toàn cõi Trung Quốc, người đọc khi thì run sợ, lúc thì hồi hộp, lo lắng,… như chính mình đang sống trong Cách mạng Văn hoá.
Tác phẩm làm ta hiểu rõ được thân phận của giới trí thức Trung Quốc, cũng như của toàn thể nhân dân lao động – những người lương thiện, yêu nước, những người lao động bị chà đạp, bị nghiền nát bởi chính quyền. “Sống và chết ở Thượng Hải” được viết bởi một con người tràn đầy lòng nhân hậu. Nhờ thế mà tác phẩm có tính nhân văn cao, sức thuyết phục, hấp dẫn lớn. Cuốn sách nhanh chóng trở thành tác phẩm bán chạy nhất ở cả Châu Âu và Hoa Kỳ. Để tưởng niệm chồng và con gái bà đã sử dụng bút danh Trịnh Niệm cho quyển sách.
Sau khi “Sống và chết ở Thượng Hải” trở nên phổ biến, Trịnh Niệm thường được mời phát biểu trước đọc giả. Bà đã quyên góp phần lớn thu nhập từ việc bán sách cho một trường đại học ở Hoa Kỳ nhằm hỗ trợ sinh viên Trung Quốc. Bà vẫn hy vọng sẽ đóng góp một chút cho đất nước thông qua những nỗ lực của chính mình.
Năm 1988, khi Trịnh Niệm phát biểu tại Hawaii, bà đã rải tro cốt của chồng và con gái xuống biển Thái Bình Dương, bà tin rằng đại dương sẽ đưa họ trở về quê hương.
Trịnh Niệm qua đời thọ 94 tuổi và tro cốt của bà cũng được rải xuống biển Thái Bình Dương như tâm nguyện của bà, để gia đình ba người họ được gặp nhau trên sông Hoàng Phố.
Bảo Long, theo Vision Times