Cây cầu trên sông Dương Tử ở Nam Kinh, Trung Quốc nổi tiếng thế giới là “điểm nóng” của nạn tự tử. Thế nhưng, có một người anh hùng thầm lặng, suốt 14 năm đã tận tâm tận lực cứu giúp những số phận đang lâm vào bước đường cùng, phải tìm đến cây cầu này để quyên sinh.
Cây cầu huyền thoại của sông Dương Tử có chiều dài vẻn vẹn 4m, được xây dựng giữa Pukou và Xiaguan nằm ở thành phố Nam Kinh sầm uất và náo nhiệt. Ngày này qua ngày khác, tuần này qua tuần khác, những người tuyệt vọng, u sầu và bị bạo hành lựa chọn nơi đây để chấm dứt cuộc đời.
Người anh hùng ấy là anh Chen Si, hiện cũng đang sống ở Nam Kinh, Trung Quốc.
Tự tử có phải là một giải pháp để giải quyết cho mọi vấn đề?
Câu trả lời là hoàn toàn không phải vậy. Bạn hãy nghe câu chuyện của chính ông Chen Si…
Ông Chen Si, 48 tuổi, là một công nhân tại một công ty hậu cần. Ông xuất thân là một người dân lương thiện tại một ngôi làng nông thôn ở vùng Suqian. Suốt 14 năm qua, ông Chen Si hàng tuần bằng chiếc xe máy điện đã thực hiện các chuyến đi dài hơn 20 km trên chặng đường từ nhà đến cầu sông Dương Tử ở Nam Kinh.
Tuy nơi anh ở cách cây cầu 25km, nhưng cuối tuần nào cũng vậy, Chen Si luôn có mặt ở cây cầu từ lúc 7 giờ 30 phút sáng. Anh đi kiểm tra trên cầu bằng xe đạp hoặc đi bộ. Nếu gặp ai đó có những biểu hiện muốn tự tử, anh liền tới gần nói chuyện và thuyết phục họ đừng làm điều dại dột. Vào những ngày không trực tiếp tới được, thì anh để lại số điện thoại của mình cho người dân gần đó, để họ kịp thời báo cho anh nếu có bất kỳ trường hợp nào cần giúp đỡ.
Chia sẻ về nguyên nhân thúc đẩy anh phát tâm thực hiện công việc này, Chen Si cho biết, năm 2003 anh từ quê chuyển tới Nam Kinh để làm việc. Chính anh đã thấm thía nỗi cô đơn lạc lõng và khốn cùng. May thay, Chen Si đã gặp được một ông cụ tốt bụng, là người đã động viên, giúp đỡ và cho anh rất nhiều lời khuyên tích cực.
Ông tâm sự: “Tôi cũng từng có ý định đến đây tự tử như họ… Ngày đó, khi tôi gặp khó khăn trong công việc bán rau ở Nam Kinh, tôi đã rất tuyệt vọng, nhưng may thay tôi đã được một người nông dân tốt bụng giúp đỡ. Giờ đây cuộc sống của tôi đã trở nên tốt hơn và tôi mong muốn giúp những người khác tìm thấy hy vọng như tôi trước đây, họ vẫn còn có tương lai phía trước”.
Nhưng không lâu sau, ông cụ già đó ngã bệnh vì các con trai của ông tranh giành tài sản thừa kế. Ông già đau lòng đến nỗi đã tuyệt thực và cuối cùng thì qua đời. Sự kiện này là một cú sốc lớn với anh Chen. Mãi cho tới sau này, anh vẫn luôn day dứt rằng, giá như lúc đó anh có thể đến nói chuyện với ông cụ, thì mọi thứ có lẽ đã khác đi. “Điều gì có thể quan trọng hơn cả mạng sống của chính mình?” – anh Chen suy nghĩ.
“Mỗi ngày trong cuộc sống của chúng ta nên đối xử với nhau bằng cả tấm lòng”
Từ đó, ông Chen đã cố gắng bằng tất cả những gì có thể để giúp những con người đang tuyệt vọng. Mỗi khi ông Chen thấy ai đó chuẩn bị lao xuống dòng sông, ông liền tiến nhanh đến nói chuyện với họ, ôm họ, và giữ họ trong vòng tay cho đến khi họ ngừng ý định đó. Hơn nữa, ông cũng chuẩn bị cho họ một nơi để ở. Ông thuê một căn nhà hai phòng dành cho những người thôi ý định tự tử tạm ở lại, và ông cũng nhờ các tình nguyện viên là sinh viên đang học đại học tư vấn cho họ, giúp họ thoát khỏi những bế tắc cũng như cảm giác chán chường, tuyệt vọng trong họ.
Anh Chen cũng nhắc đi nhắc lại rằng, một trong những lý do quan trọng làm cho anh quyết tâm giúp đỡ những người này, là bởi vì anh cảm thông sâu sắc với những gì mà họ đang phải trải qua. Đa phần những người tự tử không phải là dân Nam Kinh, họ thường là những người đã phải bỏ quê để lên thành phố tìm việc làm. Chen cho biết anh cũng đã từng cảm thấy bế tắc và khổ sở giống như họ, nhưng rồi anh đã phát hiện ra rằng, còn có quá nhiều điều đáng sống. Chính vì vậy, anh không muốn bất cứ ai lãng phí cuộc đời mình.
Lòng nhân ái không phải là điều dễ dàng ai cũng có thể làm được!
Để duy trì được dịch vụ cứu người này, ông Chensi đã phải cống hiến và hy sinh rất nhiều. Thỉnh thoảng, ông phải đối mặt với những hiểm nguy khi người được cứu có dấu hiệu phản kháng. Một lần, trong khi cứu một người có ý định tự sát, người ấy đã tấn công và làm ông bị thương.
Cho đến thời điểm này, số tiền dành cho việc cứu người của ông đã lên tới 748.750 nhân dân tệ (gần 2,5 tỷ đồng Việt Nam). Chi phí thuê căn hộ của ông là 1,000 yuan (khoảng 3,3 triệu đồng) mỗi tháng. Một số nhà hảo tâm đã quyên góp 2,2 triệu đồng/tháng để giúp ông chi trả số tiền, phần còn lại ông sẽ đảm đương. Với mức thu nhập bình quân khoảng 4.000 tệ/tháng cộng với mức lương hàng tháng là 4.000 nhân dân tệ (hơn 13 triệu đồng), ông Chen phải dành một nửa số tiền để trang trải chi phí cho công việc này. Phần còn lại ông dành để nuôi gia đình hiện tại của ông.
Không biết mệt mỏi, vào mỗi thứ bảy và chủ nhật hàng tuần, ông Chen thường đi dọc cây cầu từ 8 giờ sáng đến 5 giờ chiều. Hiện nay ông không phải là người duy nhất thực hiện dịch vụ đặc biệt này, nhiều sinh viên tâm lý học từ hai trường đại học ở địa phương cũng sẵn sàng tư vấn miễn phí cho những người có nhu cầu.
Việc làm cao cả của ông Chen đã thu hút sự quan tâm của những người dân từ khắp nơi trên thế giới. Họ đều cảm phục tấm lòng và hành động trượng nghĩa của người đàn ông trung niên này. Năm ngoái, câu chuyện của ông Chen Si đã được truyền tải vào một bộ phim mang tên là “Angel of Nanjing” (Thiên thần của thành phố Nam Kinh) bởi đạo diễn tài hoa Jordan Horowitz và Frenk Ferendo. Bộ phim này sau đó đoạt giải thưởng khá cao.
Vào năm 2014, các nhà làm phim Frank L. Ferendo và Jordan Horowitz đã hợp tác sản xuất bộ phim tài liệu về Chen Si, với tiêu đề “Thiên thần ở Nam Kinh” (Angel of Nanjing). Và gần đây, trang tin tức Now This cũng đăng tải một clip ngắn kể về công việc phi thường của anh Chen Si.
Đoạn clip đã thu hút gần 14 triệu lượt xem cùng vô số những lời ca ngợi, cảm phục và ủng hộ tấm lòng nhân ái từ bi của anh Chen. Cuộc đời vẫn đáng sống, chính vì còn có những tấm lòng cao thượng như vậy. Đừng đợi ai đó mang đến cho bạn điều kỳ diệu, mà chính bạn hãy trở thành một điều kỳ diệu.
Suy ngẫm:
Ông Chen Si trong câu chuyện chắc hẳn đã hiểu sâu sắc ý nghĩa của sự sống nên ông sẵn sàng dành thời gian, công sức và tiền bạc của mình để cứu rỗi những con người lầm lạc, nông nổi trong phút chốc. Đây là tấm lòng từ bi của một người bao dung, quảng đại và biết nghĩ cho người khác. Nếu cuộc sống này ngập tràn những người như ông Chen Si, buồn đau sẽ vơi đi, hạnh phúc sẽ đong đầy hơn, và cuối cùng, sẽ không có những người muốn chấm dứt sinh mạng của mình nữa.
Phật Gia tuyên giảng: sinh mệnh con người là trân quý, mọi việc đều có nhân duyên, cuộc sống không phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió, hãy trân quý sinh mệnh chính bản thân mình và cái chết cũng không phải cách tốt nhất để giải quyết mọi việc. Ngược lại, tự tử lại là một tội ác lớn nhất, là giết chết sinh mệnh của chính mình… Mỗi người nên giải quyết vấn đề bằng thái độ tích cực, và dũng cảm đối diện với khó khăn. Bởi lẽ trong dòng đời thăng trầm này, mỗi chúng ta đều là một món quà vô giá của thiên thượng. Tất cả những gì đến với ta đều đáng quý và là cơ hội để ta vượt qua chính bản thân mình. Chỉ cần gìn giữ lòng chân thành và tâm hồn rộng mở, chúng ta có thể vượt qua mọi mưa gió trong cuộc đời.
Chúc Di (t/h)