Cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung đang ngày càng căng thẳng, bên cạnh đó, cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ của Mỹ cũng đang trong giai đoạn nước rút. Trong thời gian nhạy cảm này, có truyền thông Mỹ cáo buộc chính quyền Trung Quốc đang nghe lén điện thoại của ông Trump.
Bạn bè của ông Trump trở thành mục tiêu của chính quyền Trung Quốc
Ngày 24/10, tờ New York Times đưa tin, cơ quan tình báo Mỹ cho hay, khi Tổng thống Trump dùng điện thoại iPhone cá nhân của ông để gọi điện cho bạn bè, gián điệp Trung Quốc luôn luôn nghe lén.
Bản tin dẫn lời của quan chức Mỹ giấu tên cho biết, ông Trump có 3 chiếc điện thoại di động, trong đó có 2 chiếc iPhone được Cục An ninh quốc gia Mỹ tăng cường bảo mật và hạn chế một số chức năng, còn một chiếc khác là iPhone cá nhân của ông Trump. Ông Trump không thích sử dụng 2 chiếc iPhone được bảo mật kia, bởi vì nó không lưu lại số điện thoại của bạn bè. Còn chiếc iPhone cá nhân lại tương đối dễ bị hacker xâm nhập.
Bản tin cho biết, so với Nga mà nói, chính quyền Trung Quốc rất có hứng thú với nội dung nói chuyện điện thoại của ông Trump, họ hy vọng có thể tìm được phương pháp giải quyết chiến tranh thương mại từ những nội dung nghe lén này.
Quan chức Mỹ cho rằng, chính quyền Trung Quốc có lẽ muốn thông qua điện thoại để hiểu ông Trump suy nghĩ như thế nào, phương pháp nào có thể làm ông lay động, và cả việc ông Trump có khuynh hướng nghe ý kiến của ai, mục đích là không muốn chiến tranh thương mại tiếp tục leo thang.
Các quan chức cho biết, chính quyền Trung Quốc đã nắm trong tay danh sách số điện thoại của những người được coi là nặng ký thường nói chuyện với ông Trump, hy vọng có thể thông qua những người này để ảnh hưởng đến ông Trump, “điều này giống như sự kết hợp giữa du thuyết và gián điệp”.
Một quan chức cho biết, Bắc Kinh hiện đang để những người bạn này khuyên ông Trump cố gắng ngồi xuống để nói chuyện với ông Tập Cận Bình. Bắc Kinh tin rằng, ông Trump rất coi trọng quan hệ riêng tư, cho rằng đối thoại riêng giữa Trump – Tập có thể có đột phá, có thể đạt được nhiều hơn so với đối thoại giữa quan chức Trung – Mỹ với nhau.
Bản tin cho biết, trong danh sách bạn bè của ông Trunp có Stephen Schwarzman (người sáng lập kiêm CEO của Tập đoàn Blackstone), Steve Wynn (Ông trùm sòng bạc Las Vegas). Công việc kinh doanh của hai người này cũng dựa rất nhiều vào Bắc Kinh, họ là mục tiêu lý tưởng trong mắt chính quyền Trung Quốc. Sách lược của chính quyền Trung Quốc là, cách nghĩ và lý luận của Bắc Kinh sẽ truyền đạt lại cho bạn bè của ông Trump, và thông qua họ để truyền tin đến ông Trump.
Tuy nhiên, bản tin cũng chỉ ra, còn về việc những người này có khuyên ông Trump ngừng chiến tranh thương mại hay không, thì đó lại là một chuyện khác.
Mỹ tuyên bố Trung Quốc gây nhiễu bầu cử
Trước đó, ngày 19/10, 4 cơ quan chấp pháp lớn của Mỹ gồm Văn phòng Giám đốc Tình báo quốc Mỹ, Bộ Tư pháp, Cục Điều tra liên bang và Bộ An ninh nội địa Mỹ đã cùng đưa ra tuyên bố, điểm tên chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc và Nga phá hoại cuộc bầu cử cũng như nền dân chủ của Mỹ.
Tuyên bố nói, “Chúng tôi lo lắng Nga, Trung Quốc và các thế lực nước ngoài khác trong đó có cả Iran, đang cố gắng phá hoại lòng tin vào chế độ dân chủ, ảnh hưởng tình cảm của công chúng và chính sách của chính phủ. Những hoạt động này có thể với ý đồ ảnh hưởng đến cách nhìn nhận và quyết định của cử tri trong cuộc bầu cử năm 2018 và năm 2020 của Mỹ”.
Tổng thống Trump trước đó cũng chỉ ra, chính phủ Mỹ cần dồn chú ý vào chính quyền Trung Quốc. Tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc năm 2018, ông Trump nói công khai rằng, Trung Quốc đang can dự vào cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ của Mỹ, và ông cũng không quên đưa ra cảnh cáo đối với Trung Quốc.
Có phân tích cho rằng, Bắc Kinh vẫn luôn cho rằng chiến tranh thương mại là ý nguyện của cá nhân ông Trump, do đó, Bắc Kinh hy vọng kết quả bầu cử có thể ảnh hưởng đến chính sách thuế quan của ông Trump đối với Trung Quốc.
Tuy nhiên, Cố vấn Kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow chỉ ra, Trung Quốc kỳ vọng vào cuộc bầu của giữa nhiệm kỳ là một phán đoán sai lầm. Hôm 17/10, ông chia sẻ với Fox News rằng, dù cho ai kiểm soát Quốc hội, thì chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc đều sẽ gần như nhau. Ngay cả là Đảng Dân chủ đi nữa thì cũng sẽ không thả lỏng đối với thương mại không công bằng của Trung Quốc.
Ông nói: “Thứ nhất, Tổng thống Trump sẽ không thay đổi quan điểm của ông; Thứ hai, Trung Quốc cần trở thành một trường thương mại quốc tế hợp pháp, nhưng họ không hề, toàn thế giới đều biết điểm này; Thứ ba, Mỹ, Liên minh châu Âu và Nhật Bản đều đã đạt được nhận thức chung, phải cùng nhau ngăn chặn quốc gia “phi kinh tế thị trường”, cũng tức là Trung Quốc”.
Bên cạnh đó, ông cũng chỉ ra, nếu Trung Quốc cho rằng, sau cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ, chính sách thương mại của Mỹ sẽ có thay đổi nào đó, thì đó là một phán đoán sai lầm.
Điều đáng nói là, trước khi cuộc chiến thương mại nổ ra, ông Chuck Schumer – thành viên Đảng Dân chủ và cũng là lãnh tụ thiểu số trong Thượng viện Mỹ đã từng công cho biết, ông ủng hộ Tổng thống Trump “gây áp lực với chính quyền Trung Quốc”. Ông nói: “Chúng ta cần phải cứng rắn với chính quyền Trung Quốc”, “tổng thống đang đi trên con đường đúng đắn”.
Có truyền thông Mỹ cho biết, hiện tại lưỡng đảng và giới doanh nghiệp đều ủng hộ chính sách cứng rắn đối với Trung Quốc của ông Trump, thậm chí hai đảng còn so sánh xem tương lai ai sẽ mạnh tay với chính quyền Trung Quôc hơn. Hiển nhiên, dù kết quả cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ của Mỹ như thế nào đi nữa, chính sách của chính phủ Mỹ đối với Trung Quốc chỉ có thể sẽ cứng rắn hơn.
Theo Trithucvn