(TNO) Đô đốc Tôn Kiến Quốc, phó tổng tham mưu trưởng Quân đội Trung Quốc, ngày 31.5 lên tiếng bác bỏ việc Mỹ yêu cầu Bắc Kinh chấm dứt hoạt động xây đảo nhân tạo trái phép tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam trên Biển Đông, và còn cho rằng hoạt động này có lợi cho thế giới!
Tại Đối thoại Shangri-La (Singapore) sáng 31.5, Đô đốc Tôn Kiến Quốc, phó tổng tham mưu trưởng Quân đội Trung Quốc, ngang nghiên nói “tình hình trên Biển Đông nói chung là hòa bình và ổn định, và không có vấn đề gì ảnh hưởng đến tự do hàng hải”, theo AFP.
“Trung Quốc tiến hành hoạt động xây dựng trên một số đảo và bãi đá ngầm trên Biển Đông vì mục tiêu chính là tăng cường chức năng của chúng và điều kiện sống và làm việc của đội ngũ đồn trú tại đó”, ông Tôn biện bạch.
Ông ta còn nói thêm rằng ngoài việc đáp ứng yêu cầu quốc phòng cần thiết, những đảo nhân tạo còn giúp Trung Quốc tăng cường thực hiện những trách nhiệm và cam kết quốc tế liên quan đến tìm kiếm cứu hộ trên biển, phòng chống thảm họa, nghiên cứu hàng hải, theo dõi khí tượng, bảo vệ môi trường, đảm bảo an toàn tàu bè qua lại, hoạt động đánh bắt thủy sản.
Việc Trung Quốc tăng cường hoạt động xây dựng đảo nhân tạo phi pháp khiến các quốc gia láng giềng lo ngại Bắc Kinh sẽ tiếp tục thiết lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Đông. Trước đó, Trung Quốc đã đơn phương tuyên bố ADIZ trên biển Hoa Đông, chồng lấn ADIZ của Hàn Quốc và Nhật Bản. Seoul, Tokyo và Mỹ đã lên án gay gắt hành động này của Bắc Kinh.
Ông Tôn cho hay Trung Quốc có quyết định thiết lập ADIZ trên Biển Đông hay không là tùy thuộc vào việc có mối đe dọa nào đối với an ninh hàng không và hàng hải của nước này trong khu vực hay không.
Theo AFP, ông Tôn đưa ra tuyên bố trên sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter, tại Đối thoại Shangri-La ngày 30.5, yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay lập tức hoạt động xây dựng phi pháp trên Biển Đông.
Bộ trưởng Carter cho biết Washington “cực kỳ lo ngại” về quy mô xây dựng đảo nhân tạo của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam và hoạt động quân sự hóa những đảo này, cho rằng những hoạt động của Trung Quốc sẽ làm tăng nguy cơ xảy ra xung đột, theo tờ The Straits Times (Singapore).
Ông Carter kêu gọi các bên có giải pháp hòa bình trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông, đồng thời tuyên bố Mỹ sẽ tiếp tục duy trì sự hiện diện trong khu vực, máy bay và tàu chiến Mỹ sẽ hoạt động ở bất kỳ nơi nào luật quốc tế cho phép để đảm bảo quyền tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông.
“Mỹ và các đồng minh của Mỹ sẽ không sẽ không bị ngăn cản thực hiện quyền của họ…”, ông Carter nói. “Biến những bãi đá ngầm thành sân bay không thể tạo ra tuyên bố chủ quyền”, ông Carter chỉ trích Trung Quốc.
Ông Carter cũng đã có cuộc hội đàm ba bên với Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản và Úc bên lề Đối thoại Shangri-La ngày 30.5. Sau cuộc hội đàm này, ba vị Bộ trưởng Quốc phòng đã đưa ra một tuyên bố chung, bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ trước hành động đơn phương của Trung Quốc dùng vũ lực để thay đổi nguyên trạng ở Biển Đông và Biển Hoa Đông.
“Ba Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, Úc, Nhật Bản đề nghị các bên tự kiềm chế, dừng những hoạt động xây dựng, có những biện pháp làm giảm căng thẳng và tránh những hành động gây hấn có thể làm leo thang căng thẳng, kêu gọi chính phủ các bên làm rõ và củng cố những tuyên bố chủ quyền phải tuân thủ luật pháp quốc tế”, theo tuyên bố của ba bộ trưởng.
Tái khẳng định chiến lược tái cân bằng của Mỹ ở châu Á, ông Carter cho biết Mỹ sẽ hỗ trợ các nước trong khu vực để “có an ninh, cơ hội trỗi dậy và thịnh vượng”. Mỹ sẽ sẵn sàng đảm bảo an ninh tại châu Á-Thái Bình Dương trong vài thập niên tới, ông Carter nói.
Một biện pháp then chốt trong chiến lược tái cân bằng của Mỹ là kế hoạch viện trợ 425 triệu USD cho các quốc gia Đông Nam Á để giúp các nước này tăng cường năng lực hải quân thông những cuộc tập trận chung và cung cấp khí tài quân sự, theo The Straits Times.
Trong buổi sáng 31.5, ông Carter sẽ rời Singapore để đến thăm Việt Nam. Dự kiến ông Carter sẽ ký một số thỏa thuận với Việt Nam và Ấn Độ nhằm tăng cường hợp tác quân sự.
Theo tờ The Straits Times, có 26 Bộ trưởng Quốc phòng và khoảng 300 đại biểu các nước đến tham dự Đối thoại Shangri-La năm 2015 (29 – 31.5), thảo luận các vấn đề an ninh khu vực.
Phúc Duy |
Theo Thanh Niên