Chính quyền các cấp của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang thiếu hụt tài chính, và lại bắt đầu mô hình “ăn cướp” để lấp đầy những khoản chi khổng lồ. Gần đây, huyện Bình Dao, tỉnh Sơn Tây lại mượn cớ “cải tạo xã hội chủ nghĩa” để thu hồi sản nghiệp tổ tiên của hơn 200 hộ gia đình.
Cô Vương Trúc Yên (biệt hiệu) ở thành phố Bình Dao gần đây có nói với phóng viên Epoch Times rằng, vào ngày 29/8, nhà trọ do tổ tiên của cô quản lý đã bị chính quyền địa phương cưỡng chế đóng cửa. Cùng cảnh ngộ như gia đình cô còn có hơn 210 hộ dân khác, đều là tài sản của tổ tiên bị “quốc hữu hóa” chỉ trong một đêm, sản nghiệp tổ tiên của hơn 30 hộ đã bị khóa. Chính phủ đã tuyên bố rằng, nếu không hợp tác thì sẽ “tiến hành cưỡng chế”.
Vương Trúc Yên cho biết, vào ngày 3/7, gia đình cô nhận được “Quyết định liên quan đến việc hủy bỏ thông tri đảm bảo thực hiện quyền sở hữu tư nhân” do chính quyền huyện Bình Dao ký phát.
“Quyết định” này mở đầu bằng cách trích dẫn một văn kiện của chính phủ vào năm 1958, nhắc lại “tính đúng đắn của việc cải tạo xã hội chủ nghĩa”. Sau đó lại trích dẫn một văn kiện vào năm nay rằng: “Tất cả năm thành phố Thái Nguyên, Đại Đồng, Dương Tuyền, Trường Trị, Du Thứ, phàm là những căn nhà cho thuê hơn 100 mét vuông, và những căn nhà cho thuê hơn 60 mét vuông ở các thành phố và thị trấn khác, đều có thể là đối tượng để tiến hành cải tạo (xã hội chủ nghĩa)”.
“Quyết định” nói, căn cứ theo “các quy định liên quan”, tiến hành thu hồi “thông tri đảm bảo thực hiện quyền sở hữu tư nhân” cấp cho cô Vương Trúc Yên vào năm 2009, nội trong 15 ngày phải dọn nhà và giao nộp tất cả các giấy chứng nhận quyền sở hữu căn nhà.
Vương Trúc Yên cho biết, chỉ vài ngày sau khi “Quyết định” nói trên được ban hành, ngày 9/7, chính quyền địa phương đã đến khóa cửa, hành hung một cụ già hơn 80 tuổi và bỏ tù chồng cô. Ngày 29/8, cảnh sát trật tự đô thị đuổi khách ra khỏi nhà trọ và cưỡng chế đóng cửa nhà trọ.
Có thông tin cho biết, sản nghiệp tổ tiên của hơn 200 hộ gia đình bị cưỡng chế “quốc hữu hóa”, đều là “bất động sản cho thuê” mới thu hồi về từ trong tay chính quyền được vài năm. Cái gọi là “bất động sản cho thuê”, là đề cập đến nhà ở tư nhân mà chính phủ cưỡng chế “quản lý hộ” trong cái thời kỳ gọi là “cải tạo xã hội chủ nghĩa” vào năm 1958.
Vào thời điểm đó, ĐCSTQ tuyên bố rằng chính quyền “cho bộ phận quần chúng có hoàn cảnh khó khăn thuê”. Sau năm 1966, tất cả các bất động sản cho thuê đều bị chính quyền tiếp quản.
Theo truyền thông ở Đại lục, vào năm 1986, chính quyền tỉnh Sơn Tây đã chuyển cho Sở Xây dựng tỉnh Sơn Tây “Ý kiến về việc xử lý một số vấn đề còn tồn tại trong việc cải tạo nhà ở tư nhân”, quyết định trả lại một phần bất động sản cho thuê. Nhưng người dân ở huyện Bình Dao thậm chí còn không biết điều đó.
Mãi đến năm 1998 mới có người nhìn thấy văn kiện này và cùng với mọi người đi đòi bất động sản cho thuê. Sau nỗ lực kéo dài đến 10 năm, chính quyền mới lục tục thực hiện quyền sở hữu tư nhân và trả lại sản nghiệp tổ tiên của hơn 200 hộ gia đình.
Hơn nữa, hầu hết các chủ nhà đều bị buộc phải trả một khoản tiền thế chấp rất lớn khi lấy lại căn bất động sản cho thuê của chính họ, còn có người phải bù tiền cho người thuê, sau đó lại bỏ tiền ra để dọn nhà và sửa chữa. Có chủ nhà vì thế mà đã tốn hàng trăm nghìn nhân dân tệ.
Có chủ nhà cho biết, cái nhà mà ban đầu chính quyền giao cho họ là một cái nhà dột nát, nay đã sửa chữa và đi vào hoạt động, cộng thêm việc giá nhà đất tăng cao, một số mảnh sân hiện có giá hàng chục triệu nhân dân tệ. Giờ chính quyền ra thông báo, căn nhà lại bị thu hồi “quốc hữu hóa”, các chủ hộ đều căm phẫn bất bình.
Vương Trúc Yên nói với phóng viên Epoch Times rằng, có một lãnh đạo địa phương đã từng “khuyên bảo” những gia chủ như thế này: “Bình Dao du lịch phát triển như vậy, chính phủ Bình Dao không có tiền, đều nằm trong tay tư nhân của mấy người, mấy người thấy thích hợp không?”.
Cô cũng tiết lộ rằng, sau đó họ đã tìm đến chính phủ, nhưng chẳng có ai quan tâm. Một phó huyện trưởng uy hiếp họ: “Mấy người đừng làm loạn, nhà cửa khẳng định sẽ thu, mấy người thích kiện ở đâu thì kiện!”
Trong những năm gần đây, nền kinh tế của Trung Quốc đang trượt dốc, rất nhiều chính quyền địa phương đã không thể duy trì các khoản chi tiêu khổng lồ, và bắt đầu công khai cướp đoạt tài sản tư nhân. Việc tịch thu các khoáng sản và doanh nghiệp tư nhân dưới danh nghĩa “chấp pháp” đã trở thành chuyện thường ngày. “Thích kiện ở đâu thì kiện” đã trở thành một cụm từ phổ biến được các quan chức khắp nơi sử dụng để đe dọa nạn nhân, cho thấy cách làm này khả năng cao là đã được nội bộ của ĐCSTQ ngầm đồng ý.
Tân Đường Nhân (NTDTV) gần đây nhận được tin tức nói rằng, chính quyền thành phố Thanh Đảo đã đưa ra một văn bản, buộc các doanh nghiệp nhà nước đã được “tư nhân hóa” trong nhiều năm phải “quốc hữu hóa”, và đe dọa các chủ doanh nghiệp không được lên tiếng. Hồi đó, những ông chủ doanh nghiệp này đã mua lại những doanh nghiệp nhà nước làm ăn thua lỗ trong nhiều năm, nay họ đang làm ăn phát đạt, có những doanh nghiệp trị giá đến hàng trăm triệu nhân dân tệ.
Ngoài ra, vào tháng 6 năm nay, tỉnh Giang Tô đã buộc một nhà máy sản xuất ô tô liên doanh Trung-Mỹ phải “quốc hữu hóa” và cưỡng chế lấy đi quyền sở hữu trí tuệ của công ty này. vào tháng 8, Steve Saleen, một cổ đông của công ty này tại Mỹ đã tiết lộ điều này với giới truyền thông Hoa Kỳ.
Minh Huy (Theo NTDTV)