Mới đây một cư dân mạng chia sẻ sau khi đi bơi về, bàn chân anh xuất hiện dấu vết kỳ lạ. Mặc dù chân không đau nhưng những vết tích trên bàn chân giống như bị gặm nhấm.
Cả bàn chân giống như bị bỏng rộp do vi khuẩn sinh sôi tạo thành. Trong quá trình ‘gặm nhấm’, vi khuẩn sẽ tiết ra chất nhờn làm mềm chất sừng trên da chân và cuối cùng khiến bàn chân xuất hiện những vết rộp loang lổ.
Có người nói, rất có thể đây là biểu hiện của vi khuẩn ăn thịt, mụn cóc plantar. Nhiều bạn khuyên anh nên đi khám bác sĩ ngay khi gặp tình huống như vậy.
Vào mùa hè oi bức, hầu hết mọi người đều muốn đi bơi, tuy nhiên, họ lại không biết tại các bể bơi công cộng có rất nhiều nguy cơ lây nhiễm. Lý do là nước không sạch do lượng người tắm quá lớn và trong số những người xuống tắm có những người đang bị mắc các bệnh ngoài da hoặc nhiễm khuẩn.
Hơn nữa, với một lượng nước rất lớn, lưu thông chậm, lại luôn có ánh nắng chiếu vào làm nước ấm lên nên đã trở thành môi trường lý tưởng để vi khuẩn, nấm, ký sinh trùng sinh sôi nảy nở và gây bệnh.
Các bệnh ngoài da có thể gặp sau khi đi bơi ở bể công cộng là viêm da do nhiễm khuẩn, do nấm; các tổn thương da do hóa chất khử khuẩn, các loại hóa chất khác được sử dụng tại bể bơi; các thương tổn da do ánh nắng mặt trời.
Viêm da do nhiễm khuẩn có nguyên nhân do vi khuẩn sinh sống trong nước tại các bể bơi (vi khuẩn gram âm, trực khuẩn mủ xanh…) với biểu hiện là những tổn thương trên da như các nốt viêm, sưng nề, hóa mủ. Vi khuẩn trong nước cũng có thể dễ dàng xâm nhập cơ thể qua các vết thương nhỏ có sẵn trên da và gây viêm da ở người đi bơi. Bệnh lý do nấm rất thường gặp ở người đi bơi như hắc lào, nấm móng, nấm kẽ chân, nấm tóc…
Bơi lội là một nhu cầu không thể thiếu của rất nhiều người nhưng phải có biện pháp dự phòng sao cho vừa thỏa mãn sở thích mà vẫn an toàn. Do đó, để đảm bảo an toàn tối đa cho người đi bơi thì cả người đi bơi và phía quản lý bể bơi cũng phải nghiêm túc thực hiện các quy định tại bể bơi công cộng.
Theo daikynguyenvn