Tinh Hoa

Trung Quốc mở rộng Luật quốc ca với Hong Kong

Quốc hội Trung Quốc đã chính thức mở rộng Luật Quốc ca cấm đoán thiếu tôn trọng đối với Hong Kong. Theo các nhà phê bình, đây là động thái ngầm phá hoại quyền tự trị và tự do của Hong Kong.

Cảng Vitoria cùng các tòa nhà chọc trời ở bán đảo Cửu Long (phía sau) và đảo Hong Kong (phía trước), ngày 3/7/2017 (Ảnh: Getty Images)

Vài năm trước, những người hâm mộ bóng đá ở Hong Kong đã la ó phản đối bài quốc ca của Trung Quốc trong các trận đấu để bày tỏ sự bất mãn với tầm với ngày càng rộng của Chính quyền đảng Cộng sản Trung Quốc về các vấn đề của Hong Kong.

Trung Quốc đã thông qua một luật mới vào tháng 9/2017 cho phép cảnh sát bắt giam 15 ngày đối với những người chế giễu bài quốc ca “Nghĩa dũng quân tiến hành khúc” (March of the Volunteers). Luật cũng được áp dụng cho cả khu tự trị Hong Kong và Ma Cao nhưng luật này đã không trực tiếp đưa ra cơ sở pháp lý để áp dụng vì đây là những đặc khu được trao trả về cho Trung Quốc.

Tân Hoa Xã cho biết, Luật Quốc ca, có hiệu lực từ ngày 1/10, giờ đã được thêm vào Luật Cơ bản Hong Kong. Nó cũng được thêm vào Luật Cơ bản Ma Cao.

Theo ông Shaoren, phát ngôn viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Mỹ, trong một cuộc họp báo hôm thứ Bảy (4/10), việc ban hành luật địa phương để tuân thủ kịp thời các sửa đổi là tùy thuộc vào chính phủ Hong Kong. Tuy nhiên, một quan chức Hong Kong khác phát biểu ngày 1/10 rằng, đặc khu hành chính này sẽ ban hành một điều luật “càng sớm càng tốt”.

Hong Kong là một thuộc địa cũ của Anh được trao trả về Trung Quốc vào năm 1997 dưới cái gọi là chính sách “một quốc gia, hai chế độ”, hứa hẹn cho thành phố này một mức độ tự trị cao, bao gồm một hệ thống tư pháp độc lập.

Cơ quan lập pháp quốc gia của Trung Quốc vào ngày 4/10 cũng đã thông qua luật sửa đổi của bộ luật hình sự, mở rộng các hình phạt đối với việc công khai mạo phạm cờ cùng các biểu tượng của Trung Quốc và coi thường quốc ca. Tân Hoa Xã cho biết các hình phạt gồm các điều khoản giam giữ lên tới 3 năm. Luật này dường như không áp dụng đối với Hong Kong hay Ma Cao.

Bạch Vân, theo Epoch Times