Tinh Hoa

Trung Quốc không dám đưa hồ sơ Biển Đông ra Tòa án Quốc tế, vì sao?

BizLIVE – Cựu Bộ trưởng Malaysia, Hiệu phó danh dự trường Đại học Mở Wawasan Malaysia, Tiến sĩ Koh Tsu Koon, vừa đặt một câu hỏi rất thú vị: Vì sao Trung Quốc lại không muốn đưa hồ sơ tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông ra trước Tòa án Công lý Quốc tế, nếu Bắc Kinh thực sự có bằng chứng khẳng định chủ quyền của mình, RFI đưa tin.

Ảnh minh họa nguồn ITN

Hôm 28/06/2015, trường Đại học Mở Wawasan Malaysia đã tổ chức một cuộc hội thảo với chủ đề “Xung đột ở Biển Đông và Hợp tác An ninh”.
Phát biểu tại hội thảo, Tiến sĩ Koh Tsu Koon, Hiệu phó danh dự của trường đại học này, được hãng thông tấn Bernama trích dẫn, nhấn mạnh: “Về triển vọng của ASEAN, với tư cách là các nước nhỏ, chúng ta lo ngại về các cuộc xung đột ở Biển Đông và các yếu tố địa chính trị trong vùng, cũng như các vấn đề này sẽ tác động đến chúng ta ra sao”.
Theo quan chức này, nếu các cuộc xung đột không thể giải quyết được qua đàm phán thì cần đưa ra trước Tòa án Công lý Quốc tế.
Ông Koh đặt câu hỏi: “Nếu Trung Quốc tin tưởng vào những cơ sở lịch sử và pháp lý về những đòi hỏi của mình tại các vùng biển có tranh chấp, tại sao họ lại lưỡng lự đưa vấn đề ra trước Tòa án Công lý Quốc tế?”.
Ngày 27/06, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói rằng Trung Quốc là một quốc gia hàng hải từ một nghìn năm nay, do vậy, chắc chắn là Trung Quốc là nước đầu tiên phát hiện, khai thác sử dụng và quản lý quần đảo Trường Sa, với tên gọi là Nam Sa.
Theo tiến sĩ Koh, tất cả các nước ASEAN đều chấp nhận Tòa án Công lý Quốc tế như là một định chế chung để giải quyết các vấn đề.
Ông Barry Desker, thuộc Đại học Công nghệ Nanyang Singapore, cho biết, mặc dù Singapore, Indonesia và Campuchia không liên quan đến các tranh chấp ở Biển Đông, nhưng các nước này cũng có cùng quan điểm như vậy.
Theo chuyên gia này, cho đến nay, Tòa án Công lý Quốc tế đã giải quyết các vấn đề về chủ quyền đối với Pedra Branca, Middle Rocks và South Ledge liên quan đến tranh chấp giữa Malaysia và Singapore cũng như các tranh chấp giữa Malaysia và Indonesia đối với Pulau Ligitan và Pulau Sipadan.
Tại hội thảo, Phó Chủ tịch Viện Nghiên cứu Quốc tế Trung Quốc Nguyễn Tông Trạch (Ruan Zonge) nói rằng các nước ASEAN đã thúc giục Trung Quốc đẩy nhanh tiến độ đàm phán về Bộ Luật ứng xử ở Biển Đông – COC. Thế nhưng, Philippines lại đưa hồ sơ tranh chấp với Trung Quốc ra trước Tòa án Trọng tài Liên Hiệp Quốc trong lúc các cuộc đàm phán về COC đang được tiến hành.
Về điểm này, theo tiến sĩ Koh, cho dù ASEAN là một hiệp hội nhưng khối 10 nước này không có lập trường mạnh mẽ ủng hộ Philipines. Mặt khác, đa số các đại diện những nước ASEAN tham dự hội thảo đều cho rằng việc Trung Quốc mở rộng các đòi hỏi chủ quyền tại Biển Đông có thể gây ra xung đột trong khu vực.
ASEAN và Trung Quốc đã ký Tuyên bố về ứng xử của các bên tại Biển Đông – DOC- năm 2002, nhằm tạo cơ sở pháp lý cho các cuộc đàm phán về COC, mang tính ràng buộc pháp lý.

THANH PHƯƠNG

Tin liên quan Economist: Bùng nổ xây dựng chưa từng thấy tại Biển Đông Mỹ triển khai máy bay trinh sát tối tân tới biển Đông Sputnik tố “ảo thuật gia Trung Quốc” xây đảo nhân tạo ở Biển Đông Manila phản đối Trung Quốc đâm tàu cá Philippines ở Biển Đông Mỹ hoan nghênh Nhật mở rộng tuần tra sang Biển Đông để kiềm chế Trung Quốc
Cùng dòng sự kiện

Theo BizLive