(GDVN) – Trung Quốc muốn Mỹ không có khả năng can thiệp vào các cuộc chiến trên biển ở xung quanh Trung Quốc, nhưng Mỹ chưa thua và đang thách thức.
Tờ “Tin tức Tham khảo” Trung Quốc ngày 6 tháng 6 dẫn trang mạng “Nhật báo Phố Wall” Mỹ ngày 1 tháng 6 đưa tin, trong thời điểm chuyển giao giữa thế kỷ 19 và thế kỷ 20, một nước lớn lục địa trong lịch sử – Đức quyết định thách thức Anh, triển khai một cuộc chạy đua vũ trang trên biển với Anh. Kết cục sau đó hoàn toàn không tốt đẹp. Hiện nay, một nước lớn lục địa truyền thống khác – Trung Quốc khát vọng gây thách thức trên biển. Lần này là nhằm vào Mỹ. Vấn đề là Washington phải chăng có thể ngăn chặn họ hay không trước khi dã tâm của Trung Quốc có được thế chiến lược nguy hiểm? Sau khi tìm hiểu chiến lược quân sự mới của Trung Quốc, tác giả đã viết bài này. Chiến lược quân sự mới của Trung Quốc tuyên bố: phải thoát khỏi tư duy truyền thống coi trọng đất liền-coi nhẹ biển, tập trung coi trọng sử dụng biển, bảo vệ “quyền lợi biển”. Theo bài báo, đối với mục tiêu này, Trung Quốc cam kết nỗ lực tranh thủ chủ động chiến lược trong “đấu tranh quân sự”, tích cực vận dụng “đấu tranh quân sự” trên các phương hướng, các lĩnh vực… tập trung lực lượng có ưu thế, vận dụng tổng hợp các biện pháp, phương pháp tác chiến.
Bài báo cho rằng, các loại hành động (bất hợp pháp) của Trung Quốc ở Biển Đông đều không thoát khỏi con mắt của các nước láng giềng Trung Quốc hoặc Washington. Đây là sự thực cần nhận thức được trước khi chính quyền Obama đưa ra chiến lược “chuyển hướng châu Á” trong nhiệm kỳ đầu tiên. Chiến lược “chuyển hướng châu Á” yêu cầu Hải quân Mỹ triển khai trên 50% tàu chiến ở Thái Bình Dương, đồng thời tăng cường quan hệ đối tác hợp tác quân sự với các nước như Australia và Singapore. Nhưng cho đến nay, chiến lược “chuyển hướng châu Á” luôn là một khẩu hiệu “giả dối”. Căn cứ vào văn kiện của Hải quân Mỹ, Hải quân Mỹ năm 2015 sẽ cơ bản triển khai 58 tàu chiến tới Tây Thái Bình Dương. Đến năm 2020, con số này sẽ tăng đến 64 chiếc. Tổng số tàu chiến của Mỹ (289 chiếc) bằng một nửa khi kết thúc Chiến tranh Lạnh, thấp xa so với 306 chiếc đáp ứng nhu cầu sứ mệnh chiến lược hiện nay của Hải quân Mỹ.
Còn về Trung Quốc, chiến lược mới của nước này yêu cầu từng bước thực hiện chuyển đổi từ “kiểu phòng ngự biển gần” sang “kết hợp phòng ngự biển gần và phòng vệ biển xa”, cũng chính là một sự chuyển đổi hải quân tầm xa. Báo cáo của Cơ quan tình báo hải quân Lầu Năm Góc cho rằng, từ năm 2013 đến năm 2014, số lượng tàu chiến mới hạ thủy của Trung Quốc “vượt bất cứ nước nào khác”. Ngân sách quân sự của Trung Quốc năm nay sẽ tăng khoảng 10%, đạt 144 tỷ USD, trong đó rất nhiều vốn sẽ dùng cho hiện đại hóa toàn diện hải quân. Cơ quan tình báo hải quân Lầu Năm Góc dự tính, đến năm 2020, Trung Quốc sẽ triển khai tới 78 tàu ngầm và hơn 170 tàu chiến mặt nước chủ yếu, trong đó phần lớn là thiết kế hiện đại. Giả thiết những tàu chiến này phần lớn sẽ triển khai ở Tây Thái Bình Dương thì có nghĩa là Mỹ có 64 tàu chiến mặt nước và tàu ngầm ở khu vực này, còn Trung Quốc có 248 tàu chiến. Theo bài báo, trước mắt, Hải quân Mỹ đang duy trì ưu thế công nghệ mang tính quyết định. Sĩ quan Hải quân Mỹ cũng cho biết, trong diễn tập quân sự liên hợp, kỹ năng hàng hải của Hải quân Trung Quốc không để lại ấn tượng gì cho họ – Đây là một lý do tốt để diễn tập loại này đáng được tổ chức, cho dù Quốc hội nghi ngờ đối với vấn đề này.
Bài báo cho rằng, tuy nhiên, Bắc Kinh cũng ra sức đầu tư cho năng lực quân sự phi đối xứng, chẳng hạn tên lửa đạn đạo có thể tấn công tàu sân bay Mỹ, Trung Quốc có thể dùng chi phí thấp để triển khai lượng lớn loại tên lửa này. Bắc Kinh không cần thế nào cũng phải thắng một cuộc chiến như hải chiến Jutland mới có thể làm cho cán cân sức mạnh hải quân Đông Á có lợi cho mình. Chính như một báo cáo gần đây của cơ quan nghiên cứu Quốc hội Mỹ đã nói, Trung Quốc hy vọng “xây dựng một lực lượng có thể ngăn chặn Mỹ can thiệp khi nổ ra xung đột về vấn đề Đài Loan hoặc vấn đề khác ở khu vực biển gần nước này, hoặc sau khi mục tiêu này thất bại, có thể làm chậm việc tiến đánh của Quân đội Mỹ hoặc làm giảm hiệu quả can thiệp của Quân đội Mỹ”. Bài báo cho rằng, Mỹ vẫn chưa thua cuộc cạnh tranh trên biển với Trung Quốc, nhưng Mỹ đã làm cho lực lượng trên biển của họ suy yếu đến mức làm cho Bắc Kinh cho rằng mình thực sự có thể ganh đua. Trong một chương dùng từ mạnh mẽ hơn của chiến lược quân sự Trung Quốc, Bắc Kinh chỉ trích “một số quốc gia ngoài khu vực cũng tích cực nhúng tay vào vấn đề Biển Đông”, ám chỉ Mỹ và các đối tác khu vực là “kẻ xâm lược”.
Bài báo cho rằng, chính quyền Obama gần đây bày tỏ bản năng chính xác, điều một máy bay trinh sát hải quân bay qua đá ngầm trên Biển Đông. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton B. Carter điều tàu khu trục đến Biển Đông chạy trong phạm vi 12 hải lý xung quanh một số đảo. Nhưng, biện pháp duy nhất để cho Trung Quốc xem xét lại chiến lược lâu dài của họ là: Mỹ phải làm cho Bắc Kinh tin rằng, Trung Quốc không thể chiến thắng trong cuộc chạy đua hải quân, tiến hành chạy đua hải quân là một hành động không có giá trị gì. |
Theo Báo Giáo dục Việt Nam