Gần đây, có thông tin cho rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) dự định dùng vùng Đông Bắc làm nơi thí điểm, gỡ bỏ hoàn toàn một chính sách “giết người” đã được thực hiện ở Trung Quốc hơn 40 năm. Đó chính là chính sách “kế hoạch hóa gia đình”.
Ngay khi tin tức được tiết lộ, người dân trong nước đã chế nhạo: “Có phải vì ‘rau hẹ’ (ý chỉ con tốt thế thân – ở đây là người dân Trung Quốc) không đủ để áp bức nữa? Tha cho người dân vùng Đông Bắc đi…!”
Trên thực tế, cái gọi là “kế hoạch hóa gia đình” phản nhân văn trong hơn 40 năm đã phát triển thành “kế hoạch hóa gia đình bạo lực”. Hậu quả thảm khốc của chính sách “giết người” này đối với Trung Quốc đã rất rõ ràng và được mọi người biết đến từ lâu.
Những hậu quả đó bao gồm: sự già hóa dân số, con cái ngỗ nghịch không thể dạy dỗ do là con một trong gia đình, tỷ lệ nam nữ mất cân bằng nghiêm trọng, cùng với sự suy thoái đạo đức xã hội do những người nắm quyền có thể giết người hàng loạt theo ý muốn bằng cách xây dựng chính sách. Tất cả những điều đó đủ để chứng minh rằng không nên thực hiện chính sách vô nhân tính như vậy ngay từ đầu.
Đặc biệt, việc thực hiện chính sách giết người bằng bạo lực của ĐCSTQ đã gần như hoàn toàn lật đổ quan niệm đạo đức truyền thống “nhân mệnh quan thiên” (mệnh người liên quan tới Trời). Điều này khiến con người không còn tôn trọng sinh mạng, thậm chí xem thường sự thiêng liêng của mạng sống. Những hậu quả thảm khốc xuất hiện ngày càng nhiều và nhanh chóng, khiến cho một lượng lớn người trong xã hội trở nên man rợ và ích kỷ. Có thể thấy, người dân Trung Quốc đang phải gánh chịu những hậu quả do ĐCSTQ gây ra.
ĐCSTQ rõ ràng đã phạm tội ác trong thời gian cầm quyền của mình. Ở bất kỳ quốc gia dân chủ nào, Đảng cầm quyền nếu phạm lỗi thì phải từ chức và xin lỗi vì điều mà họ đã gây ra cho dân chúng. Tuy nhiên, ĐCSTQ không những không sửa chữa ngay những sai lầm của mình, mà còn giả vờ học theo các quốc gia dân chủ, bày vẽ ra dự án thử nghiệm để lấp liếm.
Trên thực tế, cho dù ĐCSTQ có giả vờ thế nào, chúng ta cũng biết rằng họ đang cố gắng tìm một cái cớ, nhằm kéo dài thời gian cho vấn đề bố trí nhân sự trong hệ thống kế hoạch hóa gia đình đã được thiết lập trên khắp đất nước hơn 40 năm qua.
Dưới chế độ chuyên quyền cộng sản, cơ chế tham nhũng “chỉ có thể thăng chức chứ không thể bị giáng chức”, dẫn đến hệ thống Đảng và chính quyền “phình to” bất thường. Tất cả các ban ngành đều “quá tải người, dẫn đến lắm thầy nhiều ma”.
Một số lượng lớn cán bộ bị đào thải khi hủy bỏ hệ thống kế hoạch hóa gia đình sẽ không có nơi nào để đi. Nếu không được xử lý tốt, sẽ nảy sinh các vấn đề xã hội, gây ảnh hưởng đến sự cai trị chuyên quyền của ĐCSTQ, tức là “ảnh hưởng đến sự ổn định” mà ĐCSTQ hay nhắc đến.
Đây cũng chính là điều mà ĐCSTQ thực sự lo lắng và quan tâm. Vì vậy, chắc chắn dự tính của họ sẽ là tìm mọi cách để vừa không ảnh hưởng đến việc nắm giữ quyền lực, vừa giải quyết ở một mức độ nào đó những vấn đề do việc nắm quyền trước đây gây ra.
Viết đến đây, tôi nhớ đến một cảnh năm 2005, khi Trần Duy Đức – chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch hóa Gia đình huyện Nghi Nam, Sơn Đông, thật ấu trĩ khi đem trung tâm sức khỏe so với cơ quan chính phủ. Vốn dĩ bản thân là kẻ “mù luật”, ông ta lại ra vẻ hiểu biết giải thích luật cho người khác, tự cho mình là bề trên. Sau đó, ông ta đã bị bỏ tù vì tội tham ô và ăn hối lộ số tiền khổng lồ của quỹ kế hoạch hóa gia đình.
Điều này cho thấy cơ chế đào thải trong hệ thống nhà nước của ĐCSTQ chỉ có thể thông qua kết án bỏ tù. Đây là cách làm khá dễ dàng vì không cần xét đến vấn đề sắp xếp vị trí cho những người bị đào thải nữa. Các cách khác đều yêu cầu phải chuyển đổi công tác.
Nhìn lại lịch sử hơn 70 năm sau khi thành lập ĐCSTQ, dù chính quyền nào có gây ra hậu quả nghiêm trọng gì, hoặc hệ thống thối nát ra sao thì cuối cùng đối tượng gánh chịu cũng chỉ là người dân. Một chính sách giết người như “kế hoạch hóa gia đình”, dù được bao biện hùng hồn bằng những lời hoa mỹ đến đâu, cũng không thể biến hành động giết bỏ những bào thai vô tội là một việc đúng đắn. Và nhân dân Trung Quốc chỉ có thể liên tục phải trả giá trong quá trình chờ họ “diễn” trọn cảnh.
Không ai biết sẽ mất bao lâu để chính sách “giết người” kế hoạch hóa gia đình của ĐCSTQ hoàn toàn chấm dứt. Nhưng vấn đề chúng ta cần phải đặt ra là: lẽ nào chúng ta chỉ như bức tượng, trơ mắt đứng nhìn tên hoàng đế trần truồng nhưng tự cho rằng mình đang mặc quần áo mới, và không ngừng biểu diễn những phân cảnh xấu xí? Và bất lực chịu đựng sự lừa dối bịp bợm của ĐCSTQ trong một thời gian dài? Nếu đúng như vậy thì đó đúng là nỗi buồn của nhân dân Trung Quốc cũng như nỗi buồn của thời đại.
Tác giả: Trần Quang Thành
Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của BBT Tinh Hoa
Khánh Nghi