Trước tin 1 nhà máy hạt nhân liên doanh Trung Quốc-Pháp có thể được xây dựng tại thành phố Liên Vân Cảnh, tỉnh Giang Tô, miền Đông Trung Quốc, người dân nơi đây đã đổ ra đường để biểu tình.
Thời báo Hoa nam Buổi sáng đưa tin, cuộc biểu tình phản đối dự án nhà máy tái chế và chế biến nhiên liệu đã qua sử dụng tại thành phố Liên Vân Cảnh đã bắt đầu hôm thứ Bảy và tiếp diễn sang Chủ Nhật.
Cuộc biểu tình đã làm gia tăng căng thẳng về lo ngại của công chúng đối với sự an toàn hạt nhân và sức ép ngày càng gia tăng lên Trung Quốc nhằm giảm sự phụ thuộc đối với các nhiên liệu hóa thạch.
Tình hình đã trở nên căng thẳng vào tối Chủ Nhật (7/8), đêm thứ 2 diễn ra biểu tình, với những hình ảnh được đăng tải trên mạng xã hội Weibo cho thấy cảnh sát mặc trang phục chống bạo động và các tin nhắn khẳng định cảnh sát đã xô xát với người biểu tình. Tuy nhiên, thông tin này chưa được kiểm chứng độc lập.
Chính quyền thành phố Liên Vân Cảnh đã đưa ra một tuyên bố vào tối 7/8, nói rằng địa điểm của dự án vẫn đang được thảo luận. Chính quyền cam kết đảm bảo minh bạch và sẽ hỏi ý kiến người dân, nhưng đồng thời cũng cảnh báo về việc sẽ xử lý nghiêm khắc những người phát tán tin đồn.
Các video và hình ảnh lan truyền trên các mạng xã hội cho thấy người dân bắt đầu tụ tập tại quảng trường trung tâm vào tối thứ Bảy, khi một số người hô lớn “tẩy chay chất thải hạt nhân”.
“Chính quyền nhấn mạnh tới việc đầu tư lớn vào dự án và lợi ích kinh tế, nhưng chưa bao giờ đề cập một từ về sự an toàn và các lo ngại về sức khỏe”, một người dân địa phương có tên là Ding cho biết. “Chúng tôi cần nói lên các lo lắng của mình và đó là lý do tại sao chúng tôi tham gia cuộc biểu tình”.
Tham vọng phát triển năng lực hạt nhân của Trung Quốc đã bị gián đoạn trong thời gian ngắn vào năm 2011, sau khi Bắc Kinh ngừng cấp phép các nhà máy điện hạt nhân mới và tiến hành các cuộc kiểm tra an toàn trên toàn quốc đối với tất cả các dự án sau thảm hoạt hạt nhân tại Fukushima, Nhật Bản.
Lệnh tạm ngừng đã được dỡ bỏ hồi năm ngoái, khi ít nhất 2 nhà máy điện hạt nhân, trong đó có một nhà máy tại Liên Vân Cảnh, được bật đèn xanh xây dựng.
Kế hoạch 5 năm của Trung Quốc từ 2016-2020 khuyến khích gia tăng mạnh mẽ các nguồn năng lượng phi hóa thạch, với từ 6-8 nhà máy điện hạt nhân mới được xây dựng mỗi năm.
Trung Quốc hiện có 35 nhà máy hạt nhân đang hoạt động và 20 nhà máy đang được xây dựng, theo Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA).
6 tỉnh, trong đó có Quảng Đông, Sơn Đông, Phúc Kiến, Chiết Giang và Cam Túc, được lựa chọn làm địa điểm tiềm tàng để đặt dự án hạt nhân liên doanh Trung Quốc-Pháp.
Tuy nhiên, công chúng bắt đầu bất bình hồi cuối tháng trước khi các bình luận trên một trang tin chính phủ có ý rằng Liên Vân Cảnh là địa điểm của dự án mới. Theo Công ty Hạt nhân quốc gia Trung Quốc (CNNC), nhà máy dự kiến sẽ là dự án lớn nhất từ trước tới nay giữa Trung Quốc và Pháp, và có thể do CNNC xây dựng, sử dụng công nghệ từ Areva, tập đoàn nhà nước của Pháp chuyên chế tạo các lò phản ứng hạt nhân.
Theo Dân trí