Trong một cuộc phỏng vấn với trang Phưọng Hoàng vào năm 2014, chuyên gia quân sự Trung Quốc, ông Đỗ Văn Long đã tiết lộ chuyện chính quyền nước này từng giết sạch chó của 3 tỉnh thành để đổi lấy tiêm kích Su-27 của Nga.
Đầu những năm 1990, trong bối cảnh Không quân Trung Quốc tụt hậu khá nhiều so với các nước trong khu vực, Bắc Kinh đã cử một đoàn chuyên gia đến Moscow tìm cơ hội hợp tác.
Sau đó Trung Quốc đã nhập của Nga lần lượt 3 lô tiêm kích Su-27 với số lượng là 76 chiếc. Nhờ vậy, năng lực tác chiến trên không của Trung Quốc được cải thiện đáng kể.
Tuy nhiên, một cuộc phỏng vấn do trang Phượng Hoàng công bố gần đây đã cho thấy một khía cạnh chưa từng được công bố và khá lạ lùng trong thương vụ mua sắm vũ khí này.
Trong cuộc phỏng vấn, chuyên gia quân sự Trung Quốc Đỗ Văn Long tiết lộ: ” Vào lúc đó, khi Trung Quốc hỏi mua máy bay Su-27, Nga từng đưa ra điều kiện trao đổi máy bay lấy 10.000 chiếc áo khoác da chó”.
“Khi đó con số 10.000 chiếc áo là một áp lực lớn đối với chúng ta, bởi 18 bộ da chó mới đủ để làm ra một chiếc áo khoác như vậy.
Chính vì thế, mùa đông năm đó, Trung Quốc đã giết sạch chó của 3 tỉnh thành, gồm Hà Nam, Sơn Đông… mới đủ để đổi lấy Su-27”, chuyên gia này cho biết.
Theo ông Đỗ, vào giai đoạn diễn ra cuộc trao đổi nói trên, nước Nga cũng ở trong hoàn cảnh khó khăn và chỉ cần 3 thứ hàng hóa là đèn pin, phích nước và áo khoác da chó.
“Có thể nói, loài chó Trung Quốc đã cống hiến rất lớn cho công cuộc cải tiến trang bị vũ khí của không quân”, ông Đỗ nói.
Dư luận nước này đã bị ‘sốc’ sau khi nội dung cuộc phỏng vấn được phát sóng trên Truyền hình.
Một cư dân mạng chất vấn: “Thì ra đây là lý do thực sự đằng sau việc đánh đập loài chó?”
Một người khác phẫn nộ: “Nếu sự việc này là thật thì phải có tới 180.000 chú chó bị giết”.
“Sau khi Liên Xô giải thể, nước Nga rất khó khăn và còn lại hàng đống vũ khí. Có bảo mang bắp cải sang đổi lấy máy bay cũng được huống chi là áo khoác”, một độc giả lý giải về sự hợp tác này.
Trong khi đó, cũng có người bác bỏ thông tin trên. “Bạn tôi là người Sơn Đông, ở quê cậu ấy có 2 giống chó cổ nổi tiếng Trung Quốc và chúng vẫn còn tồn tại. Không thể có chuyện giết sạch chó của cả tỉnh Sơn Đông như chuyên gia kia nói được”, một độc giả lên tiếng.
Theo thông tin từ trang Phượng Hoàng, nội dung chính của cuộc phỏng vấn là nói về mô hình hợp tác quân sự giữa Nga – Trung, và ông Long chỉ nhắc tới câu chuyện “đổi chó lấy máy bay” như một lịch sử giao dịch.
Đến nay, vẫn không có số liệu xác thực nào cho thấy số lượng hay khu vực chính xác mà Trung Quốc đã “săn chó” để phục vụ công cuộc nâng cấp không quân.
Theo Soha