Trung Quốc đang tìm cách tăng sức ảnh hưởng tại nhiều đảo quốc ở Thái Bình Dương thông qua các khoản viện trợ “hào phóng”. Đây cũng là cách nước này từng áp dụng với châu Phi.
Mức độ viện trợ của Trung Quốc dành cho tiểu quốc Fiji đã vượt qua cả mức viện trợ của Úc. Đây là một trong những con số được trích ra từ báo cáo của viện Lowy, có trụ sở tại thành phố Sydney, Úc.
Viện này tính toán rằng, Trung Quốc đã chi gần 1,5 tỷ USD viện trợ song phương cho khu vực Thái Bình Dương kể từ năm 2006, nhiều hơn cả Pháp, Liên minh Châu Âu, và gần bằng mức độ viện trợ của Nhật Bản và New Zealand. Khảo sát của viện Lowy về viện trợ của Trung Quốc căn cứ trên 500 nguồn khác nhau, trong đó có các khoản ngân sách, hồ sơ dự thầu và những thông cáo của chính phủ, và đây là cuộc nghiên cứu toàn diện đầu tiên về vấn đề này.
Trong toàn khu vực, Úc vẫn còn là nhà tài trợ lớn nhất Thái Bình Dương, với mức đóng góp 6,8 tỷ USD từ năm 2006 đến năm 2013. Tuy nhiên, chính phủ của ông Tony Abbott, nhậm chức vào năm 2013, đã cắt giảm nhiều chương trình viện trợ nước ngoài. Phần lớn viện trợ của Úc được dành cho đảo Manus, Papua New Guinea và Nauru.
Trong khi đó, Mỹ vẫn đứng thứ hai trong khu vực với mức đóng góp 1,7 tỷ USD từ năm 2006 đến 2013. Tuy nhiên, hơn một nửa trong số này đã chi cho Micronesia, Guam và Northern Marianas. Khi tham dự diễn đàn các đảo Thái Bình Dương tại Cook vào năm 2012, cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton đã hứa sẽ chú ý hơn tới khu vực này.
Tiếp đó, Tổng thống Barack Obama cũng đưa ra chiến lược “tái cân bằng” hướng tới châu Á và Thái Bình Dương. Tuy nhiên, viện trợ đã không tương xứng với lời hứa này.
Ngược lại, Trung Quốc nổi lên trong vị thế một nhà tài trợ “hào phóng”. Tại hội nghị thượng đỉnh vào năm 2013 ở thành phố Quảng Châu, Trung Quốc cam kết cắt giảm thuế quan đối với hàng nhập khẩu từ các đảo ở Nam Thái Bình Dương và chi 1 tỷ USD vốn vay ưu đãi. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đến thăm Fiji trong tháng 11/2014 kèm theo các khoản cho vay lớn.
Trung Quốc có quan hệ ngoại giao với 8 đảo quốc Nam Thái Bình Dương: quần đảo Cook, Liên bang Micronesia, Fiji, Niue, Papua New Guniea, Samoa, Tonga và Vanuatu.
Khu vực này đã là tâm điểm của những hoạt động ngoại giao được gọi là “ngoại giao chi phiếu” với Đài Loan, trong lúc Bắc Kinh và Đài Bắc đua nhau cung cấp viện trợ để đổi lấy sự thừa nhận chính trị.
Sự tranh đua đó phần lớn đã chấm dứt vào năm 2008, khi Đài Loan đạt được một thỏa thuận với Bắc Kinh.
Chủ nhiệm Terence Wesley Smith của Trung tâm Nghiên cứu Thái Bình Dương, Đại học Hawaii, cho rằng, Trung Quốc ra sức gây ảnh hưởng, tạo ra thách thức lớn nhất cho các nước viện trợ truyền thống khu vực như Úc, New Zealand và Mỹ, “điều này hoàn toàn không phải là thách thức quân sự mà là thách thức đối với cơ chế viện trợ vài chục năm”.
Khu vực luôn tồn tại một loại độc quyền viện trợ…, nhưng độc quyền đã bị phá vỡ do sự xuất hiện của nhà viện trợ Trung Quốc. Đa số các nhà lãnh đạo khu vực hoan nghênh vì điều này giúp họ có thêm đối tác thương mại và nguồn đầu tư mới.
Mặc dù vậy, một số nhà quan sát lo ngại về những mặt trái của các gói tài trợ “hào phóng” bất ngờ từ Trung Quốc. Chẳng hạn, hỗ trợ của Trung Quốc đối với các quốc đảo nhỏ chắc chắn đi kèm nhiều điều kiện. Ví dụ, hai phần ba số nợ nước ngoài của Tonga nằm trong tay Eximbank, ngân hàng viện trợ nước ngoài của Trung Quốc.
Đổi lại, Trung Quốc được nhận các gói thầu hạ tầng, nguyên liệu và lao động được đưa từ Trung Quốc sang. Cũng như ở châu Phi, Trung Quốc đầu tư vào các đảo Thái Bình Dương nhằm giành ưu thế khai thác nguồn tài nguyên dồi dào tại đây. Mỏ nickel Ramu trị giá 1,6 tỷ USD tại Papua New Guinea đánh dấu sự hiện diện quy mô nhất của Trung Quốc tại khu vực.
Hay Công ty Zhongrun là chủ sở hữu phần lớn các mỏ vàng Vatukoula của Fiji. Xinfa Aurum đang khai thác mỏ bauxite lớn thứ hai trên đảo Fiji là Vanua Levu. Dự án này gây nhiều tranh cãi vì tác động đối với môi trường…
Bà Philippa Brant, một nhà nghiên cứu của Viện Lowy, nói rằng: “Trung Quốc phải đối mặt với một số thách thức trong khu vực này, vì đi kèm với chương trình viện trợ mỗi ngày một nhiều là sự gia tăng số công ty Trung Quốc đến đây đầu tư và số người Trung Quốc di dân tới đây. Điều này tạo ra sự bất bình và lo ngại bên trong các cộng đồng đảo quốc Thái Bình Dương, và đã trở thành một thách thức đáng kể mà chính phủ Trung Quốc phải tìm cách đối phó”.
Theo Cafebiz