Cách đây nửa thế kỷ, Trung Quốc đã bắt đầu chính sách 1 con nhằm kiềm chế bùng nổ dân số. Nhưng hậu quả là chính sách này đã hủy hoại lực lượng lao động và để lại hàng triệu người già không ai chăm sóc.
Quận Như Đông nằm gần sông Dương Tử, phía Bắc thành phố Thượng Hải. Những người dân tại đây đã chấp hành nghiêm chỉnh lời kêu gọi cách đây 1 thập niên của chính phủ trong vấn đề ngăn chặn bùng nổ dân số. Hậu quả là Như Đông trở thành một nơi vắng dân cư, nhiều người già, các trường học phải đóng cửa và tỷ lệ nghỉ hưu ngày càng tăng.
Giáo sư Wang Feng của đại học California nhận định, Trung Quốc rồi sẽ dần giống như quận Như Đông. Đây là minh chứng cho sự chuyển đổi nhân khẩu học và kinh tế quá nhanh trong những thập kỷ qua. Theo chuyên gia Feng, nhiều “ngôi làng ma” hay những thị trấn vắng vẻ rồi sẽ được hình thành tại Trung Quốc.
Lão hóa nhanh
Trung Quốc đang ngày càng già nua, cũng giống như sự tăng trưởng chậm của nền kinh tế nước này. Mục tiêu tăng trưởng của quốc gia này năm 2015 chỉ là 7%, mức thấp nhất kể từ năm 1990. Thị trường bất động sản nước này đang gặp khó khăn trong khi ngành công nghiệp đang bị dư thừa sản lượng.
Theo Liên Hợp Quốc (LHQ), lực lượng lao động trong độ tuổi 15-59 của nước này dự kiến sẽ suy giảm 61 triệu người vào năm 2030, tương đương với tổng số lao động mất đi của Anh và Pháp.
Thay đổi cơ cấu dân số tại Trung Quốc (nam- xanh, nữ- đỏ)
Theo nhiều chuyên gia, việc suy giảm lực lượng lao động và gia tăng số người nghỉ hưu sẽ khiến tăng trưởng Trung Quốc giảm đi 4% đến năm 2030. Quốc gia này đang có sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhân khẩu học và chính phủ cũng như xã hội Trung Quốc chưa sẵn sàng cho điều đó. Hiện nay, rất nhiều nơi tại nước này lâm vào tình trạng khó tìm thấy thanh niên trong độ tuổi 20-30.
Hầu hết các thanh niên Trung Quốc đi lên thành phố để tìm việc. Hậu quả là họ bỏ lại con cái cho ông bà chăm sóc. Những cậu ấm cô chiêu của này được ông bà nuông chiều quá mức và có thể tạo ảnh hưởng xấu đến thế hệ sau. Hiện điều kiện sống nâng cao đã khiến giới trẻ Trung Quốc ngày càng không muốn sinh thêm con.
Quá muộn
Trung Quốc đã nới lỏng chính sách 1 con nhằm đối phó tình trạng suy giảm lao động. Hiện giờ, những cặp vợ chồng mà một trong hai là con một sẽ được quyền sinh con thứ 2.
Tuy nhiên, tư tưởng một con đã ăn sâu vào tiềm thức người dân. Hơn nữa, chi phí nuôi dạy tăng mạnh sẽ làm giảm tỷ lệ sinh nở. Theo LHQ, tỷ lệ này sẽ giảm xuống 12,2/1.000 dân số trong khoảng 2015-2020, thấp hơn mức 13,4 cách đây 5 năm. Hiện có rất nhiều cặp vợ chồng lo lắng về chi phí sinh hoạt và quyết định không sinh thêm.
Một vấn đề khó khăn nữa là lượng người nghỉ hưu gia tăng đang tạo áp lực cho hệ thống tài chính. Từ năm 1997, chính phủ đã cung cấp lương hưu cho hơn 800 triệu người trên toàn quốc.
Bộ trưởng Bộ Lao động là Doãn Úy Dân cho biết, quỹ hưu trí nhà nước đang phải chịu sức ép rất lớn để đáp ứng nhu cầu trong tương lai.
LHQ nhận định chính sách 1 con của Trung Quốc đang gia tăng tốc độ lão hóa của đất nước. Tỷ lệ người phụ thuộc (người già 65 tuổi trở lên/ 100 người lao động) sẽ tăng gấp 3 lần lên 39 vào năm 2050.
Cuối cùng, ngoài lương hưu, vấn đề về chăm sóc sức khỏe cũng đang nổi lên tại Trung Quốc. Với tỷ lệ người già ngày một tăng cao, chi phí về y tế và chăm sóc sức khỏe cũng tăng kèm theo đó, qua đó gây lo ngại cho nhiều hộ gia đình có người cao tuổi tại quốc gia này.
Theo NDH