Chính quyền Trung Quốc đang gây dựng tầm ảnh hưởng của nó ở châu Âu thông qua cái gọi là “các nhóm hữu nghị”, hoạt động như các tổ chức bình phong của ĐCSTQ, một cơ quan tham mưu tiết lộ.
“Các nhóm hữu nghị Trung Quốc” được thành lập với vẻ bề ngoài là các tổ chức công dân nhằm thúc đẩy quan hệ với Trung Quốc. Tuy nhiên trên thực tế, chúng là một phần của “bộ máy mặt trận thống nhất” của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), thúc đẩy quyền lực và ảnh hưởng của chế độ này ở nước ngoài, báo cáo của Trung tâm Đánh giá Chiến lược và Ngân sách (CSBA), một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Washington, cho biết.
Các nhóm này thường được ngụy trang thành các tổ chức nội bộ do chính công dân của nước sở tại điều hành — thường là giới tinh hoa từ tầng lớp chính trị và cộng đồng kinh doanh của Châu Âu, bao gồm các chính trị gia đang tại vị và đã về hưu, CSBA cho hay.
Tuy nhiên, báo cáo cho biết, họ thực sự là các tổ chức bình phong của ĐCSTQ, “gắn bó với Đảng qua cả hai kênh trực tiếp và gián tiếp”, và “họ đóng vai trò là cơ quan ngôn luận và trung gian, thúc đẩy các ưu tiên trong nước và các mục tiêu chính sách đối ngoại của Trung Quốc.”
Jack Bianchi, một nhà nghiên cứu của CSBA, đồng tác giả của báo cáo, nói với NTD: “Những nhóm này từ bề ngoài có thể được người châu Âu thành lập một cách tự nhiên, nhưng thực sự chúng là những nhóm đã được các tác nhân ở Bắc Kinh chỉ đạo theo một cách nào đó.”
Theo báo cáo, các nhóm hữu nghị này được liên kết với các tổ chức ở Trung Quốc, mà từ đó các nhóm có được quyền “tiếp cận, tầm nhìn, nguồn lực và có thể là định hướng”. Các thể chế này có khả năng là bộ phận thuộc “hệ thống mặt trận thống nhất” chính thức, hoặc hoạt động bên ngoài hệ thống đó.
Ví dụ, Hiệp hội Hữu nghị với Nước ngoài của Nhân dân Trung Quốc (CPAFFC), một cơ quan mặt trận thống nhất có trụ sở tại Bắc Kinh, thường có liên hệ với nhiều nhóm hữu nghị này, CSBA cho biết.
Vào tháng 2/2020, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo đã gọi CPAFFC là bộ mặt công khai thuộc cơ quan gây ảnh hưởng đối ngoại Bộ Công tác Mặt trận Thống nhất của ĐCSTQ.
Các nhà nghiên cứu CSBA nhận thấy, “chính quyền Trung Quốc dựa vào sự lôi kéo về uy tín, quyền tiếp cận và nguồn lực để thu hút và hợp tác với các ủy ban nước ngoài, gây ảnh hưởng xấu đến các công dân hàng đầu của châu Âu.”
Những tầng lớp tinh hoa nước ngoài đồng hợp tác này “tuyên truyền các luận điểm của ĐCSTQ, làm chệch hướng những kịch bản có hại cho hình ảnh của Bắc Kinh, tổ chức các sự kiện công khai thể hiện tính chất của ĐCSTQ, thúc đẩy thương mại và đầu tư, khuyến khích chuyển giao công nghệ và lên tiếng ủng hộ các chính sách có lợi cho Trung Quốc.”
Các nhóm hữu nghị này cũng tìm cách “chia rẽ và chinh phục” bằng cách gieo rắc sự chia rẽ ở các nước sở tại và trong Liên minh châu Âu.
Bianchi cho biết, “một phần công việc của các nhóm hữu nghị này là gây chia rẽ giữa giới tinh hoa chính trị và kinh doanh, ở nước ngoài, trong các khối khu vực này, để họ không thể hình thành tiếng nói thống nhất về chính sách Trung Quốc.”
Báo cáo kêu gọi các nhà hoạch định chính sách châu Âu nên đặt các nhóm này dưới sự giám sát chặt chẽ hơn và đề ra các biện pháp để tăng tính minh bạch và trách nhiệm.
Báo cáo cho biết châu Âu nên hợp tác với các chính phủ dân chủ trên toàn thế giới đang đối mặt với những thách thức tương tự từ ĐCSTQ.
Thiện Thành (Theo Epoch Times)