Trung Quốc đang ra sức cải thiện tình hình khi trở thành nước chủ nhà tại Hội nghị Thượng đỉnh APEC với mong muốn mở rộng đàm phán về Hiệp định Thương mại Tự do châu Á – Thái Bình Dương và thúc đẩy chống tham nhũng, nhưng diễn biến hướng đến các Hiệp định khác khiến mục tiêu này chưa đạt được.
Trung Quốc thúc đẩy hình thành Vùng Tự do Thương mại Vành đai Thái Bình Dương hay còn gọi là Khu vực Mậu dịch Tự do châu Á – Thái Bình Dương (FTAAP) vào năm 2005. Nhưng thảo luận liên quan đến FTAAP đã bị chi phối bởi các cuộc đàm phán về thỏa thuận thương mại quy mô khác đang tiến hành và vẫn được 21 nền kinh tế APEC xem xét nếu xuất hiện chồng chéo, Giám đốc điều hành Ban thư kí APEC là ông Alan Bollard cho biết.
Mới đây, Trung Quốc kêu gọi thực hiện nghiên cứu khả thi về ý tưởng liên quan đến FTAAP. Các nghiên cứu này là phân tích luôn đi trước những cuộc đàm phán chính thức.
“Chúng tôi chưa thỏa thuận với nhau về nghiên cứu này. Trung Quốc đang đề xuất rằng chúng ta nên bàn bạc kỹ hơn về khu vực tự do thương mại châu Á – Thái Bình Dương… Nhưng chúng tôi không rõ điều này có ý nghĩa gì và muốn biết chi tiết hơn về ý nghĩa của nó cũng như cách thức tiếp cận vấn đề này”, ông Bollard phát biểu.
Hiện đã có những hiệp ước thương mại tiếp tục được thương thảo trong khu vực, quan trọng nhất trong đó là Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) do Mỹ đứng đầu, bao phủ 12 quốc gia vành đai Thái Bình Dương, trừ Trung Quốc.
Bắc Kinh cũng đang trông đợi kết thúc hội đàm về Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), vốn sẽ bao gồm 10 thành viên từ Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASIAN), cùng Australia, Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand và Hàn Quốc.
Một vài thành viên APEC cho rằng, các cuộc đàm phán khu vực đang tiến hành nên ưu tiên thảo luận vấn đề mới. Hiện cũng chưa có dấu hiệu cho thấy xu hướng kết thúc của bất kì thỏa thuận nào.
“Không quốc gia nào muốn đàm phán về FTAAP. Còn quá sớm để thực hiện điều này, đặc biệt là đối với các nền kinh tế nhỏ. Họ thấy rất khó để thúc đẩy các cuộc đàm phán song phương hay với những quốc gia trong khu vực. Do đó, đàm phán đa phương mở rộng là điều cần thiết”, ông Bollard nói.
Quan chức này cho rằng, các bên phải tuyển lựa vấn đề liên quan đến giải pháp thương mại, và xem nếu phát sinh nhu cầu cho những lựa chọn đối với TPP.
Các lãnh đạo APEC hẹn gặp trong kì họp ở Bắc Kinh vào tháng tới, đây sẽ là lần thứ hai Trung Quốc chủ trì sự kiện này. Lần đầu tiên diễn ra tại Thượng Hải năm 2001.
Hội nghị Thượng đỉnh tại Thượng Hải chủ yếu tập trung vào chương trình nghị sự chống khủng bố sau sự kiện tấn công ngày 11/̣9 tại Mỹ. Trong khi đó, hội nghị tới đây sẽ tập trung vào sáng kiến thúc đẩy đà tăng trưởng trì trệ trong khu vực.
Bollard cho rằng, Trung Quốc đã đề xuất hội thảo về công nghệ môi trường nhằm đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế và kêu gọi thêm vốn đầu tư cơ sở hạ tầng trong khu vực.
Đề tài chủ yếu khác được đưa ra thảo luận là cuộc chiến chống tham nhũng trong nội bộ APEC. Bắc Kinh hiện đang tiến hành chiến dịch chống tham nhũng quy mô lớn kéo dài hai năm qua và đã bắt giữ một số quan chức cấp cao “vi phạm kỷ luật nghiêm trọng”, trong đó có cựu trùm an ninh quốc gia Chu Vĩnh Khang và cựu phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương là Từ Tài Hậu.
Tuy nhiên, Bắc Kinh cũng muốn vây bắt gia đình và phe cánh của các quan chức này, hoặc người đứng đầu doanh nghiệp quốc doanh vốn đã đào thoát sang nước ngoài mang theo tài sản phi pháp. Do đó, chính quyền Trung Quốc kêu gọi sự hỗ trợ từ các quốc gia APEC. Trong Tháng Tám, thành viên APEC đã triển khai mạng lưới chia sẻ thông tin về kỹ thuật điều tra và chiến lược chống hối lộ, một hệ thống mà Trung Quốc hy vọng sẽ chặn đứng tình trạng đào tẩu liên quan đến tham nhũng.
Hệ thống này đã hỗ trợ rất nhiều khi Trung Quốc và Mỹ muốn kết hợp trong cuộc chiến chống tham nhũng, ông Bollard cho biết thêm.
Nhưng ông nhận định hợp tác này có thể bị giới hạn vì mỗi quốc gia đều có quy định riêng về thông tin được phép chia sẻ.
Thiên Hà, Hàn Mai – Theo Scmp