Để giữ im lặng trong suốt thời gian hội nghị Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC), Trung Quốc đã đền bù thỏa đáng cho các cá nhân quyết liệt đòi bồi thường thiệt hại do quan chức tham nhũng gây ra.
Trong thời gian diễn ra hội nghị từ 5 – 11/11 tại Bắc Kinh, chính quyền Thượng Hải đã cam kết trả tiền mặt mỗi ngày cho những cư dân kiến nghị đến khi hội nghị APEC kết thúc, với điều kiện không được tới Bắc Kinh trình bày khiếu nại.
Trả lời phỏng vấn qua điện thoại với Đại Kỷ Nguyên, một người kiến nghị chính quyền Thượng Hải là Gu Guoping cho biết, hôm 30/10, anh trai Gu Guoping cũng là một nguyên đơn đã nhận được cuộc gọi của văn phòng giải quyết khiếu nại địa phương đề nghị trả 200 Nhân Dân tệ (CNY) tương đương 33 USD mỗi ngày từ 1 – 11/11 nếu ông không đến Bắc Kinh trình báo.
Tổng số tiền thanh toán cho mỗi thành viên kiến nghị trong 11 ngày là 2.200 CNY (363 USD) được gọi là “phí trợ cấp cho những người gặp khó khăn” nhưng thực tế là “phí duy trì ổn định”, ông Gu nói. Theo một nghiên cứu từ năm 2013 của ĐH Bắc Kinh, thu nhập trung bình hàng năm trong năm 2012 của mỗi gia đình Trung Quốc là 13.000 CNY, do đó “trợ cấp” tương đương ⅙ tiền kiếm được của các hộ gia đình.
“Duy trì sự ổn định” là thuật ngữ ám chỉ việc Đảng sử dụng hàng loạt chính sách rất khắc nghiệt để đàn áp các cuộc biểu tình tại Trung Quốc.
Gu Guoping cho biết văn phòng giải quyết khiếu nại không gọi điện cho ông vì ông từng từ chối lời đề nghị tương tự trước khi Hội nghị Trung ương lần thứ tư của Đảng Cộng sản Trung Quốc diễn ra từ 20 – 23/10 tại Bắc Kinh và công khai điều này với giới truyền thông.
Những người tham gia kiến nghị thường xuyên bị ngược đãi và phần lớn bị giam giữ trái phép, thậm chí là đánh đập tàn nhẫn. Thông tin này do chính họ nói với báo giới.
Theo ông Gu, người Trung Quốc đã mất lòng tin vào quan chức cộng sản. “Mọi trường hợp khiếu nại tới Thượng Hải đều vì lý do tham nhũng. Bí thư Thành ủy Thượng Hải Trần Lương Vũ và Thị trưởng Dương Hùng luôn luôn nói những lời tốt đẹp, những lời nói trống rỗng nhưng chỉ có vậy (về việc chống tham nhũng). Chủ tịch Tập Cận Bình (người đứng đầu Đảng Cộng sản Trung Quốc) và Thủ tướng Lý Khắc Cường có thể không kiểm soát được vấn đề này”, ông Gu nhận xét.
“Các quan chức Trung Quốc đã dối trá trong nhiều thập kỷ và người dân không còn tin tưởng họ”, ông Gu nói thêm.
Sau khi thoát khỏi các vòng kiểm soát của chính quyền địa phương, 129 nguyên đơn ngày 31/10 đã tập trung tại cơ quan chính quyền về Thư tín và Điện đàm tại Bắc Kinh – văn phòng kháng cáo trung ương – để kêu gọi các cơ quan chức năng nỗ lực giải quyết khiếu nại và yêu cầu giới chức trách Thượng Hải thực thi pháp luật, trang tin tiếng Hán là Boxun trụ sở tại Mỹ đưa tin.
Ngày 1/11, một nhóm khác khoảng 30 người khiếu nại tại Thượng Hải đã treo biểu ngữ trước Trung tâm Thương mại Bairong World – địa điểm diễn ra hội nghị APEC.
Biểu ngữ của người khiếu nại có nội dung “Những thành viên tham dự APEC, hãy chú ý đến các vấn đề của người kiến nghị Trung Quốc” và “Phóng thích những người kiến nghị bị bắt giữ, hãy thực thi theo các quy định pháp luật”.
Trả tiền để yêu cầu người kiến nghị không biểu tình ở Bắc Kinh chỉ là một trong nhiều cách thức tạo ấn tượng tốt nhất của Bắc Kinh với lãnh đạo các nước tham dự APEC.
Một kỳ nghỉ từ 7 – 12/11 đã được áp dụng cho tất cả các cơ quan, tổ chức tại Bắc Kinh. Cư dân Bắc Kinh cũng được khuyến khích du lịch ra khỏi thành phố trong thời gian này.
Lo ngại về tấn công khủng bố, Bắc Kinh đã cấm buôn bán chất đốt đóng chai tại các trạm xăng dầu trong thời gian diễn ra hội nghị APEC. Rất nhiều cảnh sát vũ trang và cảnh sát mặc thường phục bảo vệ bên ngoài trung tâm hội nghị, hoạt động kiểm tra an ninh đối với khách du lịch đến Bắc Kinh cũng được thắt chặt, truyền thông Trung Quốc đưa tin.
Thiên Hà, Hồ Duyên – Theo Epoch Times