Tinh Hoa

Trung Quốc định biến tất cả tàu dân sự thành tàu quân sự

(TNO) Chính quyền Trung Quốc đã thông qua quy định mới yêu cầu tất cả hãng đóng tàu trong nước phải đảm bảo những tàu mới đóng có thể được sử dụng cho mục đích quân sự trong tình huống khẩn cấp.

Một tàu chở container neo đậu tại cảng ở thành phố Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Sắp tới các tàu dân sự mới đóng phải được thiết kế lại để có thể chuyển sang mục đích quân sự khi cần thiết – Ảnh: Reuters
Quy định này sẽ giúp Trung Quốc có thể biến các đội tàu dân sự thành sức mạnh quân sự, tờ China Daily (Trung Quốc) ngày 18.6 dẫn tiết lộ của Hiệp hội ngành công nghiệp đóng tàu Trung Quốc.
“Hải chiến thường đòi hỏi một lượng lớn tàu, trong khi đóng nhiều tàu hải quân lúc thời bình lại không hợp lý về mặt kinh tế. Chính vì thế, các hãng đóng tàu cần thay đổi một số thiết kế của tàu dân sự để chúng có thể phục vụ cho hải quân trong thời chiến”, nhà nghiên cứu Cao Weidong thuộc Viện nghiên cứu hải quân Trung Quốc nhận định.
Quy định này nằm trong văn bản Tiêu chuẩn kỹ thuật đối với tàu dân sự nhằm đáp ứng yêu cầu quốc phòng, văn bản được đưa ra sau một dự án nghiên cứu kéo dài 5 năm của Hiệp hội ngành công nghiệp đóng tàu Trung Quốc và quân đội Trung Quốc. Quy định áp dụng đối với 5 loại tàu: tàu chở container, tàu bốc dỡ hàng bằng cầu dẫn (tàu loại Ro-Ro), tàu đa chức năng, tàu chở hàng khô, tàu chở hàng rời, theo China Daily.
Bên cạnh đó, chính quyền Trung Quốc cũng đang cân nhắc hỗ trợ kinh phí phát sinh cho hãng đóng tàu điều chỉnh thiết kế theo quy định, đồng thời cung cấp gói bảo hiểm cho chủ tàu trong trường hợp tàu của họ được quân đội trưng dụng và bị hư hại trong các hoạt động quân sự, theo báo Quân đội Trung Quốc.
Tính đến cuối năm 2014, Trung Quốc có khoảng 172.000 tàu dân sự, China Daily dẫn số liệu thống kê của Bộ Giao thông Trung Quốc.
Theo Reuters, một số nước trên thế giới từng sử dụng tàu dân sự để giúp quân đội trong những tình huống khẩn cấp, như Anh trong Chiến tranh Falkland năm 1982 với Argentina.
China Daily đưa ra thông tin trên giữa lúc Trung Quốc tăng cường hoạt động bành trướng, xây dựng đảo nhân tạo phi pháp ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam trên Biển Đông, bất chấp sự phản đối của các nước.
Hôm 26.5, Trung Quốc đã công bố sách trắng quốc phòng, trong đó nhấn mạnh chiến lược “chủ động phòng vệ”. Theo đó, Hải quân Trung Quốc sẽ đặt trọng tâm nhiều hơn vào “bảo vệ vùng biển xa” so với “bảo vệ vùng biển gần bờ”, Không quân Trung Quốc sẽ chuyển trọng tâm “từ phòng thủ sang cả phòng thủ và tấn công”.

Phúc Duy

Theo Thanh Niên