Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) mới đây đã đưa ra đề xuất muốn xóa bỏ điều khoản quy định người đứng đầu Nhà nước “sẽ không phục vụ nhiều hơn 2 nhiệm kỳ liên tiếp”, mở đường cho ông Tập Cận Bình có thể lãnh đạo qua năm 2023.
Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng dẫn một bản tin của Tân Hoa Xã ngày 25/2 cho biết, ĐCSTQ đã đề xuất loại bỏ dòng nội dung quy định Chủ tịch nước và Phó chủ tịch nước Trung Quốc “sẽ phục vụ không quá hai nhiệm kỳ liên tiếp” ra khỏi Hiến pháp nước này.
Sau đó, Tân Hoa Xã công bố toàn bộ bản đề xuất dài 4.480 từ bằng tiếng Trung Quốc. Đề xuất này sẽ được Quốc hội Trung Quốc xem xét trong kỳ họp vào tháng tới. Bản đề xuất được đề ngày 26/1, một tuần sau khi Trung ương Đảng Trung Quốc với hơn 200 ủy viên có cuộc họp bàn về sửa đổi Hiến pháp.
Ông Tập Cận Bình, 64 tuổi, tái đắc cử Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc vào tháng 10/2017 và được dự kiến sẽ trúng thêm một nhiệm kỳ Chủ tịch nước thứ hai tại kỳ họp Quốc hội bắt khai mạc vào ngày 5/3.
Trong những thập kỷ gần đây, ĐCSTQ dường như có một quy định “bất thành văn” về tuổi nghỉ hưu đối với các nhà lãnh đạo cấp cao nhất của đảng là 68 tuổi, nhưng điều lệ đảng này không có quy định nào về giới hạn số nhiệm kỳ. Điều này đồng nghĩa với việc không có hạn chế số nhiệm kỳ đối với chức vụ Tổng bí thư, nhưng Hiến pháp Trung Quốc có quy định rõ về việc Chủ tịch nước chỉ được nắm giữ tối đa hai nhiệm kỳ với thời gian 5 năm mỗi nhiệm kỳ.
Theo giới phân tích, việc xóa bỏ hạn chế hai nhiệm kỳ đối với chức vụ Chủ tịch nước và Phó chủ tịch nước Trung Quốc là tín hiệu rõ nét nhất cho thấy ông Tập Cận Bình có thể cầm quyền lâu hơn những người tiền nhiệm gần đây của ông, trong bối cảnh vai trò lãnh đạo Trung Quốc của ông “gắn liền với sự ổn định”.
“Đây là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy ông Tập Cận Bình sẽ nắm quyền lâu hơn mức giới hạn nhiệm kỳ hiện tại”, ông Deng Yuwen, một cựu biên tập viên của tờ Thời báo Nghiên cứu – một tờ báo trực thuộc Trường Đảng Trung ương Trung Quốc – nhận định.
Một bài xã luận của tờ Thời báo Hoàn cầu nói rằng việc gỡ bỏ giới hạn hai nhiệm kỳ có thể sẽ giúp duy trì hệ thống mà trong đó cương vị Tổng bí thư, Chủ tịch nước, và Tổng tư lệnh quân đội của Trung Quốc cùng do một người nắm giữ.
“Trong hai thập kỷ qua, bộ ba vị trí lãnh đạo gồm Tổng bí thư Trung ương Đảng Trung Quốc, Chủ tịch nước, và Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc đã được định hình và chứng tỏ tính hiệu quả”, bài viết có đoạn. “Việc dỡ bỏ hạn chế hai nhiệm kỳ đối với vai trò Chủ tịch nước Trung Quốc có thể giúp duy trì hệ thống bộ ba này và tăng cường thể chế đối với sự lãnh đạo đảng và đất nước”.
Tuy nhiên, bài viết dẫn một nguồn tin là quan chức không tiết lộ danh tính nói: “Thay đổi này không có nghĩa là Chủ tịch nước Trung Quốc sẽ nắm quyền trọn đời”.
Tuyên bố ngày 25/2 được đưa ra sau một cuộc họp của Bộ Chính trị Trung Quốc hôm Chủ nhật và trước một cuộc họp ba ngày của Trung ương Đảng Trung Quốc để bàn về vấn đề nhân sự và sửa đổi Hiến pháp, chuẩn bị trình lên kỳ họp Quốc hội sắp tới tại Bắc Kinh.
Tân Hoa Xã cũng nói rằng ĐCSTQ đã đề xuất đưa “Tư tưởng Tập Cận Bình về Chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới” vào Hiến pháp nước này. Bên cạnh đó, ĐCSTQ cũng dự định đưa “siêu cơ quan” chống tham nhũng mới được thành lập là Ủy ban Giám sát Quốc gia trở thành một cơ quan nhà nước được nêu trong Hiến pháp.
Học giả lịch sử Chương Lập Phàm có chia sẻ với Reuters rằng, thông tin này không khiến người ta phải ngạc nhiên, nhưng cũng rất khó đoán được ông Tập Cận Bình có thể nắm quyền trong thời gian dài nhất là bao nhiêu năm.
“Về lý luận, nhiệm kỳ của ông Tập có thể dài hơn ông Robert Mugabe – cựu Tổng thống Zimbabwe, nhưng trên thực tế, không ai có thể biết được chuyện gì sẽ xảy ra”, ông Chương Lập Phàm nói. Cựu Tổng thống Zimbabwe là ông Robert Mugabe nắm quyền trong suốt 40 năm và đã bị lật đổ hồi tháng 11 năm ngoái (2017).
Việc sửa đổi Hiến pháp vẫn phải được Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc (Nhân đại) phê chuẩn, nhưng những đại biểu của Nhân đại đều là những người thành tâm cống hiến sức lực cho ĐCSTQ, điều này có nghĩa là việc sửa đổi Hiến pháp sẽ không gặp cản trở.
Giáo sư Trương Hồng, hiện công tác tại Khoa Chính trị Trường Đại học Nhân dân Trung Quốc nói: “Tại Trung Quốc, người dân Trung Quốc đã coi ông Tập Cận Bình là hoàng đế rồi”.
Truyền thông tại Trung Quốc ngày càng dùng nhiều từ “lãnh tụ” để chỉ về ông Tập. “Lãnh tụ” có địa vị cao hơn một bậc so với “lãnh đạo”, đồng thời còn có hàm nghĩa về tinh thần. Ví dụ, ông Mao Trạch Đông được gọi là lãnh tụ, còn hai người trước nhiệm kỳ của ông Tập là ông Giang Trạch Dân và ông Hồ Cẩm Đào đều không được xưng hô như vậy.
Từ lâu đã có nhiều dấu hiệu cho thấy Trung Quốc sẽ xóa bỏ hạn chế nhiệm kỳ để đặt nền móng cho việc ông Tập chấp chính trong thời gian dài.
Đồng minh chính trị thân thiết nhất của ông Tập, “Sa hoàng chống tham nhũng” Vương Kỳ Sơn đã giải nhiệm chức Thường ủy Bộ Chính trị hồi tháng 10/2017, và năm nay ông lại được chọn làm đại biểu tham dự Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc. Reuters dẫn nguồn tin cho biết, ông Vương (69 tuổi) có khả năng sẽ trở thành Phó chủ tịch nhà nước Trung Quốc.
Ý nghĩa của việc này vô cùng to lớn, bởi nếu ông Vương Kỳ Sơn không nghỉ hưu, vậy sẽ tạo ra tiền lệ tiếp tục lưu nhiệm khi đến tuổi nghỉ hưu cho ông Tập Cận Bình, hiện tại ông Tập đã 64 tuổi.
Theo New York Times, ĐCSTQ hủy bỏ hạn chế nhiệm kỳ có thể giải thích vì sao gần đây ông Tập phái trợ thủ thân thiết của mình là Lưu Hạc thăm Washington. Mới đầu dư luận cho rằng chuyến thăm Mỹ lần này là để thảo luận với chính phủ của Tổng thống Trump về những lời lẽ cứng rắn của phía Mỹ liên quan đến thương mại hai nước, nhưng hiện nay lại cho thấy, có thể ông Tập hy vọng mượn cơ hội này để giải thích với lãnh đạo Mỹ về kế hoạch của mình.
Phân tích nhận định, ĐCSTQ có thể đưa ra một số lý do cho ý đồ xóa bỏ hạn chế nhiệm kỳ của chủ tịch nước, ví như cần thực hiện mong muốn xây dựng xã hội Trung Quốc hiện đại, phồn vinh vào năm 2050 mà ông Tập đã đưa ra.
Nhà bình luận chính trị Hồ Tinh Đẩu tại Bắc Kinh chia sẻ với hãng tin AP, mặc dù ông Tập cần nhiều hơn 2 nhiệm kỳ để thực thi kế hoạch của mình, nhưng Trung Quốc không thể nào trở về thời đại nguyên thủ quốc gia nhậm chức cả đời được.
Ông nói: “Ông Tập Cận Bình có thể đảm nhiệm chức vụ lãnh đạo trong thời gian tương đối dài, điều này có lợi cho việc đẩy mạnh cải cách, chống tham nhũng, nhưng Trung Quốc không thể lại một lần nữa thực hiện chế độ lãnh đạo trọn đời”.
Hồ Tinh Đẩu nói về Cách mạng Văn hóa từ năm 1966 đến năm 1976 do ông Mao Trạch Đông phát động, “chúng ta đã có được bài học sâu sắc từ chế độ nhiệm kỳ trọn đời”.
Tuệ Tâm (t/h)