Tinh Hoa

Trung Quốc “đau đầu” với nạn vaccine giả

Theo tin từ hãng thông tấn Xinhua ngày 1/2, cảnh sát Trung Quốc vừa bắt giữ khoảng 80 người và tịch thu hơn 3.000 liều vaccine Covid-19 giả. 

Hình ảnh được chụp tại một trung tâm tiêm chủng tại Bắc Kinh vào tháng trước. (Ảnh: Getty Images)

Cảnh sát cho biết nghi phạm chính là một người tên Kong, đã tiêm nước muối vào các lọ có dán nhãn vaccine Covid-19 và bán với mức giá cắt cổ từ tháng 9/2020. 

Vụ án này được phá sau khi cảnh sát thành phố Bắc Kinh cùng các tỉnh phía đông gồm Giang Tô và Sơn Đông phối hợp theo dõi các địa điểm sản xuất và bán vaccine giả. Vụ bắt giữ diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc đang đẩy mạnh năng lực sản xuất vaccine trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế. 

Theo Xinhua, cảnh sát Trung Quốc sẽ tiếp tục truy quét tội phạm liên quan tới vaccine, bao gồm bán và sản xuất vaccine giả, đồng thời kêu gọi người dân tìm đến các kênh chính thống để tránh bị tiêm phải vaccine giả. 

Theo một khảo sát của Diễn đàn Kinh tế Thế giới vào cuối tháng 12/2020, Trung Quốc có tỷ lệ công dân sẵn sàng tiêm vaccine cao nhất trong số 15 nền kinh tế lớn được khảo sát, lên tới 80%. 

Theo luật vaccine mới có hiệu lực vào năm 2019 của Trung Quốc, những đối tượng sản xuất và bán vaccine giả có thể bị phạt hành chính từ 15-50 lần giá trị sản phẩm. Còn những đối tượng sản xuất và bán vaccine kém chất lượng bị phạt 10-30 lần giá trị sản phẩm. 

Luật này được công bố sau khi nước này ghi nhận hàng loạt vụ bê bối liên quan tới an toàn dược phẩm. Một trong những vụ án lớn nhất là hãng sản xuất vaccine Changchun Changsheng Bio-technology bị phát hiện bán hơn 250.000 liều vaccine DPT kém chất lượng tại tỉnh Sơn Đông. DPT là loại vaccine kết hợp phòng ngừa bạch hầu, ho gà và uốn ván ở người. 

Changchun Changsheng sau đó bị phạt 3,4 triệu Nhân dân tệ (526.000 USD), con số được đánh giá là tương đối nhỏ so với lợi nhuận ròng lên tới 566 triệu Nhân dân tệ và khoản trợ cấp 48,3 triệu Nhân dân tệ mà công ty này nhận được trong năm 2017. 

Năm sau đó, công ty này bị phát hiện làm giả dữ liệu sản xuất của vaccine ngừa bệnh dại. Lần này, Changchun Changsheng lĩnh án phạt nặng hơn, lên tới 9,1 tỷ Nhân dân tệ (1,4 tỷ USD). 

Nhà chức trách Trung Quốc cho biết đã có hơn 80 quan chức bị sa thải hoặc giáng chức vì vụ bê bối này. 4 quan chức của Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Ma túy nước này bị chuyển cho cơ quan công tố. Ngoài ra, chủ tịch cùng 14 nhân viên của Changchun Changsheng đã bị bắt.

Vài năm gần đây, truyền thông Trung Quốc thường đưa tin về việc các công ty của nước này nguy tạo dữ liệu về vaccine để chứng minh độ an toàn hoặc chế tạo các loại vaccine có nguy cơ gây bệnh cho trẻ sơ sinh. Điều này khiến nhiều bậc phụ huynh Trung Quốc quay lưng với vaccine nội địa và tin tưởng vào sản phẩm từ phương Tây hơn. Những vụ bê bối như Changchun Changsheng càng làm xói mòn niềm tin vốn đã suy yếu của người dân vào các loại vaccine sản xuất tại nước này.

Không giống nhiều quốc gia khác, Trung Quốc hiện chưa công bố thông tin gì về kết hoạch tiêm chủng cho 1,4 tỷ dân của nước này. Đến nay, nước này đã tiêm 24 triệu liều vaccine Covid-19 cho người dân và đặt mục tiêu là tiêm chủng cho 50 triệu người vào ngày 12/2, thời điểm bắt đầu Tết Nguyên đán. Chính quyền các tỉnh của nước này cũng đang huy động toàn bộ mạng lưới y tế địa phương để tiến hành tiêm chủng cho người dân.

Theo Ngọc Trang / VnEconomy