Trung Quốc hôm Thứ Năm (9/4) công bố chi tiết kế hoạch sử dụng các hòn đảo được bồi đắp trái phép trên Biển Đông cho mục đích quốc phòng cũng như dân sự và cũng sẽ đáp ứng nhu cầu phòng thủ quân sự của nước này, bất chấp phản ứng dữ dội từ các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế.
Thông tin trên được bà Hoa Xuân Oánh là người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc công bố với báo giới, liên quan đến hoạt động bồi đắp và xây dựng trên các bãi đá trong khu vực quần đảo Trường Sa.
Theo lập luận của Bắc Kinh, việc bồi đắp và xây lấn này là cần thiết, một phần do nguy cơ xảy ra bão trong khu vực có nhiều tuyến tàu bè qua lại và cách xa đất liền.
“Chúng tôi đang xây dựng những nơi trú ẩn, hỗ trợ hoạt động đi lại, tìm kiếm cứu nạn cũng như các dịch vụ dự báo khí tượng hàng hải; các dịch vụ nghề cá và các dịch vụ hành chính khác” cho Trung Quốc và các quốc gia láng giềng, bà Hoa nói.
Các hòn đảo và bãi đá cũng sẽ đáp ứng nhu cầu phòng thủ quân sự của Trung Quốc, người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc tuyên bố mà không lý giải thêm.
Đây là một trong những lần hiếm hoi Trung Quốc công bố chi tiết các kế hoạch của mình đối với các hòn đảo nhân tạo mà nước này đang bồi đắp, xây lấn trái phép. Tổng cộng có 7 bãi san hô đã bị Trung Quốc bồi đắp bằng cát và xây dựng các công trình bất chấp phản ứng từ các nước có tuyên bố chủ quyền với khu vực này.
Bộ trưởng quốc phòng Mỹ là Ash Carter, người đang có chuyến công du Nhật và Hàn Quốc tuần này, cũng đã lên tiếng chỉ trích động thái trên của Bắc Kinh.
“Công tác xây dựng liên quan là vấn đề hoàn toàn trong phạm vi chủ quyền của Trung Quốc. Việc này là công bằng, hợp lý, phù hợp với luật pháp và không nhắm vào bất kỳ nước nào. Không có gì để chỉ trích về việc này”, bà Hoa Xuân Oánh không ngần ngại tuyên bố.
Cho đến nay, Trung Quốc vẫn tuyên bố chủ quyền với hầu như toàn bộ Biển Đông, nơi mỗi năm có khoảng 5.000 tỷ USD hàng hóa được các đoàn tàu vận chuyển qua. Philippines, Việt Nam, Malaysia, Brunei và đảo Đài Loan cũng có các tuyên bố chủ quyền chồng tại Biển Đông.
Hiện các công nhân Trung Quốc đang xây dựng nhiều cảng, kho trữ nhiên liệu cũng như 2 đường băng, mà theo các chuyên gia sẽ giúp Bắc Kinh hoạch định sức mạnh sâu xuống trái tim hàng hải của Đông Nam Á.
Giới chức hải quân phương Tây và châu Á tin rằng, Trung Quốc sẽ cảm thấy dễ dàng tìm cách giới hạn cả giao thông trên biển và trên không qua khu vực này, một khi các hòn đảo nhân tạo nước này dựng lên hoàn tất.
Công ước Liên Hợp Quốc về luật biển không cho phép những hòn đảo được bồi đắp được hưởng vùng lãnh hải 12 hải lý, nhưng một số quan chức e ngại rằng, Trung Quốc sẽ không e ngại văn kiện này, và sẽ tìm mọi cách ngăn cản hải quân các nước khác đi qua vùng biển này.
Theo Dân Trí