Thứ Ba (25/8), Trung Quốc chính thức tiết lộ danh sách 30 thượng khách sẽ đến Bắc Kinh dự lễ kỷ niệm 70 năm ngày kết thúc Chiến tranh Thế giới II. Theo danh sách, hầu hết các lãnh đạo của Phương Tây đều từ chối lời mời, ở châu Á, có sự hiện diện của Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye, trong khi Kim Jong Un của Bắc Triều Tiên, đồng minh chí cốt của Trung Quốc lại vắng mặt.
Trong danh sách bằng tiếng Hoa được Tân Hoa Xã công bố, nhân vật duy nhất có tầm cỡ thế giới là Tổng thống Nga Vladimir Putin, đã từng xác nhận sẽ đến Bắc Kinh dự lễ từ lâu. Về các lãnh đạo châu Á, khách mời đáng chú ý nhất có lẽ là nữ Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye, chỉ mới đây thôi, được cho là còn cân nhắc quyết định đến Bắc Kinh dự lễ.
Giới quan sát đặc biệt ghi nhận một sự đảo ngược của lịch sử. Trên bán đảo Triều Tiên, kẻ thù cũ của Trung Quốc trong cuộc chiến tranh Triều Tiên là Hàn Quốc, lại thân thiện với Bắc Kinh, trong lúc đồng minh thân thiết và bạn chiến đấu khi xưa là Bắc Triều Tiên lại tỏ vẻ lạnh nhạt: Lãnh đạo chế độ Bình Nhưỡng Kim Jong Un sẽ không đến Bắc Kinh, mà cử người thân tín đi thay là Choe Ryon Hae, Bí thư Đảng Lao động Triều Tiên.
Một chi tiết thứ hai là trong danh sách chỉ có lãnh đạo 5 nước Đông Nam Á đó là: Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang, Quốc vương Cam Bốt Sihamoni, Tổng bí thư Đảng Nhân dân Cách mạng Lào Choumaly Sayasone, Tổng thống Miến Điện Thein Sein, và Phó Chủ tịch tập đoàn quân sự Thái Lan Prawit Wongsuwan.
Sự vắng mặt của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe trong lễ duyệt binh sắp tới cũng thu hút sự chú ý của dư luận trong những ngày qua. Ngoài ra, Nhật Bản cũng không cử quan chức đương nhiệm nào khác, thay vào đó, cựu Thủ tướng Tomiichi Murayama, người từng có lời xin lỗi lịch sử về những hành động của quân đội Nhật Bản trong Chiến tranh Thế giới II, sẽ tới Bắc Kinh với tư cách cá nhân.
Bị các lãnh đạo phương Tây đương nhiệm tẩy chay, Trung Quốc như đã vớt lại bằng việc mời các cựu lãnh đạo. Trong cuộc họp báo tại Bắc Kinh về buổi lễ sắp diễn ra, một thứ trưởng ngoại giao Trung Quốc cho biết là sẽ có ba cựu Thủ tướng đến dự: Cựu Thủ tướng Nhật Tomiichi Murayama, cựu Thủ tướng Anh Tony Blair và cựu Thủ tướng Đức Gerhard Schroeder. Pháp thì đại diện sẽ là Ngoại trưởng Laurent Fabius, còn Hoa Kỳ thì chỉ cử đại sứ của mình tại Bắc Kinh dự lễ.
Về danh sách trên, ông Zhang Ming, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quố cho biết: “Các quốc gia sẽ quyết định cử ai. Còn nói như người xưa: Ai đến cũng đều là khách. Chúng tôi hoan nghênh tất cả các nguyên thủ và quan chức nước ngoài”.
Trong khi đó, bình luận về sự vắng mặt của các nhà lãnh đạo phương Tây, giới phân tích cho rằng có những ý kiến lo ngại về mục đích của sự kiện. Dù Thứ trưởng Zhang tuyên bố lễ duyệt binh sắp tới không nhằm vào Nhật Bản, nhưng truyền thông Trung Quốc thời gian qua liên tục nhắc tới lễ duyệt binh kỷ niệm “cuộc kháng chiến của nhân dân Trung Quốc chống lại sự xâm lược của Nhật Bản và chủ nghĩa Phát xít trên toàn thế giới”.
Cũng theo Tân Hoa Xã hôm 25/8 hơn 10.000 người lính, gần 500 chiếc xe quân sự và gần 200 máy bay đã tham gia cuộc tập dượt cho lễ duyệt binh chính thức, dự kiến được tổ chức trong ngày 3/9 ở quảng trường Thiên An Môn.
Theo vi.rfi.fr