Việc Trung Quốc thách thức sự thống trị của Hoa Kỳ trong thương mại và tài chính toàn cầu có thể liên quan đến rất nhiều vàng.
Dù không còn được sử dụng để chống lưng cho tiền giấy, vàng vẫn là lợi thế lớn của Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ (FED) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB). Tuy nhiên vào năm 2010, Trung Quốc trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, đã đẩy mạnh các nỗ lực trong việc khiến đồng NDT trở thành đối thủ cạnh tranh trực tiếp với đồng USD.
Điều đó dẫn đến suy đoán, Trung Quốc đã dự trữ vàng như một phần của kế hoạch đa dạng hóa 3.700 tỷ USD trong nguồn dự trữ ngoại tệ. Dựa trên số liệu thương mại, sản lượng nội địa và số liệu từ Hiệp hội Vàng Trung Quốc, Bloomberg cho biết Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) có thể đã tăng gấp 3 lần số lượng dự trữ vàng kể từ tháng 4/2009, với 3.510 tấn vàng các loại. Đó sẽ là kho dự trữ lớn thứ 2 thế giới, chỉ sau Hoa Kỳ với 8.133,5 tấn.
Bart Melek, người phụ trách chiến lược hàng hóa tại TD Securities, Toronto, cho biết: “Nếu muốn thiết lập một đồng tiền dự trữ, bạn muốn sở hữu tài sản hơn là các loại tiền tệ khác trong bảng cân đối tài sản. Và vàng chắc chắn được xem như là cách lưu trữ giá trị khả thi đối với một thế lực toàn cầu đầy triển vọng“.
Trung Quốc có thể đang chuẩn bị công bố giá trị tài sản cập nhật trước sức ép từ các nhà hoạch định chính sách nhằm đưa NDT vào giỏ tiền tệ của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), được gọi là Quyền rút vốn đặc biệt, trong đó bao gồm USD, EUR, yen Nhật và bảng Anh.
Trung Quốc là nước sản xuất vàng lớn nhất thế giới, chỉ đứng sau Ấn Độ về sản lượng tiêu thụ vàng trong năm 2014. Tuy nhiên, theo báo cáo gần nhất năm 2009, lượng vàng PBOC nắm giữ chỉ chiếm 1% của nguồn dự trữ ngoại tệ. Nguồn dự trữ ngoại tệ của nước này, phần lớn là USD, đã tăng hơn gấp 5 lần trong thập niên qua, giúp Trung Quốc trở thành quốc gia dự trữ ngoại tệ lớn nhất thế giới.
Nathan Chow, nhà kinh tế thuộc chi nhánh DBS Group Holdings Ltd. tại Hồng Công, cho rằng việc bổ sung vàng và các tài sản khác sẽ giảm bớt sự phụ thuộc của Trung Quốc vào USD.
Tuy nhiên, Trung Quốc rất ít tiết lộ về kho báu của mình, do đó những người giao dịch vàng đang rất quan tâm tìm ra tài sản PBOC sở hữu.
Suki Cooper, người phụ trách các mặt hàng cơ bản tại Barclays Plc New York, cho rằng việc xác nhận số lượng tài sản lớn hơn công bố có thể là tín hiệu cho thấy tầm quan trọng của vàng như một tài sản dự trữ và kích thích tâm lý thị trường, Việc mua vàng tại thời điểm mức giá suy giảm có thể là một hoạt động bổ trợ.
Tuy nhiên, trong một bình luận hiếm hoi về vàng vào tháng 3/2013, Yi Gang, Phó Thống đốc PBOC, cho biết nước này chỉ có thể đầu tư nhiều nhất 2% dự trữ ngoại tệ vào vàng bởi thị trường quá nhỏ. Trong khi Văn phòng Báo chí của PBOC ở Bắc Kinh không hề có phản hồi nào liên quan đến vấn đề này.
Nhiều chuyên gia cho rằng còn dư địa để Trung Quốc mua vàng, bởi lẽ sở hữu 4-10% các tài sản bằng vàng là lý tưởng đối với các ngân hàng trung ương. Warren Hogan, nhà kinh tế trưởng tại Australia & New Zealand Banking Group Ltd ở Sydney, cho biết PBOC đã có thể nắm giữ ít nhất 3.000 tấn vàng.
Còn Kenneth Hoffman, một nhà phân tích kim loại và hầm mỏ của Bloomberg Intelligence, cho rằng: “Trong suốt lịch sử Trung Quốc, vàng luôn luôn là một cách để biểu thị cho quyền lực. Họ đang nghĩ về việc làm thế nào để cho NDT có giá trị hơn trên thị trường quốc tế. Do đó, đây có thể là lý do giải thích cho việc họ đang mua rất nhiều vàng”.
Theo Cafef