Trong khi nhiều người và các chuyên gia y tế hy vọng rằng, Covid-19 có thể sớm được ngăn chặn thì Trung Quốc vẫn luôn đối mặt với cuộc chiến dài hơn với một căn bệnh được dự đoán là sẽ lấy đi thêm nhiều sinh mệnh hơn nữa trong tương lai: bệnh tiểu đường.
Năm 2017, ước tính Trung Quốc có khoảng 114 triệu bệnh nhân tiểu đường – chiếm hơn 1/4 tổng số ca bệnh trên toàn thế giới – theo Tổ chức Tiểu đường Quốc tế (IDF). Đến năm 2045, con số dự kiến sẽ đạt tới ngưỡng 183 triệu bệnh nhân.
Bệnh tiểu đường là gì?
Bệnh tiểu đường là căn bệnh xảy ra khi lượng đường trong máu [và nước tiểu] trở nên quá cao.
Khi thức ăn vào cơ thể, hệ tiêu hóa sẽ phá vỡ và chuyển hóa thức ăn thành rất nhiều loại chất dinh dưỡng cho cơ thể, trong đó có Glucose rồi đưa vào máu. Tiếp đến nội tiết tố Insulin do tuyến tụy tiết ra có tác dụng đưa Glucose vào tế bào và được tế bào chuyển hóa thành năng lượng.
[Vì một lý do nào đó mà lượng Insulin tiết ra không đầy đủ hoặc tế bào không phản ứng với Insulin khiến cho Glucose không thể đi vào tế bào, tồn đọng trong máu và được thải ra 1 phần qua nước tiểu, dẫn tới bệnh tiểu đường].
Bệnh tiểu đường có thể gây ra rất nhiều biến chứng, trong đó đáng chú ý là đột quỵ và bệnh tim mạch. Đài truyền hình nhà nước CGTN đưa tin, năm 2017 đã có 843.000 người chết vì biến chứng của tiểu đường tại Trung Quốc.
Vì sao Tiểu đường lại khá phổ biến ở Trung Quốc?
Bệnh tiểu đường một phần có thể được di truyền, còn lại đa số là xuất phát từ lối sống kém lành mạnh như chế độ ăn nhiều chất béo, đường hóa học dẫn đến dư thừa calo và cholesterol, ít vận động thể chất, béo phì…, theo IDF.
Tiểu đường có 2 loại phổ biến. Loại thứ nhất là bệnh di truyền, xảy ra khi cơ thể mất đi khả năng sản xuất ra nội tiết tố Insulin. Trong khi loại thứ hai là bệnh mắc phải do tuyến tụy [suy giảm chức năng] không sản xuất đủ Insulin hoặc cơ thể không phản ứng hiệu quả với insulin.
Một vấn đề khác ở Trung Quốc đó là số bệnh nhân biết mình mắc bệnh tiểu đường không cao. Trong khi tỷ lệ bệnh nhân tiểu đường được chẩn đoán trên thế giới là khoảng 50%, thì tại Trung Quốc tỷ lệ bệnh nhân biết mình mắc tiểu đường chỉ là 39%.
Khoảng 95% bệnh nhân tiểu đường thuộc loại 2, theo Tiến sĩ Li Chen, Giám đốc Điều hành của công ty dược phẩm Trung Quốc Hua Medicine.
Người ta cho rằng “dịch bệnh” tiểu đường ngày càng gia tăng ở Trung Quốc có liên quan chặt chẽ tới sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của của quốc gia này trong vài thập kỷ qua.
Chen cũng nói thêm rằng tỷ lệ chẩn đoán thấp cũng là một vấn đề lớn. 39% tại Trung Quốc so với thế giới là 50%.
Tiểu đường được điều trị như thế nào tại Trung Quốc?
Đầu tiên cần giải quyết vấn đề về nhận thức, đảm bảo cho người dân có hiểu biết về căn bệnh và ảnh hưởng của nó đối với cuộc sống thường ngày, Tiến sĩ Chen nói.
Số lượng lớn bệnh nhân ở Trung Quốc đã tạo ra một thị trường rộng rãi cho chiến dịch chống tiểu đường ở nước này. Năm 2018, tổng chi phí y tế liên quan đến bệnh tiểu đường của Trung Quốc đạt 57,3 tỷ nhân dân tệ (8,25 tỷ USD), theo báo cáo của Hua Medicine.
Ước tính năm 2028 con số này sẽ tăng gấp 3 lần, đạt mốc 171,9 tỷ nhân dân tệ.
Bệnh tiểu đường hiện vẫn là một căn bệnh nan y và tốn kém, nhiều bệnh nhân chỉ có thể dựa vào việc theo dõi lượng đường trong máu thường xuyên và duy trì uống thuốc để giảm nguy cơ biến chứng.
Jia Weiping, Giám đốc Trung tâm Lâm sàng Bệnh tiểu đường Thượng Hải cho biết, các thuốc phổ biến được lựa chọn có thể cải thiện độ nhạy hoặc khả năng phản ứng của tế bào đối với insulin, giúp điều chỉnh đường máu và hạn chế sự hấp thu đường từ bữa ăn. Tuy nhiên, các phương pháp điều trị hiện tại không thể hoàn toàn trị khỏi bệnh, vì chúng không thể khôi phục khả năng tự điều chỉnh đường máu của cơ thể.
Khoa học công nghệ có thể giải quyết được vấn đề?
Để tìm ra phương pháp điều trị tiểu đường, chính phủ và các công ty trên khắp thế giới đã đầu tư hàng tỷ đô la để tìm hiểu nguồn gốc bệnh để phát triển thêm các loại thuốc mới.
Một nhóm các nhà nghiên cứu từ đại học England và Birmingham đã công bố một nghiên cứu vào tháng 1, cho thấy họ đã thu được những hình ảnh độ nét cao của protein thụ thể trong các tế bào kích thích tụy sản xuất nhiều insulin hơn. Nghiên cứu cũng chỉ ra cách nó phản ứng với các phân tử tín hiệu hóa học chuyên biệt.
Julian Broichhagen, đồng tác giả của nghiên cứu cho biết, nghiên cứu còn cho phép các nhà khoa học hiểu được vấn đề mà tế bào tụy gặp phải trong quá trình sản xuất Insulin dẫn tới bệnh tiểu đường. Những phát hiện mới có thể cho phép các nhà khoa học phát triển thêm phương pháp điều trị hiệu quả.
Tiến sĩ Chen là người đã tham gia phát triển thuốc trị tiểu đường từ những năm 1990, ông tin rằng khoa học đang tiến gần đến việc tìm ra một bước đột phá trong điều trị.
“Chúng ta có những công nghệ mới đang phát triển, giống như việc cấy ghép [công nghệ cao] cho tuyến tụy và phương pháp tế bào gốc”, ông nói.
Chen cho biết trên thế giới đã có thể phát triển một tuyến tụy nhân tạo với bơm Insulin, và hệ thống cảm biến để theo dõi liên tục lượng đường trong máu và cung cấp insulin ngay khi cần thiết. Các loại thuốc mới giúp khôi phục cân bằng nội môi Glucose (trạng thái tương đối ổn định) cũng đang được phát triển.
“Để giải quyết bệnh tiểu đường, chúng ta nên điều trị theo theo hướng đó và thay đổi lối sống của mình bằng cách áp dụng chế độ ăn uống lành mạnh, và tăng cường các bài tập thể dục cũng như thời gian chúng ta ngủ mỗi đêm”, Chen chia sẻ.
Tuy nhiên, công nghệ không phải là giải pháp duy nhất cho “dịch bệnh” tiểu đường ngày càng gia tăng ở Trung Quốc, sự thiếu nhận thức chung là lý do chính đằng sau sự gia tăng mạnh mẽ số người mắc bệnh.
“Chúng ta nên điều chỉnh nhận thức và thay đổi hành vi”, Tiến sĩ Chen nói. Các nhân viên y tế nên có trách nhiệm phổ biến đến công chúng về căn bệnh này, cũng như những tác động tiêu cực của nó với sức khỏe. Đưa ra những biện pháp giúp chủ động phòng ngừa, chẳng hạn như kiểm soát cân nặng.
Hoàng An (Theo SMCP)