Tinh Hoa

Trung Quốc cho rằng Hải quân Việt nam theo thế trận tác chiến phòng thủ biển liên hoàn.

Ngoài những ý kiến hằn học, giới chuyên gia quân sự Trung Quốc đã đánh giá khá nghiêm túc về sức mạnh của hải quân Việt Nam. Duyệt binh của hải quân Việt Nam thành tin “hot” của truyền thông Trung Quốc

Sáng ngày 2 tháng 5, buổi lễ kỷ niệm 60 năm thành lập Hải quân Việt Nam đã được tổ chức ở quân cảng Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa. Cuộc mít tinh và duyệt binh này đã thu hút sự chú ý của truyền thông thế giới, đặc biệt là phía Trung Quốc…

Lực lượng diễu binh trên biển của hải quân Việt Nam

Đây là Lễ diễu binh hải quân quy mô lớn hiếm có trong những năm gần đây của Việt Nam. Tại Lễ diễu binh, ngoài các khối quân nhân của các binh chủng thuộc quân chủng hải quân Việt Nam, rất nhiều loại vũ khí tiên tiến đã được huy động, trong đó, nhiều loại lần đầu tiên xuất hiện.

Lực lượng diễu binh trên biển của hải quân Việt Nam

Thu hút sự chú ý là 3 tàu ngầm lớp Varshavyanka do Nga chế tạo (NATO gọi là Kilo) đã được biên chế cho Hải quân Việt Nam, lần đầu tiên xuất hiện tập thể trong Lễ diễu binh trên biển. Mối quan tâm về tàu ngầm của Hải quân Việt Nam cũng được truyền thông Trung Quốc liên tục đề cập trong thời gian qua.

Đội hình diễu binh trên biển của tàu ngầm Kilo Việt Nam

Bỏ qua những ý kiến hằn học kiểu như “hải quân Việt Nam diễu võ giương oai”, giới phân tích và chuyên gia quân sự Trung Quốc có những cái nhìn và đánh giá khá nghiêm túc về hải quân Việt Nam. Trong đó, có thể bao quát lại thành 5 ý chính sau:

Thứ nhất: Hải quân Việt Nam được đầu tư mạnh, tiến thẳng lên hiện đại

Hầu hết các báo giấy và báo điện tử Trung Quốc đều thống nhất nhận định, hải quân Việt Nam đang được đầu tư mạnh mẽ để xây dựng lực lượng hải quân “tiến thẳng lên hiện đại”, phát triển toàn diện cả về cơ cấu lực lượng lẫn trang bị, vũ khí.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trao tặng và gắn danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân lên quân kỳ Quyết thắng của Quân chủng Hải quân

Hầu hết báo chí Trung Quốc đều trích dẫn phát biểu trong buổi lễ của Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang, yêu cầu Hải quân Việt Nam “phát huy cao độ ý chí tự lực, tự cường, xây dựng hải quân nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ”, theo định hướng “tiến thẳng lên hiện đại’.

Kể từ năm 2010 đến nay, Việt Nam đã liên tiếp mua sắm các phương tiện chiến đấu hiện đại, bao gồm cả tàu nổi, tàu ngầm, máy bay tuần tiễu, tên lửa bờ đối hạm…, của cả đối tác truyền thống là Nga lẫn các nước phương Tây nhằm nâng cao cấp tốc sức mạnh bảo vệ chủ quyền trên biển.

Đầu tư cho hải quân là một việc hết sức bình thường đối với 1 quốc gia có biển, nhất là đường bờ biển dài như Việt Nam.

Lực lượng hải quân đánh bộ Việt Nam

Ngân sách quốc phòng hàng năm của Trung Quốc gấp vài chục lần Việt Nam, mỗi năm họ tăng cường cho hải quân vài chục tàu mặt nước và tàu ngầm nhưng mỗi khi các nước khác đầu tư ít ỏi cho hải quân thì Bắc Kinh lại luôn săm soi và luôn quan ngại chuyện “nước nhỏ uy hiếp nước lớn”.

Thứ 2: Hải quân Việt Nam vẫn mang tính chất của một lực lượng phòng ngự

Có thể nhận thấy điều này là đúng bởi chiến lược quân sự của quân đội nhân dân Việt Nam là thiên về phòng thủ, bảo vệ Tổ quốc, Hải quân Nhân dân Việt Nam là một bộ phận cấu thành quân Quân đội nên việc mang tính chất này là điều tất nhiên.

Tàu hộ vệ Project 159A lớp Petya của hải quân Việt Nam

Có thể nhìn thấy rõ điều này trong kế hoạch mua sắm vũ khí trang bị hải quân mang tính chất phòng thủ. Trong những năm qua, Việt Nam đã mua các hệ thống vũ khí bờ đối hạm, hệ thống pháo phản lực phóng loạt, tàu hộ vệ hạng trung, tàu cao tốc tên lửa nhằm mục đích bảo vệ chủ quyền lãnh hải và dải bờ biển rất dài của mình.

Có thể nói rằng, hiện hải quân Việt Nam không có loại trang bị nào mang tính chất hoạt động hay tấn công tầm xa. Tất cả các trang bị được mua sắm đều có kích thước nhỏ, phạm vi hoạt động gần bờ, có tính linh hoạt cao, phù hợp với tư duy tác chiến phòng thủ chủ động và linh hoạt.

Quan khách chào đoàn diễu hành trên bộ đi qua lễ đài

Trong quy hoạch tổng thể đó, ngay cả loại vũ khí có khả năng tấn công rất mạnh là tàu ngầm Kilo cũng được mua về với mục đích phục vụ chiến lược phòng ngự chủ động, tức là sẵn sàng đập tan những ý đồ xâm phạm chủ quyền lãnh hải của đất nước chứ không phải là chủ động tấn công hay đe dọa uy hiếp các quốc gia láng giềng.

Thứ 3: Là lực lượng đáng gờm nhất trong số các đối thủ của Trung Quốc

Truyền thông Trung Quốc cho rằng, hải quân Việt Nam hiện là lực lượng tác chiến biển mạnh nhất trong khu vực, bởi Việt Nam hiện đã xây dựng cơ cấu lực lượng hải quân một cách toàn diện, có quy hoạch theo một thế trận tác chiến phòng thủ biển liên hoàn.

Hệ thống pháo phản lực phóng loạt EXTRA của lực lượng phòng thủ đảo

Từ năm 2010, Hải quân được đầu tư tiến thẳng lên hiện đại, đến nay đã có đủ 5 thành phần lực lượng: Tàu mặt nước, tàu ngầm; lực lượng bảo vệ bờ biển; Không quân Hải quân; Hải quân đánh bộ, Đặc công Hải quân và lực lượng Phòng thủ đảo.

Truyền thông Trung Quốc đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của 6 tàu ngầm Kilo cải tiến thế hệ mới và tàu tên lửa, đồng thời khẳng định chúng sẽ đóng vai trò quyết định trong chiến lược bảo vệ biển đảo của Việt Nam.

Đạn tên lửa trên tàu ngầm Kilo

Nắm ưu thế về khả năng “tàng hình dưới đáy biển”, những tàu ngầm Kilo với khả năng chống ngầm/chống hạm/tấn công mặt đất mạnh mẽ sẽ là đón đánh bất ngờ từ dưới đáy biển, phá vỡ thế trận tiến công của đối thủ, bằng cách tấn công các chiến hạm hạng nặng, triệt hạ các căn cứ quân sự, điểm tập trung binh lực của đối phương.

Còn các tàu tên lửa với số lượng đông, hỏa lực mạnh, tốc độ cao sẽ là những mũi tiến công bất ngờ, xé nát các cụm tàu nổi, hạ thủ các tàu chỉ huy hoặc tàu sân bay, phá vỡ thế tấn công của biên đội tàu chiến địch. Những tàu tên lửa này sẽ càng lợi hại khi có sự phối hợp với không quân.

Thủy phi cơ DHC-6 Twin Otter series 400

Ngoài ra, Việt Nam đang tăng cường các loại trang bị tuần tiễu trinh sát, với hàng loạt loại máy bay tuần tiễu, trinh sát trên biển là CASA C-212 từ Tây Ban Nha, PZL M28B Bryza của Ba Lan và thủy phi cơ DHC-6 Twin Otter series 400 của Tập đoàn Viking Air Canada.

Ngoài ra, có thông tin cho rằng Việt Nam đang có ý định mua máy bay chỉ huy – cảnh báo sớm trên không (AEW&C) EADS CASA C-295 và máy bay tuần tiễu chống ngầm cánh cố định P-3C Orion của Mỹ. Nếu được trang bị thêm 2 loại máy bay này, khả năng trinh sát-phát hiện, chỉ huy-cảnh báo sớm trên không của Việt Nam sẽ rất mạnh.

Tên lửa bờ đối hạm P-15 Termit

Điểm đặc biệt nữa là tuy lực lượng không quân của hải quân Việt Nam không đủ mạnh nhưng bù lại, Việt Nam đã đầu tư xây dựng một lực lượng không quân có khả năng tác chiến biển khá mạnh với những tiêm kích có khả năng đánh biển như Su-30, Su-27, Su-22…

Đây là lực mũi nhọn, con át chủ bài trong chiến lược bảo vệ biển đảo của Việt Nam. Với phạm vi hoạt động xa, hỏa lực mạnh lại quen thuộc chiến trường đảm nhận nhiệm vụ, có thể nói rằng lực lượng không quân Việt Nam sẽ đóng vai trò hỗ trợ rất lớn cho lực lượng hải quân.

Xe tăng lội nước hạng nhẹ PT-76 của lực lượng hải quân đánh bộ

Mặc dù đánh giá cao thực lực hải quân Việt Nam so với các quốc gia đông nam Á khác, nhưng tất cả giới quân sự và truyền thông Trung Quốc đều thống nhất cho rằng, hải quân Việt Nam còn kém quá xa so với hải quân nước này. Vấn đề này chúng ta sẽ được tìm hiểu trong kỳ sau.

Huy Viễn(th)

Theo Tamnhin.net