Reuters hôm 2/12 cho biết, Trung Quốc đã cấm tàu và máy bay quân sự Mỹ thăm Hồng Kông, đồng thời cũng đặt lệnh trừng phạt lên các tổ chức phi chính phủ Hoa Kỳ. Bắc kinh cáo buộc các tổ chức này âm mưu kích động người biểu tình dùng bạo lực để chống chính phủ.
Các biện pháp trên của Trung Quốc là động thái đáp trả việc Mỹ thông qua đạo luật ủng hộ cuộc biểu tình đã làm rung chuyển trung tâm tài chính châu Á trong 6 tháng qua. Trung Quốc cũng thông báo khước từ vô thời hạn các chuyến thăm quân sự của Hoa Kỳ, và cảnh báo những hành động tiếp theo sẽ xảy đến.
“Chúng tôi kêu gọi Hoa Kỳ sửa chữa sai lầm và ngưng can thiệp vào công việc nội bộ của chúng tôi. Trung Quốc sẽ có bước tiếp theo nếu cần thiết để giữ gìn sự ổn định và thịnh vượng của Hồng Kông cũng như chủ quyền của Trung Quốc,” phát ngôn viên bộ ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh phát biểu trong một buổi họp báo tại Bắc Kinh.
Tuần trước, Trung Quốc cũng cam đoan sẽ dùng “các biện pháp đáp trả mạnh mẽ” sau khi Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump ký thông qua Đạo luật Nhân quyền và Dân chủ Hồng Kông, ủng hộ những người biểu tình chống chính phủ và đe dọa trừng phạt những quan chức Trung Quốc vi phạm nhân quyền.
Theo thông lệ, tàu hải quân Hoa Kỳ thường ghé thăm Hồng Kông hàng năm. Đây là một truyền thống mang tính giải trí có từ thời Hồng Kông còn là thuộc địa của Anh và vẫn tiếp tục diễn ra sau khi thành phố được trả lại cho Trung Quốc vào năm 1997.
“Chúng tôi có cả một hồ sơ dài về các chuyến thăm thành công tốt đẹp tới Hồng Kông và chúng tôi hy vọng điều đó sẽ tiếp tục diễn ra”, một quan chức Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, xin được giấu tên, cho biết.
“Các cáo buộc sai trái về sự can thiệp của nước ngoài” đi ngược với tôn chỉ của các tổ chức phi chính phủ Hoa Kỳ. Các cáo buộc này thực chất “nhằm đánh lạc hướng người dân Hồng Kông khỏi những lo ngại chính đáng của họ”, quan chức này nói thêm.
Phát ngôn viên Lầu Năm Góc, Trung tá Dave Eastburn cho biết, chuyến viếng thăm cảng đến Hồng Kông và các nơi khác trên thế giới là một chương trình hữu ích mang lại sự tự do cho các thủy thủ và thắt chặt mối quan hệ giữa người với người.
“Đối với các cuộc biểu tình đang diễn ra, chúng tôi lên án việc sử dụng vũ lực một cách vô lý và kêu gọi tất cả các bên kiềm chế bạo lực, đồng thời tham gia một cuộc đối thoại mang tính xây dựng,” ông Eastburn nói trong một tuyên bố.
Một quan chức quốc phòng Hoa Kỳ khác cho biết động thái của Trung Quốc sẽ không gây tác động gì đến các hoạt động quân sự của Hoa Kỳ.
Trước đó, một số chuyến thăm quân sự cũng từng bị từ chối trong các bối cảnh căng thẳng lớn hơn, chẳng hạn 2 tàu quân sự của Hoa Kỳ đã bị từ chối cập bến Hồng Kông hồi tháng 8/2018.
Bên cạnh đó, các tổ chức phi chính phủ nước ngoài đều bị hạn chế rất nhiều khi hoạt động tại đại lục. Chính quyền Bắc kinh từng chỉ trích gay gắt các tổ chức này dám báo cáo “không đẹp” về tình trạng nhân quyền tại Trung Quốc, bao gồm báo cáo việc Bắc Kinh giam giữ hơn 1 triệu người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.
Các tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại Hoa Kỳ mà Bắc Kinh nhắm đến bao gồm Tổ chức Dân chủ Quốc gia, Viện Dân chủ Quốc tế, Viện Cộng hòa Quốc tế, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền và tổ chức Freedom House.
Ngoài ra, theo nhận định của một số nhà phân tích, tranh chấp trong vấn đề Hồng Kông có thể ảnh hưởng đến những nỗ lực đi đến thỏa thuận thương mại sơ bộ của cả Bắc Kinh và Washington, thậm chí có thể làm leo thang cuộc thương chiến vốn kéo dài giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Thiện Thành (Theo Reuters)