Tinh Hoa

TQ: Các ông lớn AI sẽ nhận “hậu quả” nếu không đồng ý thành lập Đảng ủy trong nội bộ

Hiện tại, Trung Quốc đang theo đuổi những đổi mới bản địa, việc bành trướng sự hiện diện của ĐCSTQ trong các công ty công nghệ, được cho là sẽ thúc đẩy “tư tưởng Tập Cận Bình”. Điều này làm dấy lên lo ngại rằng, ý đồ muốn thao túng thế giới của chính quyền Trung Quốc đang ngày càng lộ rõ.

Nhiều chuyên gia nhận định “Tư tưởng Tập Cận Bình” là con đường không lối thoát của ĐCSTQ. (Ảnh tổng hợp)

Trong khi Trung Quốc tìm cách xác nhập sâu hơn sự phát triển công nghệ giữa hai mảng quốc phòng và thương mại, thì con đường hợp tác với các khu thương mại công nghệ cao của Bộ Quốc phòng Mỹ dường như đang gặp khó khăn.

Google đã phải đối mặt với phản ứng trái chiều dữ dội, trước dự định hợp tác với Lầu Năm Góc, cuối cùng quyết định không ký hợp đồng với lý do xung đột nguyên tắc đạo đức của hãng, mặc dù các điều khoản trong hợp đồng đều phù hợp với các quy chuẩn đạo đức mà ông lớn công nghệ này công bố. 

Bàn tay đứng phía sau các ông lớn công nghệ là ai?

Các chuyên gia cho rằng, các “nguyên tắc đạo đức” của Google là do “ĐCSTQ đặt ra”. Khi yếu tố đạo đức xung đột với cạnh tranh có chiến lược trong mảng trí tuệ nhân tạo, Hoa Kỳ dường như sẽ rơi vào thế bất lợi.

Trái ngược với sự từ chối hợp tác của các ông lớn công nghệ cao tại Hoa Kỳ, chính quyền Trung Quốc đang đẩy mạnh chiến lược quốc gia “hợp nhất quân sự-dân sự”.

Họ đang tập trung vào việc tạo, và tìm cách để áp dụng các loại hình công nghệ vào cả hai lĩnh vực dân sự và quân sự, chiêu mộ các công ty công nghệ và trường đại học, bao gồm cả ông lớn công nghệ Baidu và Đại học Thanh Hoa, nhằm thúc đẩy công tác ứng dụng quân sự của họ. 

Dường như chính quyền Trung Quốc đang giành lợi thế khi là thế lực đứng đầu, có quyền chỉ huy trong lĩnh vực công nghệ. Nhưng hệ thống của Trung Quốc vẫn còn những điểm yếu nghiêm trọng, và hệ thống của Hoa Kỳ cũng sẽ có những điểm mạnh không ngờ tới.

Những tranh cãi gần đây đã phản ánh bản chất quốc tế của Google. Tuy có trụ sở chính đặt tại Hoa Kỳ, nhưng nhân viên của Google lại đến từ nhiều quốc gia khác nhau, và số lượng các quốc gia này ngày càng tăng. Google đã thành lập các trung tâm nghiên cứu trí tuệ nhân tạo (AI) tại Paris, New York và Tokyo. 

Năm 2019, Google cũng mở thêm một trung tâm tại Bắc Kinh. Ngoài ra, họ còn dự kiến sẽ mở thêm một trung tâm nữa tại thủ đô Accra, Ghana. Xét trong bối cảnh hiện tại, đặc biệt trong công tác tìm kiếm các nhân tài về AI, thì động thái quốc tế kể trên là một sức mạnh và lợi thế cạnh tranh độc đáo, nhưng lại làm phức tạp thêm những nhận định cho rằng Google nên hỗ trợ quân đội Hoa Kỳ, và đặt ưu tiên hàng đầu cho lợi ích an ninh quốc gia của Hoa Kỳ thay vì chính quyền Trung Quốc.

Có thông tin cho rằng, Google đang bí mật phát triển một công cụ tìm kiếm đặc biệt, dự kiến sẽ được ra mắt tại Trung Quốc. Điều này rất có thể sẽ vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ chính đội ngũ nhân lực tại công ty. Công cụ này chấp nhận tuân thủ các quy định về kiểm duyệt nội dung, và sẽ “kiểm duyệt các vấn đề nhạy cảm”, như những tìm kiếm về các vấn đề nhân quyền và dân chủ.

Có thông tin cho rằng, Google đang bí mật phát triển một công cụ tìm kiếm đặc biệt, dự kiến sẽ được ra mắt tại Trung Quốc. (Ảnh qua WSJ)

Những sự kiện, chiến dịch như thế có thể xảy ra tại Trung Quốc là một điều ít ai nghĩ tới, chưa bàn đến việc nó có thành công hay không. Mặc dù các công ty công nghệ hàng đầu của Trung Quốc đang bắt đầu mang tính toàn cầu trong độ phủ, lực lượng lao động và các hoạt động của họ, nhưng ĐCSTQ vẫn nắm quyền kiểm soát và quản lý những công ty này. 

Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đã khẳng định đảng “lãnh đạo mọi thứ”. Khẳng định này như một dấu hiệu cho sự tái xuất của chính quyền thời Mao Trạch Đông. ĐCSTQ đã vươn vòi bạch tuộc kiểm soát đến các công ty công nghệ lớn. Đa số các công ty công nghệ này, bao gồm cả ba ông lớn công nghệ Trung Quốc: Baidu, Alibaba và Tencent đều có bí thư đảng, những người đại diện cho quyền lợi và quyền lực của ĐCSTQ nằm bên trong.

Chính quyền Trung Quốc đang luôn tìm cách, đưa lãnh đạo của các công ty công nghệ vào cơ cấu của chính đảng, bao gồm thông qua việc đưa họ vào các tổ chức của Ban Công tác Mặt trận Thống nhất, như Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc.

Đầu năm 2020, trong một khoảnh khắc lỡ lời, CEO của Sogou – một công ty công nghệ nổi tiếng với công cụ tìm kiếm và những loại hình công nghệ nhận diện giọng nói, đã tuyên bố: “Chúng ta đang bước vào một kỷ nguyên mà mọi người sẽ được hợp nhất với nhau. Khả năng sẽ có yêu cầu thành lập Đảng ủy trong công ty của các vị, hoặc là các vị cần cho phép các nhà đầu tư nhà nước góp vốn cổ phần như một hình thức sở hữu hỗn hợp. Nếu cân nhắc kỹ về điều này, các vị thực sự có thể cùng nhà nước tiến xa hơn. Các vị có thể nhận được nhiều sự hỗ trợ. Nhưng nếu bản thân các vị muốn tự lực cánh sinh, tôi nghĩ rằng những lợi ích mà các vị hướng tới đang khác biệt với nhà nước, thì khả năng các vị sẽ thấy rằng mọi thứ còn đau đớn hơn so với trước”, ngay sau đó lời phát biểu này đã bị kiểm duyệt.

Các “nhà vô địch quốc gia” của Trung Quốc, cũng như các công ty khởi nghiệp và doanh nghiệp mới nổi trong lĩnh vực AI, đang ngày càng trở nên gắn bó mật thiết với việc ưu tiên cho Đảng và nhà nước, bao gồm phát triển công tác giám sát. Ví như iFlytek – một công ty công nghệ nổi tiếng với việc tạo ra “Siri của Trung Quốc”, và gần đây có thiết lập quan hệ đối tác với MIT (Học viện Công nghệ Massachusetts), cũng đã tham gia vào việc phát triển công tác giám sát ở Tân Cương, thông qua công nghệ giọng nói thông minh của họ. Có rất nhiều ví dụ về các công ty nhận dạng khuôn mặt trực tiếp hỗ trợ việc trị an, và an ninh công cộng trong một hệ thống mà loại hình công nghệ này thường bị lạm dụng, ví như Yitu Tech và SenseTime.

Cùng thời điểm, khi lực lượng vũ trang Giải phóng quân Nhân dân Trung Quốc theo đuổi một loạt các ứng dụng quân sự của AI, thì các trường đại học và doanh nghiệp hàng đầu cũng đang tích cực hỗ trợ cho công tác phát triển này. 

Đại học Thanh Hoa – thường được gọi là MIT của Trung Quốc, đã cam kết sẽ hỗ trợ chiến lược quốc gia của chính quyền Trung Quốc về kết hợp quân sự-dân sự, bao gồm việc thành lập Phòng thí nghiệm Công nghệ Quốc phòng Đỉnh cao quân sự-dân sự, và xây dựng Phòng thí nghiệm Tình báo Quân sự Cao cấp với sự hỗ trợ từ Quân ủy Trung ương. 

Trong khi đó, Baidu đã hợp tác với một viện nghiên cứu từ Tập đoàn Công nghệ Điện tử Trung Quốc – một tập đoàn công nghiệp quốc phòng thuộc sở hữu nhà nước, để tạo ra Phòng thí nghiệm chung về Công nghệ Chỉ huy và Kiểm soát Thông minh. Phòng thí nghiệm này sẽ tập trung vào việc khai thác dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo và điện toán đám mây để tăng cường hệ thống thông tin chỉ huy quân sự.

Hiện vẫn chưa có bất kỳ cá nhân nào lên tiếng phản đối về việc, các công ty công nghệ Trung Quốc nên phục vụ cho Đảng và nhà nước. Điều này không bất ngờ, bởi chính quyền của Tập Cận Bình đã thẳng tay đàn áp những cá nhân bất đồng chính kiến, và các cuộc tranh luận công khai về chính sách trong thời điểm hiện nay còn bị hạn chế, siết chặt hơn nhiều so với 5 năm trước đây.

Tuy nhiên, những bàn tán về đạo đức AI vẫn xuất hiện tại Trung Quốc. Rất nhiều cuộc tranh luận đã diễn ra, bao gồm các tuyên bố của nhà triết học nổi tiếng Triệu Đinh Dương – người đã phản đối kịch liệt việc phát triển một trí tuệ siêu việt có khả năng “nói không” với con người, hay Chu Chí Hoa – học giả duy nhất từ Trung Quốc ký lá thư kêu gọi tẩy chay một phòng thí nghiệm của Hàn Quốc, được cho là đang nghiên cứu các ứng dụng quân sự áp dụng công nghệ AI; và học giả quân đội Trung Quốc Zhu Qichao – người đã thảo luận về những rủi ro mà công nghệ AI mang tới trong các vấn đề quân sự.

Động thái can thiệp vào vấn đề trên của những người dũng cảm đáng được hoan nghênh. Nhưng chính phủ Trung Quốc rất có thể sẽ tìm cách tận dụng các cuộc tranh luận này, nhằm khẳng định vị thế trung tâm của họ, thúc đẩy cho sự ưu tiên Đảng và nhà nước. Ví như, Kế hoạch Phát triển Trí tuệ Nhân tạo Thế hệ mới kêu gọi Trung Quốc trở thành quốc gia đi “đầu về đạo đức”, tiêu chuẩn AI và quản trị toàn cầu.

Điều đáng nói là ở Trung Quốc, bất kỳ sự huy động nào đều được xem là mối đe dọa tiềm tàng đối với an ninh của ĐCSTQ, cho dù có là của luật sư, nhà nữ quyền hay cựu chiến binh đi chăng nữa, cũng đều có xu hướng bị đàn áp nhanh chóng, thậm chí bị đàn áp một cách tàn bạo. Chính vì vậy, bất kỳ nỗ lực phối hợp nào nhằm chống lại sự giám sát của chính phủ dường như đều không được “dung thứ”. 

Hiện tại tham vọng “dẫn đầu thế giới” về công nghệ AI của Trung Quốc đang ngày một gây căng thẳng, và báo động hơn cũng như khi sự cạnh tranh giữa các cường quốc gia tăng. 

Tuy nhiên, vẫn có rất nhiều ý kiến nghi ngờ về chiến lược của chính quyền Trung Quốc. Cho đến nay, trong cuộc cách mạng AI của Đại lục, các công ty công nghệ đã đạt được những tầm ảnh hưởng quan trọng, và “đội ngũ quốc gia” này sẽ là một phần không thể thiếu trong việc hiện thực hóa tham vọng về AI của Trung Quốc. Nhưng quyền thế mà họ sở hữu bị ĐCSTQ nhìn nhận là một mối nguy, và điều này có thể dẫn đến một số kết cục đau lòng cho những công ty ấy trong tương lai.

Việc ưu tiên quyền kiểm soát của ĐCSTQ có thể dẫn đến mâu thuẫn 

Việc bành trướng sự hiện diện của ĐCSTQ trong các công ty công nghệ, hiện được cho là đang thúc đẩy “tư tưởng Tập Cận Bình”, có thể gây tổn hại đến tính sáng tạo và đổi mới. Khi mối quan hệ của các công ty trong nước và ĐCSTQ và Quân đội Trung Quốc bắt đầu gây ra những lo ngại, thì sự ràng buộc này cũng có thể gây cản trở cho hoạt động của những công ty này ở nước ngoài.

Vì vậy, một số xung đột chính trị nhất định đã diễn ra, khi các chính quyền cấp tỉnh đang tuân thủ theo những ưu tiên của Tập Cận Bình. Số lượng ngày một gia tăng những chính quyền địa phương ban hành các kế hoạch phát triển AI của riêng họ, nhưng điều đó rất có thể không bao giờ thành công mỹ mãn.  

Hoa Kỳ đã đến lúc nên phải nhận ra những lợi thế lâu dài của riêng mình, bao gồm cả sự năng động và tính toàn diện của hệ sinh thái đổi mới. Các yếu tố đạo đức trong công nghệ AI nên nhìn nhận là một bất lợi tiềm ẩn, đối với các giá trị và cuộc sống của nền dân chủ Mỹ.

Trong tương lai, Hoa Kỳ nên tái khẳng định cam kết đảm bảo rằng, các công nghệ AI được phát triển, và phổ biến sao cho phù hợp với các giá trị tự do và dân chủ của đất nước và thế giới. Tuy vẫn còn những hạn chế và thách thức, nhưng chính quyền Hoa Kỳ vẫn có thể hồi sinh nền dân chủ, với vai trò lãnh đạo trong lĩnh vực AI, không phải là Trung Quốc.

Việt Anh