Tinh Hoa

Trung Quốc ca ngợi tên lửa đạn đạo Dongfeng 41, lại lộ bí mật quân sự trọng yếu

Trong đại lễ diễu hành ngày 1/10 tại Trung Quốc, rất nhiều trang thiết bị quân sự “lực lưỡng” đã được phô diễn. Đến thời điểm hiện tại truyền thông Trung Quốc vẫn không ngớt lời ca ngợi đặc tính ưu việt của tên lửa đạn đạo Dongfeng 41 (DF-41). Tuy nhiên, nhiều thông tin gây chú ý đã vô tình tiết lộ bí mật quân sự quan trọng.

Vào hôm diễn ra đại lễ diễu hành ngày 1/10 tại Trung Quốc, rất nhiều trang thiết bị quân sự "lực lưỡng" đã được phô diễn.
Vào hôm diễn ra đại lễ diễu hành ngày 1/10 tại Trung Quốc, rất nhiều trang thiết bị quân sự “lực lưỡng” đã được phô diễn. (Ảnh: Nikkei)

Những thiết bị quân sự được trình diễn trong ngày Quốc khánh Trung Quốc bao gồm 160 khung máy bay chiến đấu, máy bay ném bom, 580 xe tăng và các vũ khí hạng nặng khác. Truyền thông Trung Quốc cho biết, vũ khí chiến lược của Trung Quốc là tên lửa đạn đạo DF-41, với tải trọng 2,5 tấn, có thể mang theo 10 đầu đạn hồi quyển độc lập (MIRV).

“DF-41 là vũ khí chiến lược thế hệ thứ tư của Trung Quốc với tầm bắn xa nhất trong số tên lửa xuyên lục địa hiện có”, chuyên gia công nghệ tên lửa và chiến lược hạt nhân Trung Quốc Yang Chengjun nói.

Nhà bình luận chính trị Hồng Vi trên Epoch Times cho biết, DF-41 thực tế đã được thử nghiệm lần đầu tiên vào năm 2012 và không phải là tên lửa mới.

Trong đại diễu hành năm 2019, DF-41 tiếp tục xuất hiện và được truyền thông nhấn mạnh là “vũ khí chiến lược”. Điều này cho thấy DF-41 có thể được xem là vũ khí tối tân nhất trong kho vũ khí của Trung Quốc.

Nếu DF-41 thật sự là vũ khí tiên tiến, Trung Quốc chắc chắn sẽ cho sản xuất hàng loạt để trang bị cho Binh chủng Tên lửa. Tuy nhiên trong thực tế, truyền thông Trung Quốc vô tình cho biết “ít nhất 36 tên lửa DF-41 sẽ được cung cấp cho 3 lữ đoàn Binh chủng Tên lửa”, đây là tiết lộ bí mật quân sự quan trọng.

Nói cách khác, số lượng tên lửa DF-41 hiện tại vẫn chỉ có 36 thành phẩm. Vào ngày 1/10, 16 tên lửa DF-41 xuất hiện sát cạnh nhau, nhưng có thể khẳng định đó chỉ là vỏ ngụy trang, bởi không tướng lĩnh nào liều mạng vận chuyển vũ khí đạn đạo thật đến Bắc Kinh chỉ để tham gia duyệt binh. Trong khi đó, đại lễ duyệt binh chủ yếu là một nhiệm vụ chính trị, cho nên việc sử dụng mô hình vũ khí cũng không gọi là bí mật quan trọng.

Điểm then chốt ở đây là binh chủng tên lửa trên thực tế có thể được trang bị chưa đến 36 hạng mục vũ khí này, thậm chí là triển khai rất hạn chế trên toàn quốc, nên không đáp ứng đủ năng lực chiến đấu.

Ông Hồng Vi phân tích thêm, nếu tên lửa DF-41 vượt qua được các cuộc thử nghiệm toàn diện thì việc sản xuất hàng loạt là điều hợp lý. Theo báo cáo sớm nhất, DF-41 đã được bàn giao cho quân đội vào năm 2010, nhưng phải đến năm 2016, quân đội mới được lắp đặt chính thức.

Đầu năm 2017, CCTV công bố tin cho thấy rất nhiều DF-41 đã được trang bị cho quân đội. Trên thực tế vào tháng 4/2017, Binh chủng Tên lửa Trung Quốc mới chính thức sở hữu tên lửa đạn đạo DF-41 đầu tiên, với 12 tên lửa được triển khai ở vùng Đông Bắc.

Trong đại diễu hành năm 2019, DF-41 tiếp tục xuất hiện và được truyền thông nhấn mạnh là “vũ khí chiến lược”. (Ảnh: The Economic Times)

Từ lần phóng thử đầu tiên vào năm 2012 cho đến năm 2017, tất cả chỉ có 12 lần triển khai tên lửa DF-41. Trong 5 năm đó, DF-41 trải qua 8 lần thử nghiệm để khắc phục nhược điểm và cải tiến liên tục. Vào tháng 5/2018 là lần thử bắn gần đây nhất của DF-41, nhưng hiện vẫn chưa công bố dữ liệu lần bắn thử này.

Theo ông Hồng Vi, trong trường hợp này không loại trừ khả năng DF-41 đã không vượt qua được bài kiểm tra toàn diện, hoặc không giải quyết được các vấn đề kỹ thuật trong quá trình sản xuất hàng loạt. Việc sản xuất hàng loạt tên lửa mới có thể gặp phải vấn đề về thiết bị sản xuất hoặc thiếu hụt linh kiện quan trọng do những hạn chế giao dịch với các nước phương Tây.

16 tên lửa Dongfeng 31 trong đại lễ duyệt binh cũng là giả?

Gần đây, các phương tiện truyền thông Trung Quốc cho biết “Lực lượng chủ chốt trong chiến lược phản công của Trung Quốc là 20 Dongfeng 5, hàng chục Dongfeng 31 và Dongfeng 31A do còn tồn tại các vấn đề về tầm bắn và độ an toàn, nên những đánh giá trước đó của Hoa Kỳ không phải là không hợp lý”.

Ông Hồng Vi cho rằng, những thông tin này cũng tiết lộ bí mật rất quan trọng.

Trong Đại lễ duyệt binh 1/10, ngoài 16 vỏ tên lửa DF-41, thì cũng có 16 tên lửa đạn đạo Dongfeng 31 cũng bị nghi là vỏ ngụy trang. Chính quyền Trung Quốc cũng rất tự hào về sự tiên tiến của tên lửa Dongfeng 31. Tuy nhiên, sau đó các phương tiện truyền thông Trung Quốc cũng đã phải nói thật khi Dongfeng 31 còn tồn tại các vấn đề về “tầm bắn, độ an toàn và những vấn đề khác”, đồng thời thừa nhận những đánh giá tiêu cực của Hoa Kỳ.

Dongfeng 31 cũng được thực hiện vụ thử nghiệm đầu tiên vào năm 2012, đến năm 2014 đã có 4 lần bắn thử, sau đó không có vụ thử bắn nào nữa. Hiện tại, số lượng tên lửa Dongfeng 31 chỉ còn hơn 10, cho thấy việc phát triển tên lửa Dongfeng 31 về cơ bản là thất bại và không được sản xuất hàng loạt. Thế nên các cơ quan nghiên cứu Trung Quốc đã quay lại phát triển DF-41.

Theo phân tích của ông Hồng Vi, vấn đề an toàn của Dongfeng 31 mà truyền thông Trung Quốc đưa ra có thể liên quan đến tai nạn trong quá trình thử nghiệm nhưng không được công bố.

Dongfeng 31 chỉ còn hơn 10, cho thấy việc phát triển tên lửa Dongfeng 31 về cơ bản là thất bại và không được sản xuất hàng loạt. (Ảnh: DefenceLover)

Tên lửa đạn đạo Trung Quốc rất khó công phá hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ

Hôm 16/10, truyền thông Trung Quốc cho biết loạt tên lửa đạn đạo Dongfeng 31 là tên lửa xuyên lục địa nhiên liệu rắn đầu tiên của Trung Quốc. Tuy nhiên, loại tên lửa này nếu mang theo 3 quả đạn đạo thì tầm bắn lớn nhất là 8.000km, không đáp ứng được việc bao phủ gần như toàn bộ lục địa Mỹ, nếu muốn đạt được tầm bắn 11.000km thì chỉ có thể mang theo 1 đầu đạn.

Trong khi đó, Hoa Kỳ với 20 năm thành lập hệ thống phòng thủ tên lửa gần như đã đạt được sự hoàn thiện và có khả năng đánh chặn đầu đạn hạt nhân Dongfeng 31, nên Trung Quốc vẫn giữ lại Dongfeng 5 với nhiên liệu lỏng. Tuy nhiên, do là nhiên liệu lỏng nên Dongfeng 5 tốn từ 30 đến 60 phút để nạp nhiên liệu dẫn đến việc phải đưa vào hầm tránh vệ tinh dò tên lửa cũng như tên lửa công phá của đối phương.

Ông Hồng Vi nhận định, những lời ca ngợi của Trung Quốc dành cho kho vũ khí “cực hạng” này trở thành trò lố trước những thông tin vô tình bị truyền thông tiết lộ. DF-41 trên thực tế có thể tiếp cận được Hoa Kỳ, tuy nhiên khả năng bị đánh chặn là rất lớn.

Ngoài tên lửa, Trung Quốc cũng đã chi những khoản khổng lồ cho bệ phóng và tàu vũ trụ, đều thuộc tiến trình nghiên cứu phát triển tên lửa xuyên lục địa, những chưa có khả năng công phá hệ thống phòng ngự tên lửa của Mỹ.

Hiện tại, Trung Quốc vẫn chưa thành công trong việc xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa mà chỉ nhập một lượng nhỏ hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 từ Nga. Trong khi đó, Trung Quốc chỉ có vài chục tên lửa đạn đạo, không an toàn và dễ bị công phá. Các phương tiện truyền thông hiện không còn tin tức để khai thác, kết quả là tiết lộ những thông tin liên quan đến bí mật quân sự. Tuy nhiên, đây chỉ là bí mật quân sự đối với người Trung Quốc, còn phương Tây họ đã biết từ lâu.

Khải Hoàn (Theo NTDTV)