Trung Quốc vừa đưa vào biên chế tàu sân bay đầu tiên do nước này sản xuất. Đây được xem là dấu mốc quan trọng giúp Bắc Kinh gia tăng đáng kể sức mạnh của lực lượng hải quân, đồng thời làm dấy lên mối lo ngại quân đội nước này có thể dễ dàng kiểm soát Biển Đông hơn.
Truyền thông Trung Quốc đưa tin, ngày 17/12, lễ bàn giao tàu sân bay Sơn Đông cho lực lượng hải quân Trung Quốc đã được tổ chức trọng thể tại quân cảng Tam Á, tỉnh Hải Nam.
Việc đưa hàng không mẫu hạm này vào hoạt động chính thức được Bắc Kinh xem là dấu mốc quan trọng trong nỗ lực xây dựng sức mạnh hải quân của đất nước. Chủ tịch Tập Cận Bình, Phó Thủ tướng Lưu Hạc cùng nhiều quan chức cấp cao khác cũng tới dự sự kiện.
Theo Sputnik, tàu Sơn Đông trước đây có tên Type 001A, do công ty đóng tàu công nghiệp Đại Liên bắt đầu chế tạo từ tháng 11/2013. Đây là hàng không mẫu hạm thứ hai được biên chế hoạt động trong quân đội Trung Quốc sau tàu sân bay Liêu Ninh vào năm 2012.
Tàu Sơn Đông có thể chở theo 36 tiêm kích J-15, vượt xa tổng số chiến đấu cơ trên tàu Liêu Ninh (12 tiêm kích). Đây là một phiên bản nâng cấp của tàu sân bay lớp Kuznetsov, được trang bị các hệ thống radar tân tiến cùng sàn rộng trên boong cho các các tiêm kích cất – hạ cánh.
Con tàu này bắt đầu được chạy thử nghiệm từ tháng 5/2018, từng đi qua eo biển Đài Loan để thực hiện các chuyến huấn luyện và thử nghiệm định kỳ, ngoài ra còn từng đến Biển Đông để tham gia thử nghiệm và diễn tập.
Tàu được lên kế hoạch biên chế vào tháng 4/2019, nhưng giai đoạn thử nghiệm mất nhiều thời gian hơn dự kiến, được cho là do một số vấn đề kỹ thuật.
Được biết, Trung Quốc cũng đang chế tạo các bộ phận của tàu sân bay thứ 3 tại nhà máy đóng tàu Giang Nam, Thượng Hải. Tàu sân bay được đánh giá là yếu tố quan trọng trong tham vọng xây dựng lực lượng hải quân tầm xa của Trung Quốc, nhằm thách thức ưu thế hàng thập kỷ của Mỹ tại khu vực Đông Á.
Tham vọng dễ dàng kiểm soát Biển Đông?
Theo báo South China Morning Post, Mỹ và các nước láng giềng đang chú ý tới động thái này một cách cẩn trọng, vì vẫn còn nhiều nguy cơ xung đột trên các vùng biển xung quanh Trung Quốc.
Li Jie, chuyên gia hải quân tại Bắc Kinh cũng cho biết: “Trung Quốc chọn Tam Á để biên chế tàu bởi các chỉ huy quân đội muốn nêu bật tầm quan trọng về địa chiến lược của căn cứ tàu sân bay thứ hai này”. Từ quân cảng Tam Á, quân đội Trung Quốc có thể dễ dàng kiểm soát Biển Đông, nơi Bắc Kinh được cho là đang tăng cường quân sự hóa nhằm áp đặt các yêu sách chủ quyền phi lý của mình.
Một nguồn tin quân sự khác nhận định, việc giữ tàu Sơn Đông tại căn cứ Tam Á còn là biểu hiện ngăn chặn những nỗ lực đòi độc lập của Đài Loan.
“Đó là lý do vì sao tàu sân bay đã đi qua eo biển Đài Loan trong hải trình đến Tam Á hồi tháng trước”, nguồn tin này nói thêm.
Thùy Linh (t/h)