Bệnh viện Trung ương Vũ Hán hôm 7/2 xác nhận bác sĩ Lý Văn Lượng, người đầu tiên cảnh báo về virus corona, đã qua đời vì chính căn bệnh này, theo Fox News.
“Trong cuộc chiến chống dịch bệnh viêm phổi do chủng mới virus corona (nCoV), bác sĩ nhãn khoa của bệnh viện chúng tôi Lý Văn Lượng không may bị nhiễm bệnh. Anh ấy qua đời sau tất cả những nỗ lực chúng tôi nhằm cứu sống anh ấy. Chúng tôi vô cùng thương tiếc sự ra đi của anh ấy”, Bệnh viện Trung ương Vũ Hán xác nhận trên tài khoản Weibob vào sáng 7/2, thêm rằng bác sĩ Lý qua đời lúc 2h58’.
Nhiều tờ báo lớn khác của Trung Quốc như Beijing News và các hãng thông tấn quốc tế, trong đó có cả Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) sau đã đó đồng loạt đăng thông tin này, khiến nhiều cá nhân, tổ chức bày tỏ nỗi đau buồn trên mạng xã hội trước sự ra đi của bác sĩ Lý.
“Chúng tôi đau buồn sâu sắc trước sự ra đi của bác sĩ Lý Văn Lượng. Tất cả chúng ta cần ghi nhận công lao của anh trong dịch nCoV”, Michael Ryan, giám đốc chương trình khẩn cấp y tế thuộc WHO, viết trên Twitter hôm 7/2 sau khi có thông tin Lý qua đời.
Thông tin này cũng khiến dư luận Trung Quốc tiếc thương Lý, đồng thời bày tỏ sự giận dữ với chính quyền, một số người còn yêu cầu các quan chức xin lỗi vì cách điều trị với Lý.
Bác sĩ Lý Văn Lượng, 34 tuổi, là 1 trong 8 người đầu tiên cảnh báo các đồng nghiệp và nhân viên y tế về sự nguy hiểm của virus corona. Ngày 30/12/2019, Bác sĩ Lý Văn Lượng đã gửi tin nhắn vào nhóm trò chuyện trên WeChat gồm 150 bác sĩ là bạn học cũ, cảnh báo về 7 ca nhiễm virus mà anh cho là giống SARS, một Hội chứng hô hấp cấp tính nặng, khởi phát ở Trung Quốc cuối năm 2002 khiến khoảng 800 người thiệt mạng trên toàn thế giới.
“Tôi chỉ muốn nhắc nhở các bạn cùng lớp đại học của mình cẩn thận“, bác sĩ Lý chia sẻ. Chỉ sau vài giờ, ảnh chụp màn hình tin nhắn của Lý bị lan truyền ra ngoài nhóm và chia sẻ chóng mặt trên các trang mạng xã hội. Ngay trong đêm 30/12/2019, các quan chức y tế thành phố Vũ Hán đã triệu tập Lý, yêu cầu được biết lý do anh chia sẻ thông tin.
Đến ngày 03/01/2020, cảnh sát buộc Lý ký biên bản, anh bị cáo buộc “phát tán thông tin sai lệch làm xáo trộn nghiêm trọng trật tự xã hội”. Theo tờ The Guardian, ít nhất có 8 bác sĩ tại bệnh viện ở Vũ Hán, bao gồm bác sĩ Lý đã bị mời lên đồn cảnh sát làm việc.
“Chúng tôi cảnh cáo anh, nếu anh ngoan cố, không tuân theo yêu cầu và tiếp tục việc làm này, anh sẽ bị xử lý theo pháp luật”, bác sĩ Lý kể lời của cảnh sát.
Một tuần sau đó, bác sĩ Lý điều trị cho một phụ nữ bị tăng nhãn áp, người này bị nhiễm virus corona chủng mới. Bác sĩ Lý lúc này không mặc đồ bảo hộ vì không cần thiết theo quy trình khám bệnh thông thường. Bệnh nhân nữ lúc đó cũng không có biểu hiện sốt.
Tuy nhiên, Anh bắt đầu xuất hiện triệu chứng sốt và ho vào ngày 10/01/2020 rồi nhập viện 2 ngày sau đó. Anh đăng trên Weibo: “Kết quả xét nghiệm axit nucleic cho thấy kết quả dương tính, mọi chuyện đã rõ ràng, đúng là tôi đã nhiễm virus”.
Ngày 28/01/2020, một bài bình luận trên mạng xã hội của Tòa án Tối cao Trung Quốc đã chỉ trích việc giới chức khiển trách Lý và các bác sĩ khác vì lan truyền “tin đồn”. Họ cũng quay sang khiển trách công chúng và cho rằng: “Nếu công chúng lắng nghe ‘tin đồn’ này vào thời điểm đó và áp dụng các biện pháp như đeo khẩu trang, khử trùng nghiêm ngặt và tránh đến chợ bán động vật hoang dã thì chúng ta đã có thể ngăn ngừa và kiểm soát lây lan virus tốt hơn.”
Trước đó, nhiều người dân đã bày tỏ sự phẫn nộ trên Weibo, lên án cách xử lý trì trệ và che đậy thông tin ban đầu của chính quyền tại thành phố Vũ Hán, nơi bùng phát nCoV. Được biết, tính từ ngày 30/1 khi công luận được tin chính quyền Vũ Hán mời 8 bác sĩ lên làm việc vì họ phổ biến “tin đồn” thì phải mất 3 tuần sau, chính quyền mới nhìn nhận thành phố có dịch.
Tờ Le Monde của Pháp phân tích: Ngay trên mặt ngoại giao, Bắc Kinh cũng bị thất bại vì xem trọng quyền lợi chính trị, địa chính trị hơn mạng người. Bắc Kinh đã thuyết phục được giám đốc WHO không những không chỉ trích cách xử lý khủng hoảng của chính quyền Trung Quốc mà còn khen ngợi là “phản ứng nhanh và minh bạch”.
Tính đến ngày 7/2, theo số liệu từ nhà chức trách Trung Quốc, dịch viêm phổi Vũ Hán do virus corona đã xuất hiện tại ít nhất 26 quốc gia, vùng lãnh thổ ngoài Trung Quốc, khiến 639 người chết và 31.481 người nhiễm bệnh trên toàn thế giới.
Thiện Thành (t/h)