Trong cuộc tập trung chiến dịch tại Tampa, Florida hôm 1/8, Tổng thống Donald Trump đã nói rằng Trung Quốc đang cản trở các cuộc đàm phán với Triều Tiên trong bối cảnh Mỹ – Trung leo thang chiến tranh thương mại.
Phát biểu của ông Trump về Trung Quốc tại Florida là tín hiệu mới nhất về tiến trình đàm phán giữa Mỹ và Triều Tiên khi hai nước đang theo đuổi nghị trình thực thi thỏa thuận chung mà lãnh đạo hai nước đạt được tại thượng đỉnh Singapore hôm 12/6 hướng tới “phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên”.
Trong một bài phát biểu dài bảo vệ cuộc chiến tranh thương mại của mình với Trung Quốc, ông Trump đã nói: “Chúng ta đang làm tốt về Triều Tiên mặc dù tôi chợt nghĩ rằng chúng ta đang làm tốt với Trung Quốc mà Trung Quốc có thể lại đang cản trở chúng ta”.
Tuy nhiên, Tổng thống Trump cũng lưu ý thêm rằng ông Kim Jong-un vẫn đang tiếp tục kiềm chế phóng tên lửa. “Không thử, không phóng tên lửa, chúng ta sẽ chờ xem điều gì xảy ra”, ông Trump nói.
Ông Trump đã không cung cấp thêm bất cứ chi tiết nào về cách thức Trung Quốc đang can thiệp vào các cuộc đàm phán hạt nhân.
Đây cũng không phải là lần đầu tiên ông Trump tố Trung Quốc giảm áp lực lên Triều Tiên vì mâu thuẫn thương mại Mỹ – Trung. Sau thượng đỉnh với ông Kim tại Singapore, ông Trump thừa nhận rằng tranh chấp thương mại có thể khiến Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình không còn muốn hợp tác với Mỹ để kiềm chế Triều Tiên. Ông Trump khi đó nói: “Biên giới [Trung Quốc – Triều Tiên] cởi mở hơn thời điểm khi chúng tôi bắt đầu”. Tổng thống Trump đề cập tới việc Trung Quốc từng thắt chặt biên giới với Triều Tiên sau khi ông gặp ông Tập Cận Bình hồi đầu tháng 4/2018 nhưng tới gần đây đã cởi mở hơn.
Ngoài việc là đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ, Trung Quốc cũng được cho là tác nhân quan trọng nhất trong chiến dịch “áp lực tối đa” của ông Trump để ép ông Kim từ bỏ kho vũ khí hạt nhân.
Sau cuộc gặp vào tháng 4/2017 tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago của Tổng thống Trump, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã liên tiếp ủng hộ các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc chế tài Triều Tiên và Bắc Kinh cũng thắt chặt thương mại biên giới với Bình Nhưỡng.
Trên bề mặt ngoại giao, Trung Quốc cho đến nay vẫn tránh công khai kết nối vấn đề tranh chấp thương mại Mỹ – Trung với tình hình Triều Tiên. Chế độ Bắc Kinh chỉ nói rằng Hội đồng Bảo an nên xem xét lại các chế tài áp đặt lên chế độ Bình Nhưỡng sau khi ông Kim đã họp thượng đỉnh với ông Trump.
Từ sau thượng đỉnh Trump – Kim tại Singapore, các hãng tin tức dẫn thông tin từ các nhà nghiên cứu độc lập và tình báo Mỹ cho biết Triều Tiên vẫn đang mở rộng chương trình vũ khí của họ.
Đầu tuần này, tờ Washington Post dẫn nguồn tin tình báo Mỹ cho biết, chế độ nhà họ Kim vẫn tiếp tục lắp ráp các tên lửa đạn đạo liên lục địa tại một nhà máy gần thủ đô Bình Nhưỡng.
Bất chấp những tin tức không tốt về Triều Tiên từ truyền thông, tại Florida, ông Trump vẫn nói rằng ông có mối quan hệ tốt với ông Kim.
Hôm 2/8, Nhà Trắng cũng phát đi thông báo cho biết hôm 1/8 Tổng thống Trump đã nhận được thư của ông Kim Jong-un gửi.
“Ông [Trump] đã nhận một bức thư. Cuộc gặp thứ hai hiện tại chưa được chốt. Chúng tôi chắc chắn để mở về cuộc thảo luận đó, nhưng chưa có cuộc gặp nào được lên kế hoạch cả”, Phát ngôn viên Nhà Trắng Sarah Sanders nói.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuần này sẽ dự diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) tại Singapore, nơi cũng có sự hiện diện của Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong-ho. Cho tới nay cũng chưa rõ liệu ông Pompeo có gặp ông Ri Yong-ho bên lề diễn đàn ARF hay không.
>>>Triều Tiên mặc cả Mỹ: Muốn phát triển kinh tế nhanh hơn Việt Nam
>>>Triều Tiên cố gắng hòa hoãn, Mỹ tiếp tục hiện thực hóa giải trừ hạt nhân
Theo Trithucvn