PN – Ngày 4/8/2015, ca sĩ Sơn Tùng sẽ có buổi ra mắt MV Âm thầm bên em bằng hình thức truyền trực tiếp trên YouTube với công nghệ live streaming. Đây là một xu hướng tất yếu, nhưng thực tế vẫn còn nhiều nỗi lo.
Live streaming – truyền hình trực tiếp trên internet thật ra không mới. Năm 2014, Công ty POPS Worldwide đã áp dụng cho nhiều sô diễn, trong đó có thể kể đêm trao giải POPS Award 2014, chương trình thời trang Elle Show 2014, lễ trao giải Làn sóng xanh 2013, chương trình giao lưu trực tiếp với các nghệ sĩ nổi tiếng… Gala Year End của cuộc thi Yeah1 Super Star cũng chọn hình thức tương tự. Ca sĩ Sơn Tùng, thay vì tung MV mới của mình trên các trang mạng như thường lệ, sẽ mời 50 khán giả hâm mộ đến một studio để thực hiện buổi ra mắt như một hình thức minishow và truyền dẫn trực tiếp qua kênh cá nhân của anh trên YouTube. Giải thưởng POPS Awards truyền trực tiếp trên YouTube Không giống như truyền trực tiếp trên truyền hình chỉ dành cho khán giả trong nước và phải theo dõi qua ti vi, live streaming có thể truyền trực tiếp sự kiện đến khán giả toàn cầu thông qua mọi thiết bị có thể kết nối internet. Khi đó, khán giả ở các nước có thể xem trực tiếp một sô diễn tại Việt Nam và ngược lại. Đó là chưa kể tính tương tác cao của hình thức này, giữa chương trình với khán giả, giữa đơn vị tổ chức hay các thành phần tham dự chương trình với người xem. Khán giả có thể vừa xem vừa phản hồi ý kiến về chương trình. “Nhiều chương trình có thể được thực hiện theo yêu cầu của khán giả khi xem trực tiếp và tương tác ngay trong chương trình. Ngoài ra, sau khi trực tiếp với live streaming, nội dung phát sóng được lưu lại trên internet, đơn vị tổ chức không cần upload lại file. Khán giả có thể xem lại chương trình ngay sau khi xem trực tiếp và cả sau đó”, bà Vinh Hạnh, đại diện POPS Worldwide – đối tác chính thức của YouTube tại Việt Nam cho biết. Cũng theo bà, so với các trải nghiệm truyền thống thì live streaming thật sự là một bước đột phá đối với truyền thông. Không quá phức tạp như truyền hình truyền thống, công nghệ live streaming chỉ cần đường truyền internet tại nơi tổ chức sự kiện đạt mức băng thông tối thiểu là 30 Mb/s và máy tính có cấu hình đủ mạnh (tối thiểu phải là Core I5, RAM 8GB và cổng HDMI). Chỉ đơn giản như vậy nên không hề ngoa khi cho rằng, đây sẽ là xu hướng thịnh hành trong thời gian tới, bởi tính đơn giản và linh hoạt về thiết bị đầu cuối. Đó là chưa kể, sắp tới, khi công nghệ 4G được triển khai rộng (băng thông lớn hơn nhiều so với 3G hiện tại), việc truyền dẫn cũng sẽ trở nên dễ dàng hơn. Sự cạnh tranh với các hình thức truyền dẫn truyền thống (truyền hình), rõ ràng là rất lớn. Tuy nhiên, ở một khía cạnh nào đó, sự tiện lợi này đặt ra một thách thức không nhỏ, khi các quy định về quản lý hiện hành vẫn chưa bắt kịp đà tiến triển này. Theo đó, với các sô diễn trên truyền hình (nhất là truyền hình trực tiếp), chương trình luôn được kiểm duyệt từ kịch bản cho đến trang phục. Truyền hình trực tiếp trên YouTube thì ngược lại: không cần phải xin phép, không có cơ quan nào duyệt kịch bản, trang phục… Theo quy định, những gì hiện diện trên môi trường mạng sẽ thuộc sự quản lý của Bộ Thông tin – truyền thông, trong khi bộ này lại không nắm các thiết chế về văn hóa để loại trừ các yếu tố phản văn hóa vì trách nhiệm này thuộc về Bộ Văn hóa – thể thao – du lịch. Thực tế, không ít sản phẩm văn hóa trên môi trường internet từng bị xử phạt, cụ thể như phim sitcom Căn hộ số 69, trường hợp đăng tải ca khúc Phiếu bé ngoan… Tuy nhiên, trong những trường hợp này, cơ quan quản lý chỉ theo đuôi sai phạm mà không thể ngăn ngừa, và với điều kiện sai phạm là quá rõ ràng. Trong khi đó, nguy cơ sai phạm của việc tự do truyền phát trực tiếp trên internet có rất nhiều mức độ và không phải mức độ nào cũng có thể xử lý bằng một biên bản xử phạt. NGUYÊN VĨNH
|
Theo Báo Phụ Nữ Online