Con người sống ở đời có ai là không từng mắc lỗi? Tuy vậy, làm việc gì cũng đều phải gánh chịu trách nhiệm về nó, dù là việc thiện hay ác cũng vậy. Nhưng có một tội lỗi, nếu mắc phải thì nghiệp báo sẽ rất nặng nề…
Hãy cùng đọc câu chuyện dưới đây
Tại thôn Thượng Liễu, có một gia đình gồm hai vợ chồng chàng trai trẻ và mẹ già sống cùng nhau. Bởi vì bà lão đã già không làm được việc gì giúp hai vợ chồng người con trai, hơn nữa, bà lại thường xuyên đau ốm nên người con dâu cảm thấy rất bực bội trong lòng. Cô thường xuyên đối xử không tốt với bà, bà lão cũng biết rõ nhưng đều chịu đựng cho qua.
Vào ngày gia đình tổ chức lễ mừng thọ cho mẹ, người con trai mua một ít thịt heo về và bảo vợ làm sủi cảo cho mẹ ăn. Ai ngờ người con dâu vì oán giận mẹ chồng nên đã giấu miếng thịt heo đi, rồi lấy cuống rốn trẻ sơ sinh cho vào trong bánh để mẹ chồng ăn.
Bà cụ không hay biết gì nên khi ăn cứ nói mãi: “Nhân bánh dai thế, mẹ nhai không nổi!”. Bởi vì răng lợi của bà cụ không còn được tốt nên ăn bánh mãi mà không nuốt được. Về sau sự thật bị bại lộ, rất nhiều người đều biết chuyện này. Ai cũng bàn luận về việc người con dâu này bất hiếu đến nhường nào.
Một hôm, người con dâu ra đồng làm cỏ, bỗng nhiên mây đen kéo đến đen kịt, sấm sét ầm ầm. Cô liền vội vàng cùng với một người phụ nữ khác cũng đang làm việc ngoài đồng chạy đến núp vào trong một lò gạch ở gần đó. Tuy nhiên, tiếng sấm sét cứ không ngừng nổ vang ngay trên đầu họ.
Lúc đó, người phụ nữ kia đứng tựa vào vách cửa, còn cô con dâu đứng ở bên trong. Sấm sét cứ như có mắt, không chịu rời khỏi họ. Hai người họ sợ đến hồn bay phách lạc.
Tiếng sét thứ nhất vang lên, đánh trúng ngay người phụ nữ đứng ở cửa, đẩy bà ấy ngã sang một bên nhưng chỉ là cổ bà bị thương nhẹ. Tiếng sét thứ hai lại đến, đánh trúng ngay vào người con dâu bất hiếu kia khiến cô ngã nhào xuống đất bất tỉnh.
Người con dâu ấy không chết ngay mà sống được thêm bảy ngày nữa. Nhưng chỉ có cặp mắt là cử động được, bảy ngày sau thì mất. Mọi người ở các nơi đều kéo đến xem, ai cũng bảo rằng đây là ông trời báo ứng.
Người xưa có câu: “Trong trăm cái thiện thì hiếu đứng đầu!”, ý muốn khuyên bảo chúng ta phải hiếu thảo với cha mẹ, với bề trên. Là phận làm con không chăm sóc cha mẹ khi về già đã là không tròn bổn phận, là bất hiếu và trời đất sẽ không dung tha.
Đức Phật có dạy rằng: “Từ vô lượng kiếp đến nay, chúng sanh lang thang trong nẻo luân hồi, bỏ thân này nhận thân khác, sinh đi sinh lại bao lần, sữa mẹ mà chúng ta đã uống còn nhiều hơn nước trong bốn biển”, rồi công ơn dưỡng dục của cha, đời này kiếp này làm sao trả hết.
Chữ hiếu là nền tảng của đạo đức. Gia đình là nền tảng của xã hội. Trong gia đình chữ hiếu là nền tảng để xây dựng hạnh phúc, đem đến sự an vui, an lạc cho tất cả mọi người.
Con cái có hiếu với cha mẹ, ngoài việc mang lại niềm hạnh phúc chung trong gia đình, còn mang đến cho chính mình sự an lạc, bình an. Mỗi cá nhân, mỗi gia đình trong xã hội có an lạc thì xã hội, quốc gia đó mới có an lạc bình an.
Đức Phật đã đã đưa ra tiêu chuẩn đối với một người con được gọi là hiếu đạo thì phải hội đủ cả hai mặt sự và lý. Sự là hình thức báo đáp bên ngoài, là lo lắng, chăm nom phụng dưỡng cha mẹ khỏi mọi điều thiếu thốn về vật chất; luôn tôn trọng kính lễ cha mẹ và không được làm cho cha mẹ phiền lòng.
Lý là chăm lo đời sống tâm linh cho cha mẹ. Hướng cha mẹ phát khởi thiện tâm, gieo tạo phước lành; làm sao cho cha mẹ hiểu rõ đường lành, tin sâu nhân quả, thoát ngoài vòng mê tín, ra khỏi luân hồi nghiệp báo, đạt được an lạc giải thoát trong hiện tại và tương lai.
Còn đối với những người ngược đãi cha mẹ sẽ chịu quả báo, phúc báo có gây dựng bao nhiêu cũng mất hết, kiếp này không chịu hết thì sang đến tận kiếp sau. Hiếu thảo và bất hiếu đều không nằm ngoài phạm vi nhân quả.
Theo khoe&đep