Tinh Hoa

Trống Lưng

Từ cổ đại, Trống đã là một vật dụng quen thuộc của con người. Xã hội phát triển cũng là lúc những giá trị văn hóa truyền thống không còn được coi trọng, thế nên Trống và ý nghĩa của nó cũng đã dần trở nên xa lạ nhất là đối với thế hệ trẻ ngày nay.

Thời cổ đại, trống được tôn là Thần khí thông thiên, làm đồ tế lễ, là môi chất câu thông với Thần, là vật tượng trưng của sự giao hòa giữa con người và thiên nhiên.

Lễ và Nhạc thời cổ đại gắn liền với Trống. Thời Chu chế định và chế độ nhạc trống. Trống đứng đầu trong bát âm, giữ vai trò chỉ huy trong diễn tấu âm nhạc.Thời cổ đại coi trọng văn hóa lễ nhạc, người quân tử thông qua âm nhạc để tu thân dưỡng tính, để đạt đến cảnh giới “Tề gia trị quốc bình thiên hạ”.

Thời Trung Quốc cổ đại, Trống không chỉ dùng trong chiến trận mà còn không thể thiếu được trong bộ gõ của các điệu múa dân gian. Kinh thi viết “Đánh trống, vũ đạo có thể đưa con người đến cảnh giới thần diệu”. Trống có tác dụng đón Thần đuổi tà.

Trong các chùa viện Phật giáo, các cung quán Đạo giáo, Trống còn là pháp khí lễ bái đặc trưng. Trống có tác dụng báo giờ, tập hợp mọi người, khánh lễ và ca tụng. Trước đền thờ thường có gác chuông phía đông, gác trống phía tây, hoặc “Chuông trái Trống phải”.

Mỗi lần chuông trống gióng lên, âm thanh vang dội ngân nga, bay xa mãi, vang động lòng người, gợi lên lòng thành kính, đưa con người trở về với lẽ trời và Chính Đạo, vứt bỏ hết thảy danh lợi, sinh lòng từ bi, bao dung vạn vật.

Trống trận có nguồn gốc từ chiến tranh, có tác dụng chỉ huy tác chiến và cổ vũ sỹ khí của binh lính. Binh sỹ sẽ nghe theo sự thay đổi của tiếng trống mà dàn trận, ví như có tiếng trống dành cho “tấn công” và có tiếng trống dành cho “thu quân”. Đến thời cận đại, khi không còn được sử dụng làm phương tiện trong chiến tranh nữa, trống trận dần dần trở thành một hình thức nghệ thuận dân gian; nhưng nó vẫn kế thừa phong cách vốn có trong thời chiến như: khí phách hào hùng, tinh thần phấn chấn.

Tổ tiên dân tộc Trung Hoa là Hiên Viên Hoàng Đế từng đánh trống Quỳ cổ 9 hồi và bắt sống được Xi Vưu. Theo sử sách ghi chép,tiếng trống trận đầu tiên là trong trận chiến giữa Hoàng Đế và Xi Vưu, đây cũng là trận chiến đầu tiên trong lịch sử văn minh Trung Hoa.

Trong chương mở đầu của “Sử Ký” miêu tả như sau: “Vào thời Hiên Viên, Chư hầu chinh phạt lẫn nhau và tàn hại bách tính, nhưng Thần Nông không thể bình định họ. Do đó Hiên Viên Hoàng Đế đã huấn luyện binh sĩ chiến đấu và chinh phục chư hầu. Tất cả chư hầu đều đi theo Hoàng Đế, chỉ trừ có Xi Vưu, người tàn bạo nhất và không thể chinh phạt. Hiên Viên dùng đức trị quân, tu đức an dân, yêu thương bách tính, sửa trị ngũ khí, gieo trồng ngũ cốc, giúp ích vạn dân, cứu giúp tứ phương… trong khi Xi Vưu gây họa loạn cho bách tính và không theo lệnh Hoàng Đế. Do đó, Hoàng Đế đã tập hợp chư hầu chiến đấu với Xi Vưu tại Trục Lộc. Sau khi giết chết Xi Vưu, chư hầu tôn Hiên Viên làm Thiên tử thay Thần Nông và gọi ông là Hoàng Đế…”

Vào thời ấy, Hoàng Đế chỉ có từ một đến hai ngàn lính, trong khi quân đội Xi Vưu thì quân số lớn hơn rất nhiều, và binh tướng của ông ta thì uy mãnh phi thường, tựa như giống người hoang dã phi nhân tính.

Một buổi sáng trước khi trận chiến bắt đầu, Hoàng Đế nói với các tướng sĩ của mình rằng: “Đừng thấy quân địch đông đảo và vô cùng uy mãnh mà lo lắng, họ không thể giành chiến thắng. Ta sẽ thỉnh rất nhiều thiên thần đến trợ chiến.”

Khi trận chiến bắt đầu, Hoàng Đế tự mình đánh tiếng trống trận uy phong để cổ vũ khí thế cho quân sĩ.

Theo sử sách ghi chép, “Hoàng Đế đánh Vưu, Cửu thiên Huyền Nữ làm cho vua 80 cái trống Quỳ cổ, gióng 1 nhịp chấn động 500 dặm, gióng liên hồi chấn động 3 ngàn 8 trăm dặm”. Hoàng Đế dẫn quân đánh vua Xi Vưu, gióng lên loại trống đặc biệt này, gióng liền 9 hồi, âm thanh chấn động mấy nghìn dặm, trời đất biến sắc, quân của Xi Vưu hồn siêu phách lạc, nhờ thế lập tức phá tan quân Xi Vưu. Sau khi thắng trận, Hoàng Đế lại sáng tác “Cương cổ khúc” để ăn mừng, khúc nhạc cảm kích hùng tráng, khí thế vạn quân.

Trống trận có tiết tấu thanh thoát, có thứ tự, cương nhu rõ ràng, là một loại đạo cụ chủ yếu thể hiện nội hàm tinh thần dân tộc Trung Hoa.

Trống eo lưng 

Thuở đầu, trống lưng phổ biến ở vùng Cao nguyên Hoàng thổ ở phía Bắc Trung Quốc, thuộc tỉnh Thiểm Tây. Sau đó chúng được dùng trong các điệu múa dân gian. Hình thức biểu diễn trống lưng biến hóa phong phú, như vừa nhảy vừa đánh trống, đội hình biến hóa, kết hợp đá chân và nhảy, tiết tấu vui vẻ, thể hiện tính cách nhiệt tình chất phác đặc trưng của người dân miền Trung Trung Quốc.

 

Thân trống eo lưng có hình dáng tựa như đồng hồ cát, có thể chơi được ở cả hai đầu. Chiều dài ước chừng 40-45cm và tiếng trống phát ra âm trung. Trống lưng được đeo ở bên hông bằng các dải lụa màu sắc rực sỡ, cho phép người chơi di chuyển linh hoạt khi biểu diễn.

Thoạt nhìn, nhiều người lầm tưởng Trống eo lưng hay còn gọi là trống lưng là cùng kiểu với Trống cơm của Việt Nam, nhưng không phải. Loại trống này có lịch sử lâu đời hơn, uy lực lớn hơn rất nhiều so với Trống cơm. Vậy Trống eo lưng có nguồn gốc ra sao và có điều gì đặc biệt mà trở nên nổi tiếng như vậy?

Sau thời Xuân Thu Chiến Quốc, vũ đạo dân gian dùng trống tấu nhạc đã trở lên hưng thịnh, bắt đầu xuất hiện các điệu múa mà lấy trống đặt tên, gọi là múa trống.

Trống lưng là một điệu múa trống dân gian lưu truyền rộng rãi vùng bắc Thiểm Tây, TQ, đặc biệt ở huyện An Tái khu Diên An, Hoành Sơn, Mễ Chi khu Du Lâm là thịnh hành nhất, trong đó trống lưng An Tái tiêu biểu nhất.

Trống lưng An Tái có hàng nghìn năm lịch sử. Theo các tài liệu lịch sử, đàn ông các bộ lạc lưu vực sông Hoàng Hà thường dùng một đoạn thân cây rỗng 2 đầu bịt da dê, đeo bên hông, gõ lên để đuổi dã thú. Sau đó dùng để báo động và dùng làm hiệu lệnh, trợ uy trong chiến trận. Đến thời Xuân Thu Chiến Quốc, trống lưng được dùng rộng rãi, thịnh hành nhất là ở nước Tần. Thời Tần Hán, trống lưng được binh sỹ coi là trang bị không thể thiếu giống như đao thương, cung tên vậy. Gặp địch đột kích, gõ trống lưng báo động, truyền tin. Hai quân dàn trận giao chiến, đánh trống trợ uy. Chinh chiến thắng lợi, binh sỹ đánh trống ăn mừng. Từ đó về sau, trống lưng phần lớn dùng để phòng thủ quan ải, đánh trống báo động truyền hiệu lệnh và trợ chiến. Đến thời Tống được dùng nơi biên giới. Huyện An Tái ngày nay chính là biên giới Bắc Tống và Tây Hạ năm xưa. Để phòng thủ biên giới nên lập ra huyện An Tái. Trống Lưng An Tái Thiểm Tây cũng vì thế mà có tên như vậy, qua ngàn năm vẫn còn thịnh hành.

Trống lưng An Tái Thiểm Tây áp dụng hình thức biểu diễn tập thể, dùng tay hoặc dùng chân gõ. Ít thì mấy chục người, nhiều đến hàng trăm người. Khi biểu diễn coi trọng hiệu ứng chỉnh thể, yêu cầu động tác đều đặn, thống nhất, và tính quy phạm trong biến hóa đội hình. Chủ yếu thông qua tư thế vũ điệu hào phóng chất phác và kỹ thuật gõ trống  mạnh mẽ của các tay trống, thể hiện ra vẻ đẹp cứng cáp vững chắc của các đấng nam nhi.

Căn cứ vào âm luật phong cách khác nhau, trống lưng An Tái chia thành văn và võ. Trống lưng văn nhẹ nhàng khoan khoái, phiêu nhiên hoạt bát, biên độ động tác nhỏ, giống như phong cách điệu ca đi cấy. Trống lưng võ thì hân hoan mãnh liệt, cứng cáp phóng khoáng, đồng thời có nhiều động tác đá, nhảy và xoay tròn, đặc biệt là kỹ thuật nhảy lên đá bay của các tay trống, đem lại cảm giác anh hùng võ hiệp kích động lòng người.

Trống lưng An Tái với phong cách độc đáo, phóng khoáng mạnh mẽ, cứng cáp hào sảng, khí thế hào hùng, từ đó đã vang danh thiên hạ. Nó trộn lẫn một cách hài hòa giữa vũ điệu Ương ca và động tác võ thuật, thể hiện rõ tính cách con người nơi đây hồn hậu chất phác, dũng mãnh uy vũ lại rộng mở vui vẻ lạc quan. Trình diễn trống lưng An Tái không bị hạn chế bởi địa điểm, cũng không bị gò bó bởi số người. Trên đường, trên quảng trường, trên sân khấu đều có thể biểu diễn. Có thể 1 người đơn đả, 2 người song đả, cho đến vài chục người, vài trăm người quần đả. Đơn đả thì bay nhảy xoay xoạc, lúc thì như chuồn chuồn đạp nước, khi thì như cánh én mùa xuân, lúc thì như tuấn mã bôn đằng, khi thì như mãnh hổ hiển uy. Quần đả thì có thể biến hóa muôn hình tuyệt mỹ, như ngựa hoang trên thảo nguyên, như thỏ đồng trên đồng cỏ.

TinhHoa tổng hợp