Trên chuyến bay đặc biệt cất cánh đi Guinea Xích Đạo đón người Việt nhiễm bệnh về nước, hai nhân viên y tế dường như không kịp thay giày nên phải đi dép tổ ong ra phi trường. Một nữ bác sĩ Đà Nẵng về nhà ăn bữa cơm, không kịp nhìn mặt con trai đã vội vã lên đường vào khu cách ly. Một bác sĩ khác thuộc bệnh viện C Đà Nẵng đã xuống phòng bệnh hát cùng bệnh nhân, hay các nữ bác sĩ phải tạm thời cắt bỏ đi mái tóc dài để chuẩn bị cho cuộc chiến cam go sắp tới… là những hình ảnh khiến nhiều người cảm động trong thời gian qua.
Nhiều người nói rằng đây là một cuộc chiến, mà những chiến binh là các bác sĩ áo trắng, các nhân viên y tế áo xanh. Họ – những người trên tuyến đầu ấy cũng nhận thức như vậy.
Trải qua 2 đợt dịch bệnh bùng phát, người dân Việt Nam nhìn chung đã có kinh nghiệm đối phó dịch. Một chuyến xe khách đã bị người dân Hội An chặn lại đêm 28/7 vì nghi ngờ chở người Trung Quốc nhập lậu. Một nhân viên bán hàng trong siêu thị vội vã báo công an vì một người khách hàng có hành vi tẩm nước bọt vào thực phẩm. Một hội chợ thương mại ở Quảng Trị đã phải ngưng hoạt động vì người dân lên án dữ dội. Điều đó cho thấy, khắp mọi nẻo trên quê hương Việt Nam ai ai cũng đều tự cảm thấy trách nhiệm, sát cánh cùng các bác sĩ trên mặt trận của riêng mình.
Đây có thể không phải chỉ là câu chuyện của riêng Việt Nam. Khắp nơi trên thế giới đều xuất hiện những vị anh hùng như vậy. Chúng ta cần tưởng nhớ lại chiến công của những người thổi còi như Lý Văn Lượng hay Ngải Phân, những người đã nhắc nhở thế giới biết rằng có một mối nguy hiểm đang gần kề và cho chúng ta thời gian để chuẩn bị. Khác với hoàn cảnh của Việt Nam, nơi những người hùng sẽ được tôn vinh, thì họ lại chịu đựng sự lăng mạ, và có thể là cả tra tấn. Chúng ta ngưỡng mộ họ vì tấm lòng cao cả của họ.
Hồi tháng 4, 63 bác sĩ Ý đã tử vong vì dịch. Ở Nga, một bác sĩ khác đã phải nhảy lầu tự tử vì không chịu nổi áp lực, hay một người cha làm bác sĩ không thể chạm vào con mình trước khi qua đời cũng vì nhiễm virus. Trong đợt dịch bệnh bùng phát lần thứ hai, chúng ta rơi lệ vì các bác sĩ gục ngã vì kiệt sức. Nhân viên y tế của bệnh viện Bạch Mai không thể trở về thăm nhà, miệt mài chạy đua vì diễn biến của dịch. Đêm 28/7, ngay sau khi bệnh viện C Đà Nẵng cách ly, một người phụ nữ đã hét lên thống thiết vì không thể gặp cha mình trước khi ông lìa đời. Đêm qua, một phụ nữ đã rơi lệ vì lâm vào cảnh cùng đường bế tắc khi lệnh cách ly đã khiến hoạt động kinh doanh của chị bị sụp đổ.
Sẽ có người phải chịu trách nhiệm vì những mất mát này trong tương lai. Nhưng hiện tại, chúng ta biết rằng mỗi người cần phát huy cái đẹp ngủ quên trong lòng bấy lâu. Người ta vẫn thường nói năm Canh Tý là năm hạn, trải qua 60 năm điều ấy dường như lại ứng nghiệm. Chúng ta vẫn còn 6 tháng chống chọi với tai ương. Một chuyến xe chở lậu có thể khiến bạn kiếm được vài triệu đồng, có thể giúp bạn tạm trang trải mất mát vì đại dịch. Bạn không ở vùng dịch, nhưng động đất, biển gầm, mưa bão bạn có tránh được hết chăng? Hai hôm qua, vùng Tây Bắc trải qua gần 20 lần địa long trở mình, Hà Giang lũ lụt, chẳng phải là đang cảnh báo con người đó ư?
Có những người còn biến đại dịch thành thủ đoạn chính trị. Những WHO, cánh tả, BLM,… họ không quan tâm đến sinh mệnh. Chúng ta không phải là họ, không hùa theo họ và minh trí phân biệt ra chân giả. Thuốc sốt rét có trị được viêm phổi Vũ Hán không? Trung Quốc có tạo ra virus trong phòng thí nghiệm không? Những con số thống kê kia là thật hay dối trá? Mỗi người nên tự tìm cho mình câu trả lời.
Cũng có những người tự coi nhẹ sinh mạng của chính mình. Họ tuyệt vọng, bế tắc, cùng quẫn vì đại dịch. Họ đốt nhà, thiêu xưởng, nhảy lầu tự tử,… Để lại biết bao oan nghiệt cho những người ở lại. Phật nói: tự tử là có tội. Sinh mệnh là đáng trân quý, sinh mệnh của tự mình cũng là đáng trân quý. Bạn phóng mắt nhìn ra thế giới mà xem! Ở châu Phi, người da đen sống như nô lệ trên mảnh đất cằn cỗi. Ở Tân Cương, phụ nữ bị hãm hiếp tràn lan. Người Tây Tạng phải sống tha hương, có nhà mà không thể về. Núi xanh còn đó, nước biếc chảy dài phải không?
Hãy bình tâm mà vượt qua đại dịch. Đồng lòng mà đi qua đại nạn. Một quốc gia có vững bền hay không, là xem có chịu được gian truân hay không. Một dân tộc có vĩ đại hay không, là xem ở chỗ con người có thể bao dung với nhau được hay không. Ấy chẳng phải là lúc này sao?
Từ Thức