Tai nạn đắm tàu RMS Titanic ngày 15 tháng 4 năm 1912 đã trở thành một đại thảm họa trong lịch sử hàng hải với hơn 1.500 người tử nạn. Sống sót sau thảm kịch, những tưởng là may mắn hơn những người còn lại. Thế nhưng ở Nhật, đó lại chính là một bi kịch.
Câu chuyện ‘hổ thẹn’ của Musabumi Hosono – người đàn ông Nhật Bản duy nhất thoát chết sau vụ đắm tàu lịch sử để rồi trở thành tội đồ của toàn dân Nhật.
1. Sống sót sau thảm kịch
Hosono là một viên chức làm việc trong Bộ giao thông vận tải Nhật Bản. Vào năm 1910, ông được cử đến Nga để nghiên cứu về Hệ thống đường sắt trung tâm ở đấy. Năm 1912, Hosono được sắp xếp để trở về nước trên tàu Titanic. 11 giờ 40 đêm ngày 14 tháng 4, tàu Titanic va vào một tảng băng trôi cách Newfoundland (Canada) 400 hải lý về phía Nam.
Khi đó Hosono đang ngủ say ở toa hạng 2. Ông được một nhân viên đánh thức và thông báo về tình trạng con tàu. Người ta đưa cho Hosono một cái áo phao tuy nhiên không cho lên tàu cứu sinh vì để ưu tiên cho phụ nữ và trẻ em.
Ông chia sẻ “Tôi đã chuẩn bị tất cả cho giờ phút cuối cùng của mình, và sẽ chết trong danh dự như một công dân Nhật Bản. Thế nhưng một phần khác trong tôi vẫn tìm kiếm con đường sống sót”.
Vào lúc pháo hiệu bắn lên, một sĩ quan hét lên “Còn dư hai chỗ” cho thuyền cứu sinh số 10.
Trước Hosono, một người đàn ông khác đã âm thầm nhảy lên thuyền khiến Hosono quyết định làm điều tương tự. Vì trời quá tối, người ta không thể nhận ra người vừa lên thuyền là đàn ông hay phụ nữ, do đó Hosono được cứu sống.
2. Sự hổ thẹn với tư cách một công dân Nhật Bản
Tuy an toàn trở về nước, Hosono không được người dân Nhật Bản chào đón. Ngược lại, họ cho rằng hành động của Hosono đáng khinh bỉ và phản bội lại tinh thần Samurai.
Họ phê phán ông vì đã không chết ngẩng cao đầu như những người đàn ông khác, họ tẩy chay ông vì đã làm xấu mặt người Nhật trước thế giới. Nhiều người ác miệng còn nói rằng Hosono đã tự xem mình là phụ nữ khi nhảy lên thuyền cứu sinh.
Từ một viên chức được ngưỡng mộ, Hosono mất việc, trở thành tội đồ và sống trong hổ thẹn suốt phần đời còn lại. Trong hồi ức của mình, ông kể đã nhiều lần hối hận và ước rằng mình chết đi thay vì hành động một cách hèn nhát.
Ông qua đời vào năm 1939 ở tuổi 68. Sau cái chết của Hosono, dư luận vẫn chưa chịu dừng lại. Những lời ra tiếng vào về sự việc của Hosono tiếp tục khiến gia đình ông nhiều phen khốn đốn.
3. Chết vinh hay sống nhục – Sự lựa chọn không hề dễ dàng
Nếu Hosono không phải là người Nhật, có lẽ kết cục của ông đã khác. Ở Nhật, định kiến của con người về đạo đức rất lớn. Một “cái chết đẹp” đối với người Nhật là cái chết không vướng bận, là bình thản đón nhận cái chết, là cái chết tựa như hoa anh đào.
Khoảnh khắc đẹp nhất cũng là lúc sắp tàn lụi. Nhưng trong trường hợp Hosono, liệu người đàn ông ấy có can tâm chấp nhận cái chết khi cơ hội sống ngay phía trước. Trong hồi ức của mình, Hosono viết:
“Cuối cùng thì tâm trí con người vẫn là một địa hạt kì lạ và khó đoán”
Dù đã chuẩn bị tâm lý cho “cái chết đẹp” của mình, cuối cùng, Hosono vẫn chọn sống nhục để rồi hối hận suốt phần đời còn lại.
4. Hàng trăm người Nhật tìm đến cái chết mỗi ngày vì… tinh thần võ sĩ đạo – tinh thần Samurai!
Có hai điều về nước Nhật mà có lẽ ai cũng biết, thứ nhất đây là quốc gia đầu tiên và duy nhất cho đến thời điểm này lãnh chịu hai quả bom nguyên tử vào năm 1945; thứ hai, đây là quốc gia có nền kinh tế phát triển bậc nhất thế giới. Tuy nhiên, lẫn khuất trong những điều mà cả thế giới biết, nước Nhật đang đứng trước một thảm cảnh tụt giảm về dân số khi tỉ lệ sinh không tăng mà ngược lại nó đang giảm sút nghiêm trọng khi hàng năm, có hơn 30.000 người, tức mỗi ngày có trên dưới 100 người tìm đến cái chết và trở thành một trong những đất nước có người tự tử cao vào loại hàng đầu thế giới!
Ông Takashima, một người đàn ông Nhật 60 tuổi cho biết, không giống như nhiều nước khác trên thế giới trong đó có Việt Nam, đối tượng tự tìm đến cái chết thường là người trẻ, thiếu suy nghĩ dẫn đến hành động dại dột, người tìm đến cái chết ở Nhật đủ thành phần xã hội và đủ mọi lứa tuổi.
Từ các cô cậu học sinh còn ở tuổi vị thành niên cho đến những ông bà lão ngoại tuổi thất tuần.“Vì sao có nhiều người Nhật lại tìm đến cái chết như vậy?”. Sau một chút suy nghĩ, ông Takashima đáp: “ Có lẽ nó xuất phát từ cái tinh thần đã giúp cho người Nhật vượt qua khó khăn sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, đưa nước Nhật trở thành một cường quốc về kinh tế – tinh thần samurai – tức tinh thần võ sĩ đạo huyền thoại”.
Để minh chứng cho phát ngôn của mình, ông Takashima đưa ra dẫn chứng về trường hợp đôi vợ chồng già hàng xóm của mình, những người đã chọn cái chết vào mùa đông năm ngoái.
Cũng giống như nhiều người già ở nước Nhật, sau khi về hưu, vì không muốn làm phiền con cái, ông bà Y. thuê một căn phòng nhỏ ở ngoại ô thành cổ Osaka để sống (ở Nhật đa số người dân ở nhà thuê vì số tiền bỏ ra để sở hữu một căn nhà riêng là rất lớn và hiếm có ai đủ khả năng tài chính để làm việc đó).
Cuộc sống của ông bà cứ thế lặng lẽ trôi qua với số tiền trợ cấp hưu trí của chính phủ cho đến mùa đông năm ngoái, khi mà nhiệt độ ở khu vực ông bà sống hạ thấp bất thường. Điều này khiến cho nhu cầu sử dụng nhiên liệu để sưởi ấm gia tăng đáng kể. Số tiền hưu trí hạn hẹp, không muốn làm phiền con cái, ông bà Y. quyết định dùng chút khí gas còn lại để cùng nhau tìm đến cái chết.
Khi nhân viên thu tiền điện phát hiện thì ông bà Y. đã chết nhiều ngày trước đó, bên cạnh thi thể là một bức thư tuyệt mệnh và một số tiền tương đương 2 ngàn đô-la Mỹ. Trong thư tuyệt mệnh, ông bà Y. ghi rất rõ, số tiền này dùng để hỏa táng cho mình và trả công cho những người làm công việc đó, tuyệt đối không dùng tiền của bất kỳ ai, kể cả của con cái cho hậu sự của mình. Cuối thư, ông bà cũng không quên cám ơn và xin lỗi vì đã làm phiền con cái, hàng xóm và nhà chức trách. Phải chăng, đây chính là một phần trong cái tinh thần Samurai huyền thoại của người Nhật!
5. Núi Phú Sĩ – nơi được cho là linh thiêng để chết
Với người Nhật, núi Phú Sĩ được xem là ngọn núi thiêng, biểu tượng cho cuộc sống vĩnh hằng của dân tộc, song đồng thời nó cũng là biểu tượng của sự chết chóc, bởi mỗi năm có hàng ngàn trong số hơn 30 vạn người Nhật tìm đến khu vực quanh chân núi này để kết thúc sự sống. Dù bận rộn với bộn bề công việc, hàng năm ít nhất một lần người Nhật tìm đến núi Phú Sĩ, người trẻ thì leo lên, người già thì chỉ đứng nhìn và xem nó là một chuyến hành hương về vùng đất thánh.
Là một tài xế, thường xuyên đưa du khách đến tham quan núi Phú Sĩ, anh Honda cho biết, hầu như năm nào anh cũng được dịp chứng kiến cảnh cảnh sát dọp dẹp thi thể của những người tìm đến các cánh rừng dưới chân núi Phú Sĩ để kết thúc sự sống và hầu hết trong số đó chọn hình thức treo cổ. Do số lượng nhiều và hầu hết những người tìm đến cái chết chọn những nơi hẻo lánh để treo cổ nên cứ khoảng vài tuần đến một tháng, nhà chức trách lại một lần tổ chức truy tìm và dọn dẹp xác chết.
Nguyên nhân vì sao người Nhật lại chọn đến nơi này? ông Takashima giải thích, một trong những lý do đầu tiên là vấn đề tâm linh. Người Nhật cho rằng, khi chết dưới chân núi Phú Sĩ linh hồn của họ sẽ được ngọn núi linh thiêng này che chở, kiếp sau sẽ thoát được khổ kiếp trần gian.
Bên cạnh đó, cũng có ý kiến cho rằng, sở dĩ người Nhật tìm đến đây để treo cổ là do họ không muốn làm phiền mọi người, nhất là gia đình mình. Ông Takashima cho rằng, đây có lẽ là một trong những ý kiến được nhiều người đồng tình nhất. Bởi hầu hết trong số những người tự tử ở khu vực này, ngoài bức thư tuyệt mệnh với lời cảm ơn và xin lỗi người lo hậu sự cho mình, cộng với một khoản tiền làm phí hỏa táng ra hầu như, họ ít khi để lại giấy tờ hay thông tin về bản thân mình.
Một lần, trên các phương tiện truyền thông xuất hiện thông tin, cha mẹ con tin người Nhật bị phiến quân thuộc tổ chức khủng bố nhà nước hồi giáo IS sát hại gửi lời xin lỗi đến mọi người vì đã dành thời gian lo lắng cho con của họ mặc dù không cứu được. Với người Việt Nam đây là chuyện rất bất thường song với người Nhật đây là việc làm bình thường và trở thành bản chất rất riêng của người Nhật.
Nước Nhật vốn là như thế, vẫn luôn tự hào bởi tinh thần Samurai – tinh thần võ sĩ đạo huyền thoại của dân tộc mình. Vậy nên không lạ gì việc sống sót sau thảm họa tàu Titanic của anh Musabumi Hosono lại thành bi kịch như vậy.
Chúc Di (t/h)