Dân gian Trung Quốc có một loại trò chơi đoán vật tương tự như xem bói được gọi là “xạ phục”, tức là giấu một vật vào một dụng cụ như cái ống hoặc cái lọ, sau đó để cho người khác suy đoán bên trong là thứ gì. Nhìn như trò chơi nhưng nó lại nói lên một đạo lý: Thiên địa vạn vật đều có định số.
Xạ phục ở triều đại nhà Hán rất thịnh hành. Trong “Hán thư. Đông Phương Sóc truyện” có viết, “Hoàng Thượng từng khiến nhiều người xạ phục”.
Có một lần, Hán Vũ Đế cùng mấy vị đại thần chơi trò đoán vật. Hán Vũ Đế lấy một cái chậu rồi chụp một con thằn lằn nhỏ vào bên trong, sau đó để cho các vị đại thần tới đoán nhưng không có ai đoán trúng. Đông Phương Sóc nói: “Thần từng học ‘chu dịch’, xin Hoàng thượng để cho thần thử một lần”.
Vì vậy, ông gieo một quẻ sau đó trả lời: “Thần cho nó là rồng nhưng lại không có sừng, thần nói nó là rắn nhưng lại có chân. Nó liên tục bò, hơn nữa giỏi về leo trèo men theo vách tường, vậy không phải thằn lằn thì chính là rắn mối.” Hán Vũ Đế nói: “Quả nhiên là ngươi đã đoán trúng.” Vì vậy đã ban thưởng cho Đông Phương Sóc.
Có một thị thần không phục nên nói với Đông Phương Sóc rằng, ông nếu có thể đoán ra tôi ở trong chậu thả đồ gì, thì tôi nguyện bị đánh 100 trượng, nếu như không đoán ra được, thì tôi được thưởng. Kết quả Đông Phương Sóc lại đoán trúng, vì vậy thị thần đó bị đánh 100 trượng.
Nhìn bề ngoài thì xạ phục với dự đoán dịch học là cùng một loại phương pháp, nhưng cũng không phải người nào học dịch học cũng đều có năng lực đoán chính xác, phải là bậc thầy trong dịch học thì mới có thể làm được điều này.
Quản Lộ vào thời Tam quốc, là một trong những đại sư nổi danh trong lịch sử về dịch học. Ông tinh thông ‘dịch’ cùng bói toán, cũng giỏi về xạ phục, “Tam quốc chí. Quản Lộ truyện” ghi lại rất nhiều câu chuyện thần kỳ về ông.
Trước kia, lúc ở Bình Nguyên, Lưu Thái thú lấy hai vật giấu trong một loại dụng cụ, sau đó mời Quản Lộ xạ phục, Quản Lộ nhìn hình dáng bên ngoài của dụng cụ đó suy nghĩ một lúc rồi nói: “Phạm vi trong ngoài, năm màu thành dấu ấn, chứa thủ tín báu vật, xuất ra liền thuận theo, đây chính là con dấu”.
Ông đoán xong vật thứ nhất, liền nói “trên mỏm núi cao có con chim thân màu đỏ, lông cánh màu vàng huyễn hoặc, kêu vào lúc bình minh, đây chính là lông gà”, các vật được che trong dụng cụ, quả đúng như Quản Lộ đoán.
Huyện lệnh Quán Đào là Gia Cát Nguyên được thăng chức làm Thái thú Tân Hưng, chuẩn bị lên đường nhậm chức, Quản Lộ đi tiễn biệt, lúc đó còn có rất nhiều khách khứa.
Gia Cát Nguyên liền mời Quản Lộ lấy xạ phục để làm trò chơi, ông ngầm lấy ba loại đồ vật chia ra đặt ở bên trong ba cái hộp rồi để cho Quản Lộ đoán, Quản Lộ từng cái đều đoán trúng:
“Nén khí chờ đợi biến mình, tựa vào mái hiên, trống mái cùng tạo hình, quả nở ra có cánh, đây chính là trứng chim yến”; “nhà ở treo ngược, rất nhiều cửa vào, giúp ẩn náu kỹ càng để sinh nở, hết mùa thu mới đổi, đây chính là tổ chim”; “có đôi chân dài, phun tơ thành lưới, giăng lưới để kiếm thức ăn, hoạt động vào đêm, đây chính là con nhện”, những người có mặt ở đó không khỏi kinh sợ thán phục.
Trong “Thiêu bính ca” vào Triều đại nhà Minh có viết, một hôm khi Minh Thái Tổ đang ăn bánh nướng trong điện, thì nội giám bỗng nhiên bẩm báo có quốc sư Lưu Cơ cầu kiến, Thái Tổ liền dùng cái chén đậy lên đồ ăn, rồi cho đòi Lưu Cơ vào, lễ bái xong, Thái Tổ hỏi rằng: “Tiên sinh tinh thông toán số, vậy có thể biết trong chén là vật gì không?”.
Lưu Cơ bấm ngón tay tính toán rồi trả lời rằng: “Nửa tựa như mặt trời, nửa tựa như mặt trăng, từng bị rồng vàng cắn một miếng, đây chính là thức ăn”, Minh Thái Tổ lấy làm kinh ngạc.
Đại sư dịch học Thiệu Ung vào triều đại nhà Tống, trong “Mai hoa dịch số. quan vật huyền diệu ca quyết” có viết: “Xem vật để đánh giá con người, mặc dù thấy rằng nó không có ích gì cho thế gian, nhưng có thể nhìn ra được thánh nhân, những điều trên thế gian đều có định số”.
Dịch số xem bói, là đạo học cổ đại của Trung quốc, là phương pháp dùng để suy đoán quy luật diễn biến của thiên địa vạn vật. Xạ phục tuy là trò chơi, nhìn như vô ích đối với thế gian, nhưng lại thể hiện một đạo lý rằng: Thiên địa vạn vật đều có định số.
Chân Chân (Theo Kannewyork)