Tinh Hoa

Trò “chơi chữ” của cảnh sát Hồng Kông liệu có đánh lừa được dư luận?

Theo những số liệu được công bố từ phía cảnh sát Hồng Kông, số người tham gia biểu tình ở 2 ngày 9/6 và 16/6 có sự khác nhau “một trời một vực” so với thực tế. Cảnh sát Hồng Kông liệu có đánh lừa được dư luận?

Nhà hoạt động dân chủ Hoàng Chi Phong (Joshua Wong) tham dự cuộc diễu hành đòi xóa bỏ Luật dẫn độ. (Ảnh: Epoch Times)

Trong làn sóng phản đối “Luật dẫn độ” của người dân Hồng Kông, bất kể là những người kháng nghị phản đối dự luật, hay là chính phủ thúc đẩy dự luật, cũng bất kể là người dân Hồng Kông hay là dư luận thế giới, đều rất quan tâm một điểm này, chính là có bao nhiêu người đã bước xuống đường? 

Điểm này vô cùng quan trọng, vì nó có quan hệ trực tiếp đến dân ý của Hồng Kông, cũng như để xác định tiến triển của làn sóng “phản đối Luật dẫn độ”. Về vấn đề này, trò “chơi chữ số” của cảnh sát Hồng Kông xem ra không được cao tay cho lắm!

Theo số liệu được công bố từ Mặt trận Nhân quyền Dân sự, ngày 9/6 số người tham gia diễu hành là 1,03 triệu, ngày 16/6 thì lên đến gần 2 triệu, lần lượt đã phá vỡ kỷ lục lịch sử của Hồng Kông sau khi trao trả lại chủ quyền, có người thậm chí nói đây là kỷ lục từ khi Hồng Kông mở cửa đến nay. 

Tuy nhiên, con số bên phía cảnh sát công bố lại khác nhau một trời một vực: số người tham gia lần diễu hành đầu tiên chỉ có 240 nghìn người, lần thứ hai thì chỉ có 338 nghìn người.

Hai con số này liệu có đáng tin không?

Thiết nghĩ những ai đã tận mắt chứng kiến đều nói không đáng tin, thậm chí không phải không đáng tin, mà quả thật là hoàn toàn không đáng tin!

Trước tiên hãy nói về con số 240 nghìn vào ngày 9/6. Một sinh viên tên Trương Vĩ thuộc ngành kinh tế trường đại học Bắc Kinh đã làm qua một phép tính: hôm đó tuyến đường diễu hành dài tầm 3,5km, chiều rộng hai bên đường ít nhất cũng phải là 30-40 mét, còn chưa tính vỉa hè, cho đến xung quanh hai bên đường đều chật kín người.

Một hàng ít nhất cũng phải từ 40 – 50 người, bởi quá nhiều người, thời gian bắt đầu diễu hành bị buộc phải tiến hành sớm hơn nửa giờ đồng hồ, khoảng 2 giờ 30 phút, thời gian xuất phát của phần đuôi phía sau cùng đã là 8 giờ rưỡi tối. 

Với trình độ của một sinh viên, thật không khó để tính ra số người đứng ở bên đường, một giờ đồng hồ có thể băng qua bao nhiêu người, và trong 6 giờ đồng hồ có thể băng qua bao nhiêu người? Con số 240 nghìn này hiển nhiên đã bị co cụm lại rất nhiều!

Số người biểu tình theo công bố của phía cảnh sát Hồng Kông đã thu gọn rất nhiều so với thực tế. (Ảnh: Newyorker)

Lại nói con số 338 nghìn ngày 16/6. Phàm là bất cứ ai đã nhìn thấy nhóm người diễu hành kháng nghị ở Hồng Kông, đều có thể chắc chắn rằng diễu hành ngày 16/6 đã vượt rất xa bất cứ cuộc diễu hành nào trước đó, bao gồm đại diễu hành của người Hoa toàn cầu ủng hộ các sinh viên Thiên An Môn ngày 28/5/1989, cho đến đại diễu hành quy mô lớn ngày 1/7/2003. 

Cuộc diễu hành bắt đầu từ 2 giờ 40 phút chiều 16/6, mãi cho đến 11 giờ đêm mới kết thúc, trải qua 660 phút, thời khắc cao điểm dòng người chật kín hết mấy chục con đường. 

Sự thật bày ngay trước mắt, tuy vậy con số 338 nghìn mà cảnh sát Hồng Kông công bố lại ít hơn số người trong cuộc diễu hành ngày 1/7/2003 được họ công bố là 500 nghìn người. Điều này làm sao có thể? 

Trò chơi chữ nhằm đánh lừa dư luận?

Trước đây, ví như khi mà Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bắn pháo hoa vào đêm trừ tịch hoặc ngày quốc khánh, trong 23 phút trình diễn tiết mục pháo hoa, bên phía cảnh sát thông thường đều báo cáo rằng có hơn 500 nghìn người Hồng Kông đứng ở hai bên đường thưởng thức.

Bây giờ số người diễu hành nhiều như thế, hiển nhiên là đông gấp mấy lần, kết quả khi đến miệng cảnh sát lại không bằng số người xem bắn pháo hoa, đây há không phải là chuyện nực cười lắm hay sao!

Nếu như nói số người diễu hành ngày 9/6 và ngày 16/6 đã bị cảnh sát Hồng Kông thu nhỏ lại, thế thì trái lại số người diễu hành ngày 12/6 lại được phóng đại lên. 

Theo cách nói của họ, ngày 12/6 trong thời điểm diễn ra xung đột giữa hai bên, hiện trường lại có đến 40 nghìn người. Con số này thậm chí còn lớn hơn cả con số 37 nghìn người trong cuộc tập trung ngày 4/6 của 2 tuần trước đó. 

Nói chung, dù là căn cứ theo cảm nhận của mọi người nơi hiện trường, hay là dùng suy luận thông thường để phán đoán, thật không khó để nhận ra số người diễu hành bên phía cảnh sát công bố thoạt nhìn thì đã biết là bịa đặt rồi. 

Vậy vì sao họ lại muốn thu nhỏ số người biểu tình của 2 ngày 9/6 và 16/6, trong khi lại cố tình phóng đại số người vào ngày 12/2, ngày diễn ra cuộc trấn áp từ phía cảnh sát với người biểu tình. 

Rất đơn giản, cái trước thu nhỏ lại có thể nhờ đó mà phủ định việc “phản đối luật dẫn độ” là chủ ý của đại đa số người dân Hồng Kông, hòng đẩy mạnh tiến trình sửa đổi điều luật và tạo dư luận.

Còn con số ngày 12/6 đã được nói phóng đại lên, qua đó chứng minh việc nhận định kháng nghị ngày 12/6 là “bạo động” và chính quyền tiến hành trấn áp là thật sự đúng đắn. Nói tóm lại, đây đơn giản chỉ là trò chơi chữ nhằm đánh lừa dư luận.

Thiện Ân (Theo Epoch Times)