Trình duyệt UC Browser thuộc sở hữu của Alibaba Group, mới đây đã bị gạch tên khỏi kho ứng dụng Google Play vì bị nghi ngờ âm thầm thu thập dữ liệu nhạy cảm của người dùng mà không có sự đồng ý của họ.
Trang Android Authority đưa tin, trình duyệt thuộc sở hữu của Alibaba hiện không còn có sẵn để tải xuống từ Play Store. Ứng dụng này đặc biệt phổ biến tại Ấn Độ, nơi nó nhanh chóng vượt qua Chrome để trở thành trình duyệt web dành cho di động được sử dụng nhiều nhất hồi đầu năm nay.
Lượng người sử dụng UC Browser trên toàn cầu là 420 triệu. Tháng trước, UC Browser thu hút hơn 500 triệu lượt tải xuống, trong đó có hơn 100 triệu đến từ Ấn Độ. Đây là lựa chọn phổ biến để thay thế Chrome tại quốc gia đông dân thứ hai thế giới.
UC Browser phát triển mạnh ở Ấn Độ trong vài năm qua vì tốc độ tải web nhanh và nhiều tính năng hữu ích, bao gồm trình quản lý tải xuống mạnh mẽ, tiện ích tùy chỉnh và tích hợp các dịch vụ của bên thứ ba.
Cả Google và UC Browser đều không đưa ra lời giải thích rõ ràng nào. Tuy nhiên, động thái loại bỏ trình duyệt UC Browser khỏi Google Play chỉ có thể xuất phát từ nguyên nhân đánh cắp dữ liệu.
UC Browser bị nghi ngờ chuyển dữ liệu đánh cắp về máy chủ Trung Quốc. Hiện không rõ lệnh cấm mang tính tạm thời hay vĩnh viễn.
Vụ việc bắt đầu từ tháng 8 vừa rồi khi nhiều người dùng phàn nàn trình duyệt của công ty Trung Quốc xâm phạm các thiết lập riêng tư trên máy tính.
Khi đó, có tin Google sẽ cấm cửa UC Browser, nhưng phải ba tháng sau lệnh cấm này mới được thực hiện.
UC Browser bị tố kiểm soát cả thiết lập máy chủ DNS ngay cả khi người dùng đã gỡ trình duyệt này khỏi máy tính. Do sự bám rễ quá sâu mà UC Browser bị nhiều người nghi ngờ đánh cắp dữ liệu.
Tuy nhiên, UC Browser không đề cập tới việc trình duyệt này có thể sử dụng dữ liệu và thông tin có được để phát quảng cáo không mong muốn cho người dùng dựa trên vị trí của họ.Chia sẻ với tờ The Times of India, phát ngôn viên UC Browser cho biết công ty này coi trọng an ninh dữ liệu và thông tin riêng tư của người dùng.
Ngoài Google, Bộ CNTT và Điện tử Ấn Độ cũng đang cân nhắc lệnh cấm UC Browser trong bối cảnh nước này có căng thẳng với Trung Quốc tại khu vực tranh chấp Doka La.
Nhiều thông tin trước đây từng đề cập tới việc UC Browser bị nghi ngờ chuyển dữ liệu người dùng về Trung Quốc.
Đầu năm 2017, Trung tâm Phát triển và Đào tạo Nâng cao (C-DAC) tại thành phố Hyderabad, Ấn Độ đã tiến hành phân tích cách thức trình duyệt UC Browser gửi dữ liệu, gồm cả thông tin vị trí, về máy chủ Trung Quốc. C-DAC đã cáo buộc UC Browser thực hiện hành vi sai trái này.
Trên thực tế, UC Browser được nêu tên lần đầu vào năm 2015 khi Đại học Toronto đánh giá nguy cơ đánh cắp dữ liệu của trình duyệt này.
Trong cuộc điều tra năm đó, Đại học Toronto đã cáo buộc UC Browser bí mật gửi dữ liệu vị trí của người dùng, thông tin mà họ tìm kiếm, số điện thoại di động và cả mã thiết bị truy cập cho bên thứ ba.
Tuệ Tâm (t/h)