Ngay sau khi tiết lộ đã phát triển được công nghệ gắn bom H (bom nhiệt hạch) vào tên lửa đạn đạo liên lục địa, Triều Tiên tuyên bố thử thành công loại bom này hôm 3/9, có sức mạnh ước tính gấp 5 lần quả bom năm 2016.
Triều Tiên hôm 3/9 đã thử một quả bom nhiệt hạch có thể gắn lên tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM), đài truyền hình quốc gia Triều Tiên KCTV đưa tin. “Cuộc thử nghiệm thành công hoàn hảo“, là bước tiến “đầy ý nghĩa” trong việc hoàn thành chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên.
KCTV cũng công bố lệnh tiến hành thử nghiệm bom H trưa ngày 3/9 do chính tay nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un phê chuẩn.
Trong khi đó, hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) dẫn thông cáo của Bình Nhưỡng cho biết, cuộc thử nghiệm “nhằm kiểm tra và xác thực độ chính xác, tin cậy trong công nghệ kiểm soát sức mạnh cùng cấu trúc mới áp dụng vào sản xuất bom nhiệt hạch“.
“Đây là quả bom mạnh chưa từng thấy và đánh dấu bước phát triển quan trọng trên con đường hoàn thiện sức mạnh hạt nhân của đất nước“, KCNA tuyên bố. Bình Nhưỡng cũng cho hay vụ thử bom không làm phát ra phóng xạ trong khí quyển.
Tuyên bố của Bình Nhưỡng được Xinhua đăng tải không lâu sau khi Hàn Quốc, Nhật và Mỹ xác nhận địa chấn mạnh 6,3 độ Richter ở miền Bắc Triều Tiên vào khoảng 3h30 GMT sáng 3/9 là vụ thử hạt nhân. Trung Quốc còn ghi nhận trận động đất thứ hai mạnh 4,6 độ Richter xảy ra không lâu sau trận thứ nhất.
Yonhap cho biết trận động đất này mạnh hơn 9,8 lần so với địa chấn từ vụ thử hạt nhân thứ 5 của Bình Nhưỡng. Triều Tiên đã thử hạt nhân 5 lần kể từ năm 2006, hai lần diễn ra năm 2016.
Hàn Quốc sau đó đã nâng mức độ báo động quân đội và kích hoạt nhóm ứng phó khủng hoảng hạt nhân. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã triệu tập một cuộc họp khẩn với Hội đồng An ninh Quốc gia.
Ông Moon kêu gọi có “sự trừng phạt mạnh mẽ nhất” với Triều Tiên, bao gồm thêm nghị quyết trừng phạt từ Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, nhằm cô lập hoàn toàn quốc gia này.
Hàn Quốc sẽ thảo luận về việc triển khai “những thiết bị chiến lược mạnh mẽ nhất của quân đội Mỹ”, Chung Eui-yong, cố vấn an ninh của ông Moon, nói, dường như ám chỉ các vũ khí hạt nhân mà Mỹ đã rút khỏi Hàn Quốc năm 1991.
Bộ Quốc phòng Nhật Bản triển khai ba phi cơ để đo phóng xạ. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tuyên bố hành động của Triều Tiên là “không thể chấp nhận được”.
Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga lên án Triều Tiên bằng những từ ngữ mạnh mẽ nhất. Ông cho biết trong các lệnh trừng phạt mới sắp áp dụng với Triều Tiên sẽ có hạn chế mua bán các sản phẩm từ dầu mỏ.
Theo AFP, Triều Tiên tuyên bố nước này đã trở thành cường quốc nhiệt hạch sau khi thử nghiệm thành công bom nhiệt hạch mạnh hơn nhiều lần so với quả bom nước này thử nghiệm trước đó năm 2016. Diễn biến mới này đặt ra thách thức to lớn cho Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ông Trump vài giờ trước đó có cuộc điện đàm với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, cam kết phối hợp chặt chẽ với nước này và Hàn Quốc để đối phó mối đe dọa từ Triều Tiên.
Bom H là gì?
Bom nhiệt hạch (bom H) hoạt động mô phỏng quá trình giải phóng năng lượng hạt nhân trên mặt trời, có khác biệt ít nhiều so với nguyên lý bom nguyên tử (bom A).
Bom H thực chất là quả bom kép, bao gồm một quả bom nguyên tử và một quả bom hydrogen. Khi được kích hoạt, hai quả bom sẽ nổ gần như đồng thời. Lượng nhiệt sinh ra từ quá trình nổ bom nguyên tử được dùng để làm mồi cho vụ nổ thứ 2, vốn cần rất nhiều nhiệt lượng nhưng sức tàn phá cũng lớn gấp hàng trăm lần.
Bình Nhưỡng nắm giữ công nghệ chế tạo bom H, đồng nghĩa với việc họ thực sự đạt được bước tiến vượt trội trong quá trình chế tạo bom hạt nhân. Dù bom nguyên tử sử dụng nhiên liệu plutonium đã có sức hủy diệt vô cùng lớn, bom H với thành phần chính là uranium có thể gây ra những thiệt hại lớn hơn rất nhiều.
Chỉ 5 cường quốc hạt nhân là Mỹ, Nga, Anh, Pháp và Trung Quốc sở hữu loại vũ khí này. Các nước khác như Ấn Độ và Pakistan chỉ sở hữu loại bom nguyên tử thông thường. Người ta chưa thể xác định tiềm lực của Israel vì nước này luôn giấu mọi thông tin về chương trình hạt nhân.
TinhHoa tổng hợp