Trung Quốc và Triều Tiên vẫn được coi là đồng minh “thân thiết như môi với răng”, thế nhưng, những vụ phóng tên lửa gây hấn của Bình Nhưỡng thời gian gần đây đã khiến Bắc Kinh đứng ngồi không yên.
Theo tờ Bưu điện Nam Hoa buổi sáng (SCMP), Trung Quốc ngày càng phải đối mặt với các vấn đề từ mối quan hệ phức tạp với chính quyền Kim Jong-un trong khi cộng đồng quốc tế tìm cách gia tăng áp lực chống lại mối đe dọa từ Triều Tiên.
Là các đồng minh lịch sử, cựu Chủ tịch Mao Trạch Đông so sánh mối quan hệ giữa Trung Quốc và Triều Tiên như “môi với răng”. Tuy nhiên, việc Bình Nhưỡng liên tiếp tiến hành các cuộc thử nghiệm tên lửa và đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân đã tạo nên những mối lo không dễ giải quyết đối với Trung Quốc.
Quan hệ Trung – Triều
Trung Quốc và Triều Tiên là 2 nước đồng minh lâu đời, chia sẻ không chỉ một biên giới dài hơn 1.400 km, mà còn có những mối quan hệ kinh tế và ngoại giao quan trọng.
Bắc Kinh và Bình Nhưỡng vẫn bị ràng buộc bởi một hiệp ước quốc phòng năm 1961 về “sự trợ giúp và hợp tác lẫn nhau”, và sẽ được gia hạn vào năm 2021, theo SCMP. Ngoài ra, Trung Quốc còn là đối tác thương mại lớn nhất của Triều Tiên, chiếm 90% thương mại nước ngoài của Triều Tiên – và cung cấp một nền tảng kinh tế thiết yếu cho quốc gia thích sống cô lập này.
Mối quan hệ giữa hai nước đặc biệt nồng ấm dưới thời ông Mao Trạch Đông – ông Kim Il-sung, và tiếp nối đến thời ông Giang Trạch Dân – ông Kim Jong-il.
Trong nhiều năm, phe chính trị của ông Giang Trạch Dân đã lợi dụng mối đe dọa hạt nhân của Triều Tiên như một biện pháp phân tán sự chú ý về những vi phạm nhân quyền của họ, đồng thời khiến các đối thủ của họ phải bận tay giải quyết, theo nhận định của các chuyên gia về Trung Quốc.
Tuy nhiên, mối quan hệ Trung – Triều đã phai nhạt trong những năm gần đây.
Lãnh đạo Triều Tiên hiện nay, ông Kim Jong-un chưa hề tới Trung Quốc gặp mặt Chủ tịch Tập Cận Bình, trái ngược với người cha, ông Kim Jong-il là người đã tới Bắc Kinh nhiều lần trong thời gian cầm quyền.
Theo SCMP, các nhà quan sát cho biết mối quan hệ của giữa hai nước đã căng thẳng hơn bởi hành vi không thể dự đoán được và sự hiếu chiến của ông Kim Jong-un, được thể hiện rõ qua cuộc hành quyết chú ruột của mình trong năm 2013, sau đó là vụ ám sát không thể chối cái đối với người anh cùng cha khác mẹ của mình, ông Kim Jong-nam, người đã sống lưu vong ở Macao, một đặc khu tự trị ở Trung Quốc.
Lo ngại của Trung Quốc
Bắc Kinh có nhiều mối quan ngại về tình hình trên bán đảo Triều Tiên, trong đó điều đáng lo nhất chính là sự bất ổn của chế độ Bình Nhưỡng. Nếu chính quyền của ông Kim Jong-un sụp đổ, Bắc Kinh sẽ phải đương đầu với những cuộc hỗn loạn sau đó, hàng triệu người tị nạn Triều Tiên sẽ tràn qua biên giới Trung Quốc, chưa kể một mối lo khác rằng Triều Tiên thống nhất với Hàn Quốc, trở thành một bán đảo thân thiện với Hoa Kỳ.
Kết quả là, Trung Quốc đã thận trọng trong việc cắt đứt viện trợ hay thương mại với Triều Tiên, để tránh làm tăng nguy cơ sụp đổ của chế độ Kim Jong-un, theo SCMP.
Một mặt Bắc Kinh không muốn có chiến tranh hay hỗn loạn trước ngưỡng cửa nước mình, mặt khác Bắc Kinh cũng không muốn Bình Nhưỡng tiếp cận vũ khí hạt nhân, vì khoảng cách giữa 2 nước là quá gần. Một Triều Tiên có vũ khí hạt nhân, cũng là mối đe dọa cho các cường quốc trong khu vực, và vì vậy Hàn Quốc và Nhật Bản có lý do để theo đuổi vũ khí hạt nhân.
Hành động “cảnh cáo” của Trung Quốc
Trang web của Bộ Thương mại Trung Quốc đã đăng tải “Thông cáo số 47 năm 2017 của Bộ thương mại”, tuyên bố chấp hành nghị quyết số 2371 được Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thông qua ngày 6/8, bắt đầu từ ngày 25/8, Trung Quốc sẽ cấm thực thể Bắc Triều Tiên hoặc cá nhân đến Trung Quốc thành lập mới doanh nghiệp kinh doanh góp vốn giữa Trung Quốc và nước ngoài, doanh nghiệp hợp tác kinh doanh giữa Trung Quốc với nước ngoài, doanh nghiệp vốn nước ngoài, cấm các doanh nghiệp đã thành lập tăng vốn để mở rộng quy mô.
Sau khi Trung Quốc cấm toàn diện nhập khẩu từ Bắc Triều Tiên than, sắt, quặng sắt, chì, quặng chì, sản phẩm thủy hải sản hôm 15/8, đây là lệnh cấm tiếp theo và cũng là biện pháp để Trung Quốc chấp hành nghị quyết số 2371 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Sau khi biện pháp mới này được công bố, giới quan sát cho rằng hành động này của chính quyền Bắc Kinh sẽ tạo nên ảnh hưởng nhất định đối với Bắc Triều Tiên, đồng thời cũng đại diện cho Bắc Kinh tuyên bố với thế giới rằng Trung Quốc sẽ thực hiện đúng theo nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, cắt đứt nguồn thu nhập từ xuất khẩu của Bắc Triều Tiên.
Ngay sau đó, Thông tấn xã Trung ương Triều Tiên (KCNA) và một số hãng thông tấn khác của quốc gia này hôm 25/8 đã đăng một bài bình luận của một tiến sĩ thuộc Trung tâm nghiên cứu vấn đề quốc tế Triều Tiên. Bài viết dùng câu “các nước lớn xung quanh” để ám chỉ Trung Quốc, không chỉ ngăn cản Triều Tiên phát triển vũ khí hạt nhân, mà còn công khai ủng hộ Mỹ trừng phạt kinh tế Triều Tiên.
“Những nước lớn xung quanh (Triều Tiên) đã quên khi con ếch mới chỉ là nòng nọc”, bài viết sử dụng ngôn từ bất mãn, cho rằng khi chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc mở rộng phát triển vũ khí hạt nhân thì Triều Tiên là nước duy nhất ủng hộ, vậy tại sao khi Triều Tiên phát triển vũ khí hạt nhân, Bắc Kinh lại tham gia vào hàng ngũ những nước trừng phạt Triều Tiên?
Chính hành động này của Trung Quốc đã làm chính quyền ông Kim Jong-un vô cùng bất mãn, và liên tiếp lên tiếng chỉ trích, tung tin đồn tên lửa sẽ ngắm vào Trung Quốc.
TinhHoa tổng hợp