Tinh Hoa

Triều Tiên đòi 600 tỉ USD/năm để tạm ngừng chương trình hạt nhân?

Trung Quốc được cho là đang đàm phán các điều kiện với Triều Tiên để nước này ngừng phát triển chương trình hạt nhân và tên lửa, trong đó Bình Nhưỡng yêu cầu được viện trợ 600 tỉ USD/năm.

Triều Tiên không ngừng phát triển chương trình hạt nhân bất chấp lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc. (Ảnh: Reuters)

Hôm 4/5, báo Korea Times (Hàn Quốc) và cổng tin tức Aboluowang (Hồng Kông) cho biết, Trung Quốc và Triều Tiên bắt đầu hội đàm bí mật từ tháng 8/2016. Cuộc đối thoại tiến triển đến mức hai bên đã thảo luận về những điều khoản chi tiết nhằm chấm dứt chương trình hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng.

Triều Tiên được cho là đưa ra 4 điều kiện:

– Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản và Nga phải viện trợ tài chính vô điều kiện cho nước này số tiền 600 tỉ USD/năm trong 10 năm tới.

– Rút lại toàn bộ các lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc (LHQ) và quốc tế

– Thiết lập hiệp ước hòa bình Mỹ – Triều Tiên

– Đảm bảo an toàn cho chế độ nhà lãnh đạo Kim Jong-un.

Đổi lại, Bình Nhưỡng sẽ tạm ngừng phát triển công nghệ tên lửa và hạt nhân trong vòng 3 năm kể từ ngày ký kết thỏa thuận.

Tuy nhiên, các cuộc đàm phán dường như bị đình trệ do Trung Quốc muốn gửi chuyên gia hạt nhân tới Triều Tiên để giám sát việc dỡ bỏ này nhưng Bình Nhưỡng không đồng ý.

Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết họ đang xác minh những thông tin trên.

Trong một diễn biến khác liên quan tới Triều Tiên, KCNA ngày 5/5 thông báo lãnh đạo Kim Jong-un đã tới 2 hòn đảo Jangjae và Mu, cách không xa đảo tiền tuyến Yeongpyeong của Hàn Quốc. Trên 2 đảo này, Bình Nhưỡng trang bị nhiều bệ phóng rốc-két đa nòng cùng pháo binh, trong đó có một đơn vị pháo binh trên đảo Mu đứng sau vụ tấn công đảo Yeongpyeong cách đây 7 năm.

Hãng tin này đồng thời tiết lộ Bình Nhưỡng đang cân nhắc kế hoạch tấn công Hàn Quốc. Tháng 11/2010, Triều Tiên nã đạn pháo vào đảo Yeongpyeong, giết chết 4 người gồm 2 dân thường. Đây là vụ tấn công đầu tiên của Triều Tiên vào lãnh thổ Hàn Quốc kể từ cuộc chiến 1950-1953.

Theo Người Lao Động