Triều Tiên đã chính thức báo cáo ca nghi nhiễm virus corona đầu tiên kể từ khi đại dịch bùng phát. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia tỏ ra nghi ngờ tính minh bạch về báo cáo dịch bệnh của chính quyền nước này.
Ngày 26/7, hãng thông tấn nhà nước Triều Tiên KCNA cho biết một người đào thoát sang Hàn Quốc từ 3 năm trước đã quay về Triều Tiên với các triệu chứng nhiễm virus Vũ Hán, theo BBC.
“Một sự cố khẩn cấp đã xảy ra tại thành phố Kaesong. Một người từng đào thoát sang Hàn Quốc 3 năm trước đã vượt biên trái phép về [Triều Tiên] vào ngày 19/7. Người này bị nghi nhiễm virus độc hại”, hãng tin KCNA nói.
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã tổ chức một cuộc họp khẩn hôm 25/7 và ban lệnh “hệ thống khẩn cấp tối đa” để ngăn chặn virus, đồng thời áp lệnh phong tỏa đối với thành phố Kaesong. Ông Kim cũng mở một cuộc điều tra về cách người này vượt biên và cảnh báo những người chịu trách nhiệm sẽ phải chịu “hình phạt nghiêm khắc”.
Những nghi vấn xoay quay “ca nghi nhiễm đầu tiên”
Theo BBC, đã có những tin đồn về các trường hợp nhiễm virus corona ở Triều Tiên trong vài tháng qua, nhưng do sự kiểm soát chặt chẽ về truyền thông và xã hội nên số ca nhiễm không được xác nhận. Vì vậy thông báo có ca nghi nhiễm đầu tiên ở Kaesong là một điều đáng ngạc nhiên.
Ngoài ra, hoàn cảnh của ca nhiễm này cũng có vẻ bất thường. Triều Tiên nổi tiếng kiểm soát người dân rất chặt chẽ. Người dân thường chạy trốn khỏi nước này qua biên giới phía bắc đến Trung Quốc. Rất hiếm khi ai đó có thể đào thoát qua biên giới canh phòng nghiêm ngặt với Hàn Quốc, chứ chưa nói vượt biên trái phép trở về sau đó vài năm.
Các nhà chức trách Hàn Quốc cho biết có thể tình huống hiếm hoi này đã thực sự xảy ra. Nhưng liệu người này có nhiễm Covid-19 vào thời điểm đó hay không lại là một câu hỏi khác.
Trước đó, Triều Tiên chưa từng chính thức ghi nhận bất kỳ ca nhiễm virus nào. Ngày 22/1, khi virus bắt đầu lan rộng trên toàn cầu, Triều Tiên đã đóng cửa biên giới và tuyên bố bước vào tình trạng phòng chống dịch bệnh khẩn cấp quốc gia.
Đầu tháng này, chính quyền Triều Tiên vẫn khẳng định không có ca nhiễm trong nước. Ông Kim còn ca ngợi “thành công tỏa sáng” của nước mình trong việc đối phó với Covid-19.
Tuy nhiên, vì Triều Tiên tiếp giáp với Trung Quốc, nơi bắt nguồn dịch bệnh, điều kiện vệ sinh và trình độ y tế trong nước rất thấp, ngoại giới luôn nghi ngờ về tuyên bố “0 ca nhiễm” của nước này.
Tờ “Daily NK” của Hàn Quốc từng trích dẫn các nguồn tin quân sự của Triều Tiên tiết lộ, chỉ trong tháng 1 và tháng 2 đã có hơn 180 binh sĩ tử vong, hơn 3.700 binh sĩ toàn quốc bị cách ly.
Ngày 12/4, tờ “Liberty Times” cũng trích dẫn các báo cáo cho biết một cựu quan chức Triều Tiên đào thoát tiết lộ dịch bệnh ở Triều Tiên có thể đã tương đối nghiêm trọng. “Người dân Triều Tiên bị suy dinh dưỡng trong một thời gian dài, không khỏe mạnh và miễn dịch kém, hệ thống y tế của Triều Tiên còn yếu ớt và không ổn định, e là số người tử vong ở Triều Tiên còn nhiều hơn 3 triệu người chết vì nạn đói năm 1990”.
Theo tờ “Tokyo Shimbun” của Nhật, một nguồn tin quen thuộc với tình hình Triều Tiên cho biết trong số nhân viên an ninh của Kim Jong-un, cũng đã có một người bị nhiễm virus Vũ Hán.
Thùy Linh (t/h)